MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhóm aespa thất bại với đĩa đơn "Better Things". Ảnh: SM

Thất bại của aespa và giấc mơ Mỹ tiến dang dở của ông lớn SM

DƯƠNG HƯƠNG LDO | 26/09/2023 14:33

Nhóm nhạc thế hệ thứ 4 aespa “Mỹ tiến” thất bại với ca khúc mới nhất “Better Things". Hành trình chinh phục thị trường Mỹ của công ty SM Entertainment vẫn còn dang dở.

aespa chưa thể giúp SM chinh phục thị trường Mỹ

Trong năm 2023, nhóm nhạc nữ Hàn Quốc aespa có hai đợt phát hành sản phẩm âm nhạc, với một album và một đĩa đơn. Album “My World" ra mắt đầu tháng 5, hiện đạt tổng doanh số ấn tượng 2.044.196 bản.

“My World" từng lập kỷ lục là album của nhóm nhạc nữ Kpop bán chạy nhất ngày đầu và tuần đầu (1.698.784 bản) trên nền tảng phân phối Hanteo. Gần 1,7 triệu bản bán ra còn giúp aespa trở thành nghệ sĩ có doanh số album tuần đầu cao nhất của công ty SM Entertainment.

Ca khúc chủ đề “Spicy" cũng có thành tích khá tốtở các nền tảng nhạc số Hàn Quốc. Mặc dù chưa thể đạt danh hiệu “All-Kill", nhưng ca khúc này đã leo lên vị trí số 1 Melon Top100 - bảng xếp hạng âm nhạc lớn nhất Hàn Quốc - sau 2 ngày ra mắt.

Tuy nhiên, thành tích quốc tế của aespa khá lép vế so với những nhóm nhạc nữ cùng thế hệ như: NewJeans, IVE, LE SSERAFIM, (G)I-DLE.

Thành tích quốc tế của aespa thua nhiều nhóm nhạc nữ Gen 4. Ảnh: Allkpop

Ca khúc “Spicy" đạt 1,14 triệu stream (lượt nghe) ngày đầu, ra mắt ở vị trí 176 trên bảng xếp hạng Spotify Global (toàn cầu). Trong khi, "Queencard" của (G)I-DLE đạt 1,3 triệu stream, đứng Top 132; “Unforgiven" của LE SSERAFIM đạt 1,55 triệu stream, đứng Top 71; và “Super Shy" của NewJeans ra mắt vị trí thứ 46 trên Spotify Global với 2,49 triệu stream.

Dù là album đánh dấu màn tái xuất quan trọng của aespa sau gần 1 năm, lại được ra mắt trong bối cảnh Kpop đang có nhiều ca khúc đạt thành tích tốt ở thị trường Mỹ, nhưng không một bài hát nào trong album “My World" có thể lọt vào bảng xếp hạng Billboard Hot 100, thậm chí trượt cả danh sách Under Hot 100.

Giữa tháng 8.2023, SM thể hiện rõ mục tiêu tấn công thị trường Mỹ khi để aespa phát hành ca khúc tiếng Anh “Better Things".

“Ông lớn" ngành giải trí Hàn Quốc dùng mọi nguồn lực, tạo điều kiện quảng bá cho aespa, như đẩy mạnh hoạt động trên radio Mỹ, biểu diễn “Better Things" trên chương trình đình đám Good Morning America của Mỹ, và thêm ca khúc vào hàng trăm playlist (danh sách phát) của Spotify…

aespa xuất hiện ở Good Morning America. Ảnh: SM

Đặc biệt, trên Spotify, khán giả phát hiện, “Better Things" có mặt trong 114 playlist, tiếp cận 27 triệu người nghe ngay ngày đầu ra mắt. Nhưng thành tích thực sự của ca khúc quá bết bát.

“Better Things" chỉ đạt 1,01 triệu stream chưa lọc và tụt xuống còn 222.000 stream đã lọc, không lọt vào Top 200 của bảng xếp hạng Spotify Global, cũng như Spotify Mỹ.

Là ca khúc nhằm chinh phục thị trường Âu - Mỹ, nhưng “Better Things" chỉ lọt Top 50 Spotify của hai nước duy nhất ở châu Á là Thái Lan (Top 8) và Hàn Quốc (Top 36).

Thành tích kém của "Better Things" trong ngày đầu phát hành (18.8.2023). Ảnh: Allkpop

Mới đây, trên cộng đồng trực tuyến, bài viết với nội dung “phơi bày" lượng view (lượt xem) thông qua chạy quảng cáo trong MV “Better Things” trên YouTube gây chú ý.

Theo bài đăng, sau 1 tuần phát hành, tính đến ngày 27.8.2023, lượng view hiển thị của MV “Better Things” là 48,62 triệu. Nhưng trong đó, view thực tế chỉ đạt 6,91 triệu, và lượng view chạy quảng cáo là 41,71 triệu, chiếm tới 85,7%.

Khán giả cho rằng, “Better Things" thất bại ở Mỹ bởi đây là ca khúc dance-pop nhạt nhoà, thiếu điểm nhấn. MV được quay với phong cách khá cũ và lời bài hát bị chê sáo rỗng.

Nhưng không phải đến aespa, SM Entertainment mới “Mỹ tiến" thất bại, mà trước đó, rất nhiều thế hệ nghệ sĩ đình đám của công ty cũng chưa thể chinh phục thị trường âm nhạc lớn nhất thế giới như BTS hay Blackpink.

Ca khúc “Better Things” bị đánh giá là cũ kỹ, không hợp thị hiếu Mỹ. Ảnh: SM

Giấc mơ "Mỹ tiến" như BTS, Blackpink còn dang dở

Những năm 1990, cựu CEO của SM - Lee Soo Man - là một trong những người có công lớn tạo ra hệ thống Kpop và đưa Kpop lan rộng khắp châu Á, với rất nhiều nghệ sĩ, nhóm nhạc đình đám như H.O.T, BoA, TVXQ, Super Junior, Girls' Generation (SNSD), EXO, Red Velvet… Đây cũng là bước đệm vững chắc để Kpop sau này trở thành “ngành công nghiệp tỉ USD".

Ngay đầu những năm 2000, sau khi nữ ca sĩ BoA đạt thành công tại Nhật Bản, Lee Soo Man thể hiện tham vọng “Mỹ tiến" với động thái nhanh chóng lập chi nhánh SM ở Mỹ, ký hợp đồng với công ty giải trí lớn Creative Artists Agency nhằm tiếp thị âm nhạc đến khán giả Mỹ.

Song, BoA hứng chịu thất bại. Lee Soo Man để các nghệ sĩ SM rút lui về thị trường châu Á.

Đến năm 2019, nhóm SuperM được thành lập, tập hợp những gương mặt nổi bật Taemin (SHINee); Baekhyun - Kai (EXO); Mark, Taeyong, Lucas, Ten (NCT), hoạt động chủ yếu ở thị trường Mỹ, nhưng tiếp tục thất bại.

Cho đến aespa, giấc mơ “Mỹ tiến” của SM vẫn dang dở, khi SM là công ty duy nhất trong nhóm “Big 4” (gồm: SM, YG, JYP, HYBE) chưa có ca khúc nào lọt vào bảng xếp hạng Billboard Hot 100 của Mỹ.

BoA, SuperM thất bại khi "Mỹ tiến". Ảnh: SM

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn