MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ca khúc “There’s no one at all” của Sơn Tùng bị dư luận chỉ trích vì thông điệp tiêu cực. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Thách thức của nhạc Việt giữa cuộc đua của “xu hướng”, Top 1 thịnh hành

Huyền Chi LDO | 20/12/2023 07:33

Nền âm nhạc Việt Nam đi qua nhiều biến động, định hình những xu hướng mới trong thời đại số, nhưng vai trò của giới lý luận phê bình vẫn mờ nhạt, yếu ớt.

Âm nhạc thịnh hành thay đổi

Với sự phát triển của mạng xã hội và các nền tảng nhạc số, định nghĩa “âm nhạc thịnh hành” đã thay đổi. Theo nhạc sĩ Nguyễn Quốc Đông, âm nhạc thịnh hành trước đây từng được hiểu là bài hát được phổ biến, mang hơi hướng thời đại, mang tâm tình thời đại, trong một thời điểm nhất định được quần chúng chấp nhận. “Còn thuật ngữ nhạc thịnh hành hiện nay có thể chẳng là gì cao siêu nghệ thuật, chỉ trong mức độ nghe được, cảm nhận được và mức sống vài ba năm, ca nhiều là có sinh lợi, ăn thua về khâu bản quyền tác giả mà thôi”.

Nhiều năm qua, nhiều ca sĩ phát hành sản phẩm và lấy thước đo thành tích là lượt xem, lượt yêu thích, “Top 1 thịnh hành” trên YouTube. Trong khi đó, sản phẩm muốn đạt được lượt xem cao phải có yếu tố giải trí, mà tính nghệ thuật thường không phải lúc nào cũng đi cùng yếu tố giải trí.

Trên các phương tiện truyền thông đại chúng, những bài viết bình luận về âm nhạc xuất hiện tràn lan, dù người viết không có chuyên môn về phê bình âm nhạc. Những bài viết này mỏng về chuyên môn âm nhạc, yếu về học thuật, đầy cảm tính, còn lại sa đà khen trang phục, hàng hiệu hoặc thêm thắt những chi tiết đời tư nhằm thu hút sự tò mò.

Như một lẽ hiển nhiên, những con số và giá trị ảo dễ khiến nhân tố trẻ huyễn hoặc về tài năng bản thân, và những sản phẩm chạy theo thị hiếu của đám đông cứ thế xuất hiện trên thị trường âm nhạc trực tuyến. Đáng lẽ, âm nhạc phải truyền tải các giá trị về giáo dục đạo đức xã hội, nâng cao đời sống tinh thần của người dân và thúc đẩy con người biết yêu thương, hăng hái lao động, sáng tạo. Thế nhưng, với xu hướng âm nhạc hiện đại, khoảng cách giữa phê bình âm nhạc chuyên nghiệp với đời sống sinh hoạt xã hội, giữa âm nhạc nghiêm túc với công chúng đã và đang bị xóa nhòa ranh giới.

Từ thực trạng đó, những sản phẩm âm nhạc chưa tốt, những sản phẩm âm nhạc dễ dãi, thậm chí là dung tục, phản cảm lại dễ hấp dẫn công chúng. Nhà nghiên cứu, nhạc sĩ Nguyễn Thị Minh Châu (Hội Nhạc sĩ Việt Nam) cho biết: “Các sản phẩm âm nhạc trên mạng xã hội và nền tảng số đều được đánh giá bằng số lượt truy cập. Khi giá trị tác phẩm do số đông quyết định thì càng khó với tới kiệt tác âm nhạc đỉnh cao. Quá nhiều thông tin trái chiều gây ô nhiễm môi trường âm nhạc, dẫn đến lệch lạc thẩm mỹ đại chúng”.

Phê bình âm nhạc mờ nhạt

Giờ đây, phê bình âm nhạc hỗn loạn giữa những ý kiến chủ quan của số đông cá nhân, nhà phê bình tự xưng không hiểu biết về âm nhạc, của những giám khảo gameshow âm nhạc mang tính vuốt ve và dựa theo kịch bản. Những người làm công tác lý luận phê bình vẫn vắng bóng trong khi nền âm nhạc nước nhà chuyển hóa phức tạp, khó lường. Tiếng nói của các nhà nghiên cứu, lý luận âm nhạc chỉ đóng khung trong những hội thảo, những tạp chí chuyên ngành.

Nhạc sĩ Nguyễn Thị Minh Châu nêu 3 vấn đề: Thứ nhất, hiện trạng mất cân đối giữa nhạc chính thống và nhạc thị trường, giữa nhạc hát và nhạc đàn; thứ hai, sự nhiễu loạn thông tin, loạn chuẩn giá trị âm nhạc; thứ ba, hiện tượng vi phạm bản quyền tác giả.

Nhìn nhận thực tế, ở Việt Nam, công việc lý luận phê bình chưa bao giờ được coi là một nghề, người viết phê bình chưa bao giờ sống được bằng nghề. Chúng ta thiếu vắng sự đầu tư, đào tạo và chưa có một đảm bảo cho những người dấn thân trong nghiệp phê bình nên không còn nhiều người muốn theo nghề, đương đầu đấu tranh với cái xấu.

Theo nhạc sĩ Trần Lệ Chiến, cái khó của người làm công tác lý luận, phê bình chính là vừa phải dùng những kỹ năng, phương pháp luận để phân tích chứng minh, làm sáng tỏ một vấn đề nào đó ở góc độ học thuật, nhưng cũng lại rất cần sự uyển chuyển trong ngôn từ, dẫn dắt, truyền đạt làm sao để bài viết đến được với quảng đại quần chúng. Nếu là một bài viết nặng về học thuật thì chỉ đáp ứng được số ít những người làm công tác nghiên cứu, hoặc những người muốn tìm hiểu và chủ yếu dành cho người làm nghề chuyên nghiệp.

Vì thế, các nhà lý luận, phê bình cần mở rộng phạm vi hoạt động sang lĩnh vực báo chí để chuyển tải những góc nhìn mới, những phát hiện sáng tạo và cũng dễ gần với công chúng hơn. Đó cũng là việc góp phần nâng cao thẩm mỹ nhận thức cho công chúng đối với âm nhạc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn