MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chuyên gia Nhật Bản và Viện Khảo cổ học khai quật Bãi cọc Đồng Má Ngựa năm 2009.. Ảnh Ngô Đình Dũng

Thăm dò khảo cổ học các khu vực gần các bãi cọc cổ Bạch Đằng 1288

Nguyễn Hùng LDO | 23/04/2021 18:08

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có Quyết định số 1427/QĐ-BVHTTDL về việc thăm dò khảo cổ tại một số khu vực thuộc Di tích quốc gia đặc biệt Bạch Đằng. Những khu vực này nằm Dự án đường ven sông kết nối từ đường cao tốc Hạ Long- Hải Phòng đến thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh.

Theo đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho phép Bảo tàng Quảng Ninh phối hợp với Trường Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội thăm dò khảo cổ tại các khu vực: Bãi cọc Yên Giang, bãi cọc Đồng Vạn Muối, bãi cọc Đồng Má Ngựa, đền Trung Cốc.

Thời gian khai quật từ ngày 27.4 – 27.6.2021. Địa điểm và tổng diện tích thăm dò 200m2, gồm: Khu vực bãi cọc Yên Giang 100m2 với 4 hố; khu vực bãi cọc Đồng Vạn Muối 50m2 với 2 hố; khu vực đền Trung Cốc và bãi cọc Đồng Má Ngựa 50m2 với 2 hố.

Viện khảo cổ Khai quật bãi cọc Đồng Vạn Muối năm 2005. Ảnh: Ngô Đình Dũng

Trong thời gian thăm dò, cơ quan được cấp giấy phép cần chú ý bảo vệ địa tầng của di tích; không công bố kết luận chính thức khi chưa có sự thỏa thuận của cơ quan chủ quản và Cục Di sản văn hóa. Những hiện vật thu thập được trong quá trình thăm dò phải được tạm nhập vào Bảo tàng Quảng Ninh để giữ gìn, bảo quản.

Bảo tàng Quảng Ninh, Sở Văn hóa và Thể thao Quảng Ninh có trách nhiệm tiếp nhận, quản lý và báo cáo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phương án bảo vệ và phát huy giá trị những hiện vật đó. Sau khi kết thúc đợt thăm dò, Bảo tàng Quảng Ninh và Trường Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, phải có báo cáo kết quả thăm dò và đề xuất phương án quản lý, bảo vệ di tích đã thăm dò trong thời gian chậm nhất 1 tháng, gửi về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Được biết, phần diện tích Dự án đường ven sông kết nối từ đường cao tốc Hạ Long- Hải Phòng đến thị xã Đông Triều, với tổng vốn đầu tư gần 7.500 tỉ đồng, đi qua Bãi cọc Yên Giang diện tích khoảng 17.625m2, trong đó đi qua khu bảo vệ II khoảng 9.170m2, đi qua khu vực phục vụ du lịch, hỗ trợ phát huy giá trị di tích khoảng 8.455m2. Đoạn đi qua khu vực đền Trung Cốc, thuộc phường Nam Hòa diện tích khoảng 8.075m2 thuộc khu vực phục vụ du lịch, hỗ trợ phát huy giá trị di tích. Đoạn đi qua bãi cọc đồng Má Ngựa, thuộc phường Nam Hòa diện tích khoảng 12.900m2, trong đó đi qua khu vực bảo vệ II khoảng 11.445m2, đi qua khu vực phục vụ du lịch, hỗ trợ phát huy giá trị di tích khoảng 1.455m2.

Hiện, trong 3 bãi cọc Bạch Đằng cổ ở thị xã Quảng Yên thì chỉ có một phần của bãi cọc Yên Giang – được tìm thấy năm 1952 là để lộ thiên để phục vụ du khách tham quan; 2 bãi cọc đồng Má Ngựa và đồng Vạn Muối, sau khi khai quật khảo cổ học xong, đã được chôn xuống bùn để bảo quản.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn