MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Độc đáo môn vật cầu trong lễ hội đền Hét (xã Thái Thượng, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình). Ảnh: Nguyễn Phục Anh

Thái Bình: Độc đáo môn vật cầu, rước kiệu nước trong lễ hội đầu năm

TRUNG DU LDO | 01/02/2023 11:27

Thái Bình - Trong khi lễ hội đền Hét khiến du khách, nhân dân thích thú với môn thể thao vật cầu, thì lễ hội chùa Phượng Vũ lại gây phấn khích với màn rước kiệu náo nhiệt dưới dòng nước lạnh.

Môn thể thao giống bóng rổ, quả cầu làm bằng củ chuối nặng 10kg

Hằng năm, vào mùng 7 - 9 tháng Giêng Âm lịch, nhân dân xã Thái Thượng (huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) và du khách thập phương lại nô nức trở về tham dự lễ hội đền Hét, hoà mình trong các trò chơi dân gian độc đáo của vùng quê miền biển.

Sau 2 năm gián đoạn, tạm dừng tổ chức do COVID-19, lễ hội năm nay thu hút đông đảo nhân dân địa phương, du khách thập phương. Ảnh: Nguyễn Phục Anh

Đền Hét xã Thái Thượng là nơi thờ Tướng quân Phạm Ngũ Lão - vị tướng giỏi thời vua Trần Nhân Tông. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, đền Hét là địa điểm tập kết liên lạc và họp bàn kháng chiến của tổ chức cách mạng, dân quân du kích và bộ đội chủ lực. Đền được Bộ Văn hoá và Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia năm 1993. 

Trong lễ hội, ngoài phần tế lễ, rước, dâng hương, còn tổ chức biểu diễn văn nghệ, thi đấu vật, kéo co, đua thuyền… Ðặc biệt, môn vật cầu và vật đô do Tướng quân Phạm Ngũ Lão sáng tạo ra để rèn luyện sức khoẻ cho binh sĩ khi đóng quân tại nơi này vẫn được nhân dân địa phương lưu truyền đến ngày hôm nay.

Sau 2 năm bị gián đoạn, tạm dừng tổ chức bởi đại dịch COVID-19, đầu Xuân Quỹ Mão 2023, hội vật cầu đền Hét được mở lại thu hút sự tham gia của đông đảo người dân địa phương, du khách thập phương.

Vận động viên tham gia lễ hội vật cầu đền Hét là những trai làng khoẻ mạnh, sau khi vào đền thắp hương xong sẽ ra sân chia làm 2 đội, mỗi đội có 9 người gồm 1 tướng và 8 quân thi đấu trên một bãi cát.

Các đội vật nhau, thi đấu đối kháng để tranh quả cầu làm bằng củ chuối nặng gần 10kg để ném vào bồ bên phía đối phương nên gọi là vật cầu. Ảnh: Nguyễn Phục Anh

Quả cầu được làm bằng củ chuối nặng 8 - 10kg đặt ở giữa, 2 bên trái - phải đặt hai bồ bằng tre cách củ chuối 8 mét, nhìn như những chiếc rổ trong môn thể thao bóng rổ. Sau hiệu lệnh của trọng tài, cuộc vật cầu bắt đầu, quả cầu tròn nhẵn, rắn và nặng nên đòi hỏi người chơi phải lấy hết sức, can đảm, phát huy sức mạnh tập thể để nâng cầu lên.

Sau thời gian thi đấu 2 hiệp tổng là 20 phút, đội nào đưa được cầu vào bồ của đối phương nhiều lần hơn, đội đó sẽ thắng cuộc. Từ xa xưa, vật cầu đã trở thành môn thể thao độc đáo, thể hiện tính cộng đồng, tái hiện tinh thần thượng võ có một không hai ở vùng quê ven biển này.

30 thanh niên trai tráng rước kiệu hàng giờ dưới nước lạnh

Chùa Phượng Vũ hay còn gọi là chùa Múa thuộc thôn Thọ Lộc (xã Minh Khai, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình). Chùa được xây dựng từ thời nhà Lý và được cấp bằng Di tích lịch sử văn hóa năm 1993 và được UBND tỉnh Thái Bình xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 2019. 

Đây là nơi thờ đức thánh Từ Đạo Hạnh - một người học cao, tài giỏi và là một vị vua từng ngự thuyền rồng về mảnh đất Thái Bình tế thần nông, cày ruộng tịch điền, mở mang việc trồng cấy. 

Để tỏ lòng nhớ ơn công "khai hoang lập địa" của ông, hàng năm địa phương long trọng tổ chức lễ hội truyền thống chùa Phượng Vũ. Lễ hội gồm 2 phần: Phần lễ có tế nam quan, nữ quan, tụ kinh, hầu giá; phần hội có rước kiệu quay truyền thống và các trò chơi dân gian như vật võ, chọi gà, cờ tướng...

Rửa kiệu chuẩn bị cho lễ rước. Ảnh: Tuấn Trần
Thanh niên trai tráng ngâm mình dưới nước lạnh rước kiệu. Ảnh: Tuấn Trần

Đặc biệt, lễ rước có 3 kiệu gồm Song Loan, Long Đình và kiệu lễ, mỗi kiệu nặng gần 100kg được 8 trai đinh khiêng. Hơn 100 thanh niên trai tráng đăng ký nhưng chỉ 30 người đủ sức khoẻ được lựa chọn. Họ phải rước kiệu xuống nước, quay kiệu nhiều vòng trong thời tiết giá rét.

Những người rước kiệu có ba ngày để chuẩn bị sức khỏe, tinh thần cho buổi rước có thể đi bộ, ngâm mình dưới nước kéo dài hàng giờ.

Kiệu được rước xung quanh làng và tới nhà các chủ hội cũ có công đóng góp lớn cho nhà chùa. Theo quan niệm, những gia đình được kiệu Thánh đến sẽ được may mắn trong năm mới.

Người dân khắp vùng đã tụ tập quanh hai bên bờ sông để chứng kiến rước kiệu dưới nước. Có những đoạn sông sâu quá đầu nhưng đoàn rước vẫn di chuyển. Sau khi rước quanh làng, đoàn rước kiệu xuống sông Thọ Lộc. 

Ngâm mình dưới nước lâu khiến nhiều trai đinh khiêng kiệu cũng phải chùn gối mỏi chân, nếu họ không đủ sức khoẻ thì sẽ ngay lập tức có người thay thế. Nhiều lần kiệu nghiêng ngả như thể sắp lật khiến khán giả đứng hai bên bờ sông hồi hộp.

Đoàn rước sau đó đi qua một đoạn ruộng chuẩn bị cấy. Theo quan niệm của người dân, lúc này thánh bảo lên lối nào thì đám rước đi theo lối đó. Lễ rước kết thúc khi đoàn kiệu xuống giếng đình thường vào lúc chính ngọ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn