MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Thanh lọc fanclub, nhóm fan “cuồng”

Thảo Chu LDO | 14/09/2021 08:00

Trong những vụ việc ồn ào liên quan đến các nghệ sĩ gần đây không thể không nhắc đến vai trò của các group, nhóm fan của các nghệ sĩ. Việc thành lập ra các fanclub ban đầu là ý tưởng tốt. Tuy nhiên không ít người hâm mộ đã đi quá giới hạn và hành xử kém văn minh trên mạng xã hội.

Ngược lại, không ít nhóm antifan được lập ra nhanh chóng, thu hút đông đảo một lượng lớn nhằm phản đối, xúc phạm, thậm chí bôi nhọ một nghệ sĩ nào đó.

Mấy năm trước câu chuyện một nữ ca sĩ bị “xếp xó” ở góc ngoài cùng của poster sự kiện, vậy là trưởng nhóm fan đã đăng một dòng trạng thái kêu gọi các thành viên chuẩn bị tinh thần sang fanpage chương trình… chửi lộn. Ở mức cao hơn, còn tính chuyện “thanh toán” nhau ngoài đời.

Theo các nhà văn hoá, hiện nay, hầu như ca sĩ hay nghệ sĩ thần tượng nào ở Việt Nam cũng có fanclub của mình. Số lượng fan dĩ nhiên còn tùy thuộc vào độ nổi tiếng và kể cả độ chịu chơi, chịu chi của thần tượng. Không chỉ trong nước mà nhiều nghệ sĩ nước ngoài cũng có một lượng fan “khủng” trong nước. Hoạt động của các fanclub cũng theo mô hình Hàn Quốc. Có thể 1 ca sĩ, nghệ sĩ có đến 1-2 hoặc nhiều fanclub khác nhau, nhưng hoạt động chung một công thức: fanclub có fanpage, đến khi thần tượng ra sản phẩm âm nhạc thì tổ chức mua, kèm cả các vật dụng kinh doanh của thần tượng. Đáng kể nhất là hoạt động cày view giúp thần tượng lên top view, top trending và có thể đi… chửi dạo trên fanpage ca sĩ, thần tượng khác ra sản phẩm cùng thời điểm. Đồng thời không ít fan “cuồng” sẵn sàng đi săn tìm những khán giả lỡ lời chê bai thần tượng mình.

Cho đến nay ở Việt Nam chưa có những quy định điều chỉnh hoạt động cũng như những quy tắc cho lực lượng fan này.

Nhìn sang Trung Quốc, trong hàng loạt những biện pháp cứng rắn với các ngôi sao “lệch chuẩn”, Trung Quốc tiếp tục siết chặt quản lý văn hóa hâm mộ, như một phần trong cuộc chấn chỉnh toàn diện hệ sinh thái của ngành giải trí.

Cụ thể, trang Weibo (trang mạng xã hội lớn nhất Trung Quốc) đã đình chỉ có thời hạn hàng loạt tài khoản của những người hâm mộ (fan) các ca sĩ, nhóm nhạc Hàn Quốc như BTS, BLACKPINK, EXO, IU… với lý do gây ra hiện tượng “hâm mộ thần tượng một cách phi lý”.

Weibo cho rằng việc gây quỹ là “bất hợp pháp”, “vi phạm quy định cộng đồng” và trang này khẳng định “kiên quyết phản đối hành vi hâm mộ thần tượng phi lý và sẽ xử lý nghiêm túc”.

Trung Quốc cũng cho rằng họ không còn chạy theo để xử lý những “ngôi sao lệch lạc” như những năm trước đây, mà nay điều chỉnh quyết liệt và toàn diện đối với toàn bộ “hệ sinh thái” của ngành giải trí. Hệ sinh thái này gồm cộng đồng người hâm mộ, các nền tảng trực tuyến, các chương trình giải trí về thần tượng và quan trọng nhất là các ngôi sao.

Ở Việt Nam đã có những quy định của pháp luật xử lý những hành vi bôi nhọ, xúc phạm người khác trên mạng xã hội, đã có những quy tắc ứng xử trên mạng xã hội (do Bộ Thông thông tin và Truyền thông ban hành), Bộ quy tắc ứng xử của nghệ sĩ (do Bộ VHTTDL soạn thảo) nhưng đã đến lúc cần có những chấn chỉnh từ các fanclub, nhóm trên mạng xã hội của người hâm mộ. Có như vậy chúng ta mới xử lý được tận gốc để có một nền văn hoá văn minh, lành mạnh. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn