MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bảng quảng bá điểm đến cho ngành du lịch Bình Định.

Tháo dỡ bảng quảng cáo phá hoại di tích trên tháp Chăm

NGUYỄN TRI LDO | 06/05/2019 17:58

Bảng quảng bá du lịch tỉnh Bình Định được gắn trên hai tháp Chăm cổ đã được tháo dỡ. Trước đó, nhiều người dân bức xúc phản ánh trên mạng xã hội về việc các tháp Chăm bị khoan vào tường gạch, bắt vít sắt thép để gắn bảng quảng bá điểm đến, gây ảnh hưởng đến di tích.

Ngày 6.5, Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Bình Định đã cho tháo dỡ bảng quảng bá điểm đến của ngành du lịch Bình Định ở Tháp Đôi (TP.Quy Nhơn) và Tháp Bánh Ít (huyện Tuy Phước).

Trước đó, trên các trang mạng xã hội Facebook đã phản ứng gay gắt với nội dung: “Bảo tồn di sản + PR sản phẩm du lịch mà khoan thủng cả kết cấu mấy trăm năm của khối gạch, mấy ông này (đơn vị gắn bảng - PV) vừa vô ý thức vừa "lùn" về nhận thức... khách du lịch ai nhìn cũng bực tức rồi nhìn nhau lắc đầu...”.

 Tháp Đôi bị khoan vào tường gạch, bắt vít sắt thép để gắn bảng giới thiệu tên di tích.

Theo ghi nhận tại Tháp Đôi, tháp bị khoan vào tường gạch, bắt vít sắt thép để gắn bảng giới thiệu tên di tích, quảng bá điểm đến cho ngành du lịch Bình Định.

Ông Tạ Xuân Chánh - Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Bình Định - cho biết, sau khi nghe thông tin phản ánh, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định, Sở Văn hóa Thể thao tỉnh đã yêu cầu kiểm tra, tháo dỡ ngay các dòng chữ gắn trên tháp cổ.

 Tháp Đôi được xây dựng vào khoảng thế kỉ thứ X đến thế kỉ XV, mới trùng tu lại vào năm 1990.

“Cái này anh em ý là để du khách đến tham quan có thể chụp hình, qua đó quảng bá điểm đến du lịch. Nhưng gắn trên tháp cổ như thế thì không phù hợp, phải tìm điểm nào phù hợp để gắn lại” -  ông Chánh nói thêm.

Hiện trên địa phận tỉnh Bình Định còn tồn tại 8 cụm tháp với tổng số 14 tòa tháp cổ được xem như những tài sản vô giá. Tháp Bánh Ít và Tháp Đôi được người Chăm xây dựng trên đất Bình Định trong khoảng thời gian từ thế kỷ thứ X - XII.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn