MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Thả lời khen cũng vừa tầm thôi!

Việt Văn LDO | 02/10/2023 10:54

Bạn vừa đi dự lễ ra mắt sách về kêu: Giờ người ta khen nhau lên trời. Toàn dùng những mỹ từ, động từ mạnh khiến nhiều người xung quanh mắt tròn mắt dẹt, tưởng đâu ở gần “thánh nhân” mà không biết!

Chưa kể, giờ đây, những bài viết tán tụng nhau, nâng đỡ nhau trong giới văn nghệ sĩ ào ào như xôi. Có ông viết chưa đâu vào đâu đã được “nâng bi” cho ngồi cùng chiếu với nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn, danh họa Bùi Xuân Phái… Các từ như “Quái kiệt”, “Kiệt tác”… được dùng bừa phứa, tràn lan cho nhiều đối tượng mới chỉ ở mức kha khá, mà trong văn học nghệ thuật nhiều khi từ khá lên xuất sắc tưởng như rất gần mà lại là khoảng cách diệu vợi, mãi không chạm tới được.

Thậm chí bạn nhớ lại từng nghe chữ “thiên tài” từ lời đọc thuyết minh trong một phim tài liệu của một đài truyền hình địa phương làm về chân dung một văn nghệ sĩ. Cái đáng nói là ngay văn nghệ sĩ đó cũng không ngượng mà còn đắc ý với lời khen đó. “Thiên tài” trong văn học nghệ thuật được dùng trong trường hợp rất đặc biệt chỉ người có tài năng vĩ đại, vượt xa thời đại đương thời, mở ra một trường phái mới, một xu hướng mới hoặc sáng tạo ra một ngôn ngữ mới. Cụ Nguyễn Du có thể gọi là thiên tài.

Thế mà ngay thiên tài thực sự không phải lúc nào cũng được tôn trọng đúng nghĩa, xưa có câu truyền miệng có một số sinh viên khi vào nhập học trường viết văn Nguyễn Du còn không biết Nguyễn Du là ai, nhưng sau mấy năm học, khi ra trường lại không coi Nguyễn Du ra gì.

Trở lại chuyện khen, giờ đây, thính giác nhiều người chịu được nhiều âm thanh lớn hơn, to hơn ở đường phố, trên sân khấu, nơi công cộng… nên lời khen theo đó cũng phải tăng “volume” lên mới thỏa mãn đối tượng được khen.

Cà phê đầu tuần, anh họa sĩ trẻ bảo có ông anh là bậc tiền bối trong giới cứ kể mãi chuyện được một nhà văn có tiếng khen tranh và bảo đấy mới là tri kỷ. Không ai dám coi thường nhà văn, nhưng cứ rung rinh mãi với lời khen của người ngoại đạo thì cũng nên xem lại. Thà rằng là lời khen, đánh giá của một nhà phê bình nghệ thuật thì lại khác.

Bạn được tặng chiếc quần nhung đỏ, mặc vào, đi tới đi lui mãi chả thấy ai khen, bèn đưa lên “phây” để chế độ công khai và hóng. Có tên lạ hoắc vào còm “Tài năng cỡ ông A, ông B kia mới dám chơi quần nhung đỏ. Ông… vừa phải thôi”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn