MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Mẹ đi chợ Tết về. Ảnh: An Thành Đạt

Tết xưa, Tết nay

Trà My LDO | 25/01/2020 14:00

Trong ký ức thế hệ 8X trở về trước, Tết là dịp để mọi người quây quần, sum họp. Tết đúng nghĩa là đoàn viên, dẫu rằng mấy chục năm về trước cuộc sống còn không ít khó khăn nhưng Tết vẫn là từ được nhiều người mong đợi. Ngày nay, cuộc sống phát triển, đời sống kinh tế của người dân trong cả nước được nâng cao, cộng với sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, Tết cũng có nhiều thay đổi.

Ký ức Tết xưa

Nhớ hồi còn bé, cứ tầm giữa tháng Chạp là bọn trẻ con chúng tôi bắt đầu thấy nôn nao mong chờ Tết. Lúc ấy chưa có khái niệm về thời gian, nhưng nhìn bà, nhìn mẹ rập rạp chuẩn bị mọi thứ là biết sắp đến Tết. Bà kiểm tra lại số đỗ xanh ngon nhất để dành trong chai thủy tinh chuẩn bị gói bánh. Mẹ thì dặn dò bác hàng xóm nhớ để phần “đụng” một chân lợn. Tầm 23 tháng Chạp, sau khi tiễn Ông Công, Ông Táo lên Trời tâu với Ngọc Hoàng mọi chuyện dưới dương gian xong là nhà nhà bắt tay tất bật chuẩn bị Tết. Nhà nào chưa cấy hái xong là khẩn trương hoàn tất công việc đồng áng để đón Tết được thảnh thơi.

Quê tôi là vùng thuần nông, người dân quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nên chỉ những ngày Tết là thực sự được nghỉ ngơi. Mẹ tôi sẽ phân công việc cho mấy chị em, đứa quét dọn nhà, đứa dọn sân vườn, lau chùi bàn ghế, giặt giũ chăn, màn, chiếu..., rồi mua giấy màu về cắt hoa trang trí nhà cửa.

Thời đó không có đồ trang trí bán sẵn như bây giờ, mà có đi chăng nữa thì với thu nhập của các gia đình nông thôn cũng không có điều kiện để mua nên chúng tôi thường mua một tập giấy màu về tự cắt đồ trang trí khắp nhà.

Sau vài hôm cặm cụi cắt, dán các kiểu, bố còn mang chùm đèn nháy được bạn tặng cho từ hồi đi Tiệp về chăng lên làm nhà cửa sáng bừng lung linh khác hẳn. Mẹ đi chợ mua lá dong, ống dang về chẻ lạt, đợi sáng sớm ngày 30 thịt lợn xong là gói bánh chưng.

Tôi thích được bám theo mẹ đi chợ Tết, bởi những ngày ấy ôi chao là nhộn nhịp. Chợ ngày thường chỉ cỡ 9 giờ sáng là vãn nhưng ngày Tết chợ họp từ lúc chưa tỏ mặt người đến tận ngang chiều.

Ngày Tết dù thế nào cũng không thể thiếu bánh kẹo. Tết nào mẹ cũng chuẩn bị vài cân bột mì, vào ổ gà chọn chục trứng và lấy cân đường kính để dành trong tủ và đạp xe chục cây số lên phố thuê làm bánh quy.

Đối với lũ trẻ chúng tôi ngày ấy mùi bánh quy béo ngậy, thơm lừng là thứ mùi quyến rũ đến thèm thuồng, vị bánh quy mới làm giòn tan là một thức ngon đến mầu nhiệm. Nhưng bánh quy đấy được mẹ gói trong giấy xi măng rồi bỏ vào giấy bóng kính buộc chặt để dành cho những ngày Tết.

Chính vì vậy, trong khi mẹ xót của vì mẻ bánh bị gãy vụn nhiều thì lũ trẻ chúng tôi lại hân hoan, vui sướng vì được thưởng thức những cái bánh dù không nguyên vẹn nhưng vẫn ngon ngọt, hấp dẫn đến từng tế bào trong cơ thể.

Ngày 30 Tết, mới 2 - 3 giờ sáng các nhà đã í ới gọi nhau dậy thịt lợn. Cũng có nhà thịt từ 28 - 29 Tết nhưng phần lớn thịt vào sáng sớm ngày 30 bởi thời đó không có tủ lạnh, thịt không bảo quản được lâu. Thịt lợn xong tầm 4 - 5 giờ sáng là nhà nhà bắt tay vào gói bánh.

Trong lúc mẹ ngồi tỉ mẩn gói từng chiếc bánh vuông, bánh tày thì bố kê gạch ra góc vườn, lôi những gộc củi, gộc tre trữ từ cả nửa năm trước ra nhóm bếp chuẩn bị bắc nồi luộc. Chiều 30, trong lúc chờ mẹ cúng Tất niên, mấy đứa trẻ chúng tôi sẽ tắm táp sạch sẽ bằng nồi nước mùi già bà đun sẵn rồi ngồi bên nồi bánh sôi lục bục chờ bố vớt những cái bánh chưng con để chia nhau.

Năm nào cũng vậy, khi bố vớt xong nồi bánh là tiếng pháo giao thừa rộn rã khắp làng trên xóm dưới báo hiệu một năm mới bắt đầu. Sau này, không còn được đốt pháo nữa nhưng tiếng pháo giao thừa tuổi thơ vẫn in hằn trong ký ức tôi. 

Và Tết thời 4.0

Thời nay, cuộc sống bận rộn, Tết với phần lớn các gia đình cũng thay đổi, mang một dư vị khác. Ở thành phố, thậm chí ở cả những nơi xưa gọi là nhà quê chẳng mấy nhà còn gói bánh chưng nữa. Không có người ăn, cộng với bận rộn, nên các gia đình đặt đôi bánh bánh thắp hương là xong. Kể chuyện đêm 30 xưa ngồi trông nồi bánh chưng lũ trẻ con tôi cứ mắt tròn mắt dẹt như nghe truyện cổ.

Tết năm trước, tôi đưa các con về quê ngoại, mấy chị em ngồi gói bánh chưng như ngày xưa. Được ngồi canh nồi bánh chưng, lũ trẻ vui ra mặt, chạy lăng xăng, chốc chốc lại vào hỏi xem bánh được chưa, rồi chia nhau củ khoai vùi trong lớp than hồng. Nhìn mấy đứa con mặt nhọ nhem tôi như trở về với tuổi thơ xa ngái, nhọc nhằn mà niềm vui không kể xiết.

Chợ Tết giờ cũng khác rất nhiều. Dù là ở nông thôn cũng khó thấy cảnh “Người các ấp tưng bừng ra chợ Tết” nữa. Ở thành phố càng khó, bởi các cơ quan nhà nước, đơn vị kinh doanh phần lớn đi làm tới ngày cận Tết, nên dành cả tuần, thậm chí vài tuần để đi chợ sắm Tết như xưa là không thể.

Nhưng, điều đó không là vấn đề lớn với những gia đình có nhu cầu sắm Tết. Khoa học công nghệ phát triển, các trang thương mại điện tử ra đời, rồi các mạng xã hội cũng được dùng để kinh doanh đã trở thành cánh tay đắc lực cho các bà nội trợ muốn thể hiện đảm đang. Các ứng dụng mua sắm, các trang mạng xã hội bán vô thiên lủng các mặt hàng nên chỉ cần ngồi nhà, thậm chí tranh thủ chút thời gian ở cơ quan rồi mở máy tính lướt web, vuốt smartphone là có đầy đủ từ những món truyền thống đến món Á, món Âu để đổi vị trong ngày Tết.

Việc dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa cũng có các công ty dịch vụ, các gia đình bận rộn chỉ cần vài cú click chuột là sẽ có những nhân viên chuyên nghiệp đến phục vụ. Những gia đình trẻ thì xu hướng chung chuyển từ “ăn Tết” sang “chơi Tết”. Họ coi Tết là một dịp để nghỉ ngơi, xả stress sau cả năm làm việc, học hành vất vả mệt nhọc nên nhiều gia đình chọn phương án đi du lịch vào dịp này, đến các địa điểm trong nước và bất kỳ đâu trên thế giới. 

Nhiều người nói, công nghệ phát triển làm mọi người xa nhau và cái Tết trong thời 4.0 cũng có phần phai nhạt. Tuy nhiên, nếu nhìn ở góc độ tích cực, công nghệ giúp kết nối, giúp mọi người gần gũi nhau hơn. Trước đây, khi khoa học công nghệ chưa phát triển, với những người xa xứ không có điều kiện về quê đón Tết thì Tết đến là những ngày đầy lạnh lẽo, buồn tủi, nhớ nhung.

Ngày nay, khoảng cách về không gian giữa tỉnh này với tỉnh khác, thậm chí giữa nước này với nước khác dường như được rút ngắn lại, ngày Tết những người xa xứ cũng có cảm giác như được quây quần bên những người thân yêu khi các ứng dụng trò chuyện trực tuyến, các mạng xã hội ra đời và ngày càng phát triển.

Nhất là trong thời điểm giao thừa, với một người con xa quê, được nghe thấy tiếng nói, nhìn thấy nụ cười, ánh mắt của những người thân yêu, chắc chắn sẽ thấy lòng ấm áp hơn nhiều.

Chồng tôi có bà bác lấy chồng là cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc. Sau ngày thống nhất đất nước bác theo chồng về quê Vĩnh Long sinh sống. Lúc còn trẻ, thỉnh thoảng bác còn có điều kiện ra Bắc đón Tết tại quê hương với anh chị em. Sau này có tuổi, sức khỏe yếu, đường sá xa xôi, chẳng còn về thăm được nữa, mỗi dịp Tết là ngồi lén lau nước mắt vì nhớ quê xưa.

Ngày mới có điện thoại bàn, mỗi năm, cứ đến khoảnh khắc giao thừa mẹ tôi, chồng tôi lại gọi điện cho bác vơi bớt nỗi nhớ, nhưng chỉ nói vài câu là cúp máy vì hồi đó cước viễn thông còn khá đắt so với dân nông thôn. Bây giờ, mạng xã hội phát triển, khoảng cách địa lý như được rút ngắn lại.

Tháng vài lần các cụ lại gọi Facetime cho nhau, nỗi nhớ nhung phần nào cũng vợi. Nhất là gần đến giao thừa là mẹ chồng tôi lại gọi con cháu quây quần để gọi điện cho bác gặp cả nhà, để nguôi ngoai nỗi hoài vọng cố hương. 

Công nghệ đã mang những người trong gia đình đến gần nhau hơn trong thời khắc thiêng liêng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn