Chia sẻ với MC Minh Đức, nghệ sĩ Thanh Hằng cho biết, bên cạnh nghệ thuật cải lương, chị còn có niềm đam mê với tân nhạc.
Nữ nghệ sĩ tâm sự: “Trong bản năng của tôi có dòng máu của 4 đời nghệ sĩ. Thời tuổi trẻ, tôi rất nhạy bén và chịu học hỏi. Nếu nghĩ bản thân mình đã hay thì sẽ không phát triển được nữa. Ví dụ như hát hồ quảng mình sẽ thoại khác, hát xã hội sẽ thoại khác. Ở mỗi thể loại, mình phải học hỏi một chút để đem về vốn liếng cho mình”.
Chia sẻ về quan điểm làm nghề, nghệ sĩ Thanh Hằng bày tỏ: “Tôi không câu nệ show lớn hay show nhỏ vì nơi nào cũng có khán giả thân yêu, với những nơi vùng sâu vùng xa lại càng đáng trân quý.
Có những bà mẹ 70-80 tuổi vẫn còn đi bộ đến sân khấu để chờ đợi và nghe tôi hát. Nhiều bà mẹ còn nói với tôi: “Nắm tay được Thanh Hằng, má chết cũng mãn nguyện”. Nghe những câu nói đó, tôi càng phải cố gắng giữ gìn sức khỏe thật tốt, phải ca thật hay, diễn thật đạt và phải thật cẩn thận, không hời hợt như trước đây nữa để báo đáp, đền ơn khán giả đã thương yêu mình”.
Những năm tháng đi diễn khắp các tỉnh thành, đặc biệt là ở những vùng sâu vùng xa, tình cảm đặc biệt bà con dành cho Thanh Hằng là điều nữ nghệ sĩ trân trọng nhất, suốt đời không bao giờ quên.
Chị tâm sự, mảnh đất miền Tây, đặc biệt là Vĩnh Long đã cho chị những kỷ niệm đẹp nhất trong cuộc đời: “Dòng nước sông Cửu Long đã nuôi dưỡng tôi, cho cái tên Thanh Hằng được sống và bắt đầu từ đó. Mảnh đất đó có lẽ là gia đình thứ hai của tôi”.
Nữ nghệ sĩ kể tiếp: “Ngày xưa đường sá không được như bây giờ và phải đi bằng ghe xuồng. Có lần, con gái lớn của tôi bị ban rừng, nổi nhiều hạt nhỏ trong lưỡi. Sau khi hát xong đêm hôm đó, tôi phải xuống ghe đưa con đi bệnh viện. Khán giả đã dọn sẵn đò để đưa tôi từ chỗ hát đi thẳng đến bệnh viện.
Có những người cha, người mẹ nhận tôi làm con nuôi đã đứng ra chăm sóc, khuyên tôi nên đi về để hát, còn con gái cứ để cho các mẹ chăm sóc. Những tình cảm đó làm sao tôi có thể quên được. Chính vì vậy, tôi luôn đau đáu trong lòng, hi vọng có một ngày được tri ân, vì hiện tại mọi người cũng đã lưu lạc khắp nơi, có người chắc có lẽ cũng không còn. Tôi mong rằng sẽ mang được những gì đáng quý nhất từ nghề của mình để đền ơn đáp nghĩa tình yêu thương của khán giả”.
Cũng tại chương trình, Thanh Hằng lần đầu chia sẻ những kỷ niệm khó quên khi gia nhập đoàn cải lương Trần Hữu Trang. Nữ nghệ sĩ tiết lộ để được hát với cố NSƯT Vũ Linh – ngôi sao của đoàn lúc đó là điều không thể, vì rất khó để chen chân vào và thay thế được cặp đôi Vũ Linh – Thanh Thanh Tâm. Bởi thời điểm đó, cả hai rất nổi tiếng, được khán giả vô cùng yêu mến.
Lần đầu tiên Thanh Hằng được gặp NSƯT Vũ Linh là lúc chị đại diện cho đoàn cải lương tỉnh Hậu Giang, còn cố nghệ sĩ thuộc đoàn cải lương tỉnh An Giang, cả hai cùng tham gia Liên hoan Sân khấu toàn quốc năm 1982. Hơn 40 năm, nghệ sĩ Thanh Hằng vẫn không quên kỷ niệm lần đầu được gặp Vũ Linh.
Năm 1984, NSƯT Vũ Linh thành lập đoàn cải lương Hồng Nhung, ông đã mời Thanh Hằng vào vai Nữ Vương trong vở Truyền thuyết về tình yêu.
Thanh Hằng cho biết: "Nhờ vai diễn đó, tuồng đó anh Năm đã làm cho tên tuổi của Thanh Hằng nổi lên, chính vì vậy, ân tình anh em nhiều lắm. Anh em từng có nhiều kỷ niệm, thời khó khăn, chia sẻ với nhau từng cây kim cọng chỉ, huống hồ là chén cơm, rồi từng cây đinh của đoàn hát... Anh em chia sẻ khốn khó với nhau".