MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Thanh Hóa với điệp vụ ngoạn mục đi vào tiểu thuyết và phim truyện

PHẠM XUÂN DŨNG LDO | 26/11/2019 16:18
Đây là một điệp vụ hoàn toàn có thật trong kháng chiến chống Pháp, lấy địa bàn Thanh Hóa làm tâm điểm, trở thành đề tài cho nhiều nhà văn và cũng đã được dựng phim truyện. Bài viết này tái hiện chiến công một phần lớn dựa vào cuốn tiểu thuyết được dư luận hoan nghênh mang tên "Câu lạc bộ chính khách" của nhà văn Lê Tri Kỷ, quê Quảng Trị.

Nhử cá cắn câu

Từ sau chiến thắng Việt Bắc năm 1947 cho đến năm 1950, khi cuộc kháng chiến chống Pháp vào hồi ác liệt, chính quyền thực dân mong muốn tìm kiếm và lôi kéo những người được cho là có khuynh hướng quốc gia không cộng sản trong hàng ngũ Việt Minh. Hy vọng sẽ chiêu hàng những kẻ kiểu như Bảy Viễn ở Nam Bộ, Phòng Nhì - cơ quan tình báo Pháp săn tìm một đối tác như thế để có thể nội công ngoại kích Việt Minh, nhằm chiếm thế thượng phong hòng sớm kết thúc một cuộc chiến hao người tốn của. Địch đặc biệt chú ý đến vùng tự do khu 4, trong đó có Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh - một hậu phương quan trọng của cuộc kháng chiến.

Biết được ý đồ của đối phương, tương kế tựu kế, tình báo Việt Minh dưới sự chỉ đạo của ông Nguyễn Tạo (lúc này mang tên Trần Châu Phong) - Trưởng ty điệp báo, Nha Công an Trung ương - đã có một kế hoạch ngoạn mục nhử cá cắn câu. Điểm táo bạo và cao tay nhất chính là đưa một người đang làm Trưởng ty Công an Thanh Hóa lúc bấy giờ vào lòng địch, ấy là nhân vật Hoàng Đạo. Tất cả tình tiết đều công khai, chỉ giấu đi một chi tiết duy nhất rất hệ trọng: Người này là một đảng viên cộng sản.

Lễ rước đức ân công Nguyễn Tạo tôn thần. Ảnh: P.V

Tổ điệp báo A.13 ra đời với sự tham gia của Hoàng Đạo - bí số A.13, Kim Sơn - bí số A.14, Chu Văn Kính - bí số A.15 và về sau có thêm một nữ điệp viên tên là Nguyễn Thị Lợi - bí số A.16. Một cuộc đấu trí gay cấn bắt đầu giữa cơ quan tình báo non trẻ của Việt Minh với những viên quan thực dân cai trị  cáo già, dày dạn kinh nghiệm như Cutxo - Cố vấn Quốc trưởng Bảo Đại, chỉ huy mật vụ sừng sỏ như Duypra của Phòng Nhì Pháp hay tướng lĩnh như Alexandri - Tư lệnh quân đội viễn chinh Pháp ở Bắc Bộ. Lúc này, Pháp đã đưa ra "giải pháp Bảo Đại" nhằm có một quân bài tập hợp lực lượng thân Pháp chống Việt Minh.

Thông qua điệp viên được cài cắm trong hàng ngũ đối phương, tình báo Việt Minh đã khéo léo tung tin rằng có một lực lượng kháng chiến không cộng sản đang tồn tại ngay trong lòng chiến khu Thanh Hóa. Quan trọng hơn, nhiều người trong số họ muốn hợp tác với chính quyền Bảo Đại, có ý về thành nhưng phải giữ được vị thế với những điều kiện thỏa thuận thích hợp. Họ không muốn bị khinh rẻ, mang tiếng là đầu hàng, phản bội.

Phòng Nhì Pháp là cơ quan tình báo đối phương lúc đầu cũng bán tín bán nghi. Rồi trước miếng mồi quá hấp dẫn, các điệp viên Pháp được tung ra tìm cách kiểm tra bằng được nguồn tin rất quan trọng và vô cùng đáng giá. Một điệp viên của ta được cài cắm trước đó đã khôn khéo bày ra những mẩu chuyện ly kỳ về một lực lượng ly khai, dẫn dụ địch tin vào kịch bản đã được sắp đặt. Quả nhiên đối phương mừng như tìm thấy được dấu vết kho báu và quyết theo đuổi bằng mọi giá. Câu chuyện khởi đầu vào khoảng giữa năm 1949, cách đây đúng 60 năm.

Bìa cuốn sách Câu lạc bộ chính khách. Ảnh: Kho sách cũ

Kim Sơn với tài diễn kịch xuất sắc từng được ông Nguyễn Tạo ngợi khen lại vào vai một quân nhân kháng chiến có vẻ bất mãn vì thích sống ngang tàng, tài tử, đang tìm đường móc nối cho một đại đội trưởng Việt Minh đang muốn "về thành". Chính ông Nguyễn Tạo về sau đã đưa Kim Sơn vào tổ điệp báo A13 thực hiện một nhiệm vụ tình báo táo bạo.

Nhưng chuyện đời không ai học được chữ ngờ. Khi công việc khởi sự có vẻ hanh thông thì đùng một cái, Kim Sơn khi vào lại chiến khu trong vai trò của một con thoi lại bị bắt vì tội buôn lậu. Anh mang mấy thứ hàng Pháp tặng vào vùng kháng chiến, vậy là xảy ra sự cố bất ngờ. Biết tin, tình báo Pháp đã tìm đủ mọi cách để cứu liên lạc viên quan trọng trong kế hoạch được cho là ngoạn mục của lực lượng viễn chinh, kể cả việc dùng một số tiền lớn để "hối lộ" giải thoát cho Kim Sơn.

Sau vụ việc này, Kim Sơn vẫn được địch tin dùng. Đến lúc này, nhân vật số một của vở kịch mới chính thức xuất hiện, đó là Hoàng Đạo trong danh nghĩa đảng trưởng đảng ma Phục Việt tại địa bàn rừng núi Thanh Hóa. Đối phương như con bạc khát nước càng muốn nhanh chóng lôi kéo được lực lượng ly khai để giáng cho Việt Minh một đòn bất ngờ thất điên bát đảo.

Nhưng cũng phải thấy, đặc vụ Pháp không phải là những tay gà mờ. Hơn nữa, ngay như Phan Văn Giáo - một người thân cận với Bảo Đại - từng trốn khỏi trại giam Thanh Hóa của Việt Minh, sau được phong trung tướng, thủ hiến Trung Kỳ, cũng quả quyết Hoàng Đạo về thành làm điệp viên chống Pháp. Giáo đã nói như đinh đóng cột rằng, có chết y cũng không tin Hoàng Đạo từ bỏ Việt Minh, đó là một người cộng sản đến tận xương tủy.

Khi nghe Duypra cật vấn, Hoàng Đạo điềm nhiên trả lời: "Nếu tôi là cộng sản thật, ông Giáo có trốn thoát khỏi trại giam Thanh Hóa - nơi mà tôi là trưởng ty công an được không?" Nghe có lý, Duypra tạm thời bỏ qua. Thực ra, lợi dụng sơ hở mà Phan Văn Giáo thừa cơ trốn thoát, nay Hoàng Đạo nhân chuyện ấy lại kể công để tung hỏa mù che mắt địch.

Kế hoạch chui sâu leo cao đang diễn ra, một thử thách chết người lại bất ngờ ập đến. Duypra báo cho Hoàng Đạo và Kim Sơn một tin dữ: "Tôi tin hai ông nhưng cấp trên không tin. Họ quả quyết rằng hai ông là cộng sản trá hình, cần phải bắt giữ để điều tra". Đúng là một đòn cân não.

Hai người nghe vậy, phân tích mọi tình huống có thể xảy ra. Cuối cùng, họ sẵn sàng cho cái chết có thể đến bất cứ lúc nào. Hai người thảo cả thư tuyệt mệnh gửi cho các "đảng viên" Phục Việt, đại ý nói không nên tin vào thiện chí của người Pháp. Vở kịch thử thách của Pháp cũng được hạ màn, hai người vẫn chiếm được lòng tin của đối phương.

Với khả năng tình báo gần như bẩm sinh của Kim Sơn và tài hùng biện của Hoàng Đạo, họ đã làm cho một viên tướng kiêu ngạo như Alexandri phải nể vì lắng nghe "hiến kế" và Quốc trưởng Bảo Đại cũng mong muốn họ dốc lòng  phò tá. Để tỏ rõ sự trọng vọng, Bảo Đại phong cho Hoàng Đạo làm Quốc vụ khanh (kiểu như bộ trưởng không bộ) và Kim Sơn làm đại úy ngự lâm quân tháp tùng Hoàng Đạo. Hai điệp viên Việt Minh bằng tài năng, mưu trí và lòng quả cảm đã "song kiếm hợp bích" qua mặt được những nhân vật chính trị, quân sự và tình báo sừng sỏ của Pháp.

Tượng nữ anh hùng liệt sĩ Nguyễn Thị Lợi ở thành phố Sầm Sơn (Thanh Hóa). Ảnh: P.V

Song để chắc ăn, Pháp cử Đinh Xuân Cầu - một điệp viên đắc lực cùng với Lê Quang Thiện (chức sắc Quốc dân đảng) và Nguyễn Văn Hướng (chức sắc đảng Đại Việt) là những kẻ được tin cậy ra thăm (đúng hơn là kiểm tra, dò xét) chiến khu Phục Việt ở Thanh Hóa. Ba tên này đã sa lưới và buộc phải viết thư báo cáo tình báo Pháp rằng mọi chuyện là có thật. Đối phương càng mắc mưu ta. Đúng vào thời điểm này, tình báo Việt Minh được lệnh phải nhanh chóng kết thúc điệp vụ.

Tiếng nổ ngoài khơi

Alexandri và Duypra muốn cột chặt Hoàng Đạo nên hẹn tổ chức đón tiếp ông và "vợ" trên chiến hạm, sau đó đưa "vợ" Hoàng Đạo về Hà Nội, cũng một cách giữ con tin để quốc vụ khanh phải một lòng nghe theo người Pháp. Đây cũng lại là một âm mưu của cơ quan tình báo Phòng Nhì Pháp.

Muốn hoàn thành nhiệm vụ, cần phải có một người quyết tử. Điệp viên này phải là người tuyệt đối trung thành với kháng chiến, mưu trí và gan góc cho đến giây phút cuối cùng. Sau nhiều lần đắn đo, chọn lựa Hoàng Đạo đã tìm thấy một người thích hợp.

Y hẹn, ngày 27.9.1950, Pháp cho thông báo hạm Amiot D'Invlle - chiến hạm lớn nhất của quân đội viễn chinh ở Đông Dương - đón vợ chồng quốc vụ khanh. Chị Nguyễn Thị Lợi, -tức A16, một phụ nữ Nam Bộ yêu nước - đóng vai phu nhân quốc vụ khanh, đàng hoàng ra mắt thuyền trưởng với va li khá nặng do A.15 là Chu Duy Kính trong vai người giúp việc đưa lên tàu. Hoàng Đạo giải thích với viên thuyền trưởng, đây là va li thuốc phiện sẽ bán để lấy kinh phí hoạt động cho đảng Phục Việt. Địch không mảy may nghi ngờ.

Sau khi trò chuyện, Hoàng Đạo, Kim Sơn và Chu Duy Kính rời tàu, để lại chị Nguyễn Thị Lợi một mình trong phòng riêng. Trước đó, A.16 lấy lý do đi đường mệt nên về phòng nghỉ trước với chiếc va li.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và ông Nguyễn Tạo. Ảnh: T.L

Cả tổ điệp báo dừng ở núi Độc Cước hồi hộp nhìn ra biển Sầm Sơn, Thanh Hóa. Một lúc sau, một tiếng nổ vang trời vang lên ngoài khơi phá hư chiến hạm tiếng tăm của Pháp. Chị Nguyễn Thị Lợi đã hy sinh vô cùng anh dũng với chiếc va li chất đầy thuốc nổ đã được kích hoạt khi tổ điệp báo rời tàu. Không ai bảo ai, cả ba người cúi đầu đứng lặng tưởng nhớ người nữ đồng đội đã dũng cảm tuyệt vời xả thân vì nghĩa cả.

Sau điệp vụ này, thiếu tá Duypra đã bị cách chức, Pháp và chính phủ Bảo Đại đổ lỗi cho nhau. Chiến công điệp báo Việt Minh vang đến tận Paris. Điệp vụ này là một đòn đau với lực lượng tình báo Pháp vốn nổi tiếng nhà nghề và sau này được soạn thành tài liệu đưa vào giảng dạy trong các trường đào tạo điệp viên của Pháp như một bài học kinh nghiệm đắt giá: Đòn đau nhớ đời.

Hoàng Đạo nhớ mãi câu nói của người điệp viên cảm tử: "Anh hãy nhớ tìm đứa con gái của em". Chị không những quên  mình cho Tổ Quốc mà còn hy sinh cả tình mẫu tử thiêng liêng vì nhiệm vụ cao cả. Rốt cuộc, Hoàng Đạo theo di nguyện của chị đã tìm được con gái của người liệt sĩ và coi như con đẻ của mình.

Liệt sĩ Nguyễn Thị Lợi sinh năm 1911, tại Châu Đốc, tỉnh An Giang. Bà được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. Tại thị xã Sầm Sơn (Thanh Hóa) có một trường THPT và một đường phố mang tên bà. Tượng nữ liệt sĩ cũng được trang trọng đặt trong khuôn viên trụ sở Công an tỉnh Thanh Hóa.

Chiến công tình báo Việt Minh gắn liền với tên tuổi chỉ huy Nguyễn Tạo và tổ điệp báo được nhiều nhà văn xây dựng thành tiểu thuyết, được dựng thành phim truyền hình dài tập mang tên "Chiến hạm nổ tung". Nhà văn Lê Tri Kỷ - nguyên Trưởng ty Công an Quảng Trị - đã viết cuốn tiểu thuyết hai tập "Câu lạc bộ chính khách", NXB Công an nhân dân, Hà Nội, 1986. Ông Nguyễn Tạo được một làng quê ở Thái Bình tôn làm Thành hoàng của làng vào năm 2011 vì có công di dân mở làng. Đây là Thành hoàng cộng sản trong thời hiện đại. 

P.X.D

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn