MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sau 3 lần “trượt”, nghệ sĩ cải lương Minh Vương mới được phong tặng danh hiệu NSND. Ảnh: HM

Thay đổi để không còn phải “xé rào”

HÀ MINH LDO | 08/09/2019 11:00

Cứ 2 năm một lần, Nhà nước xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (NSND), Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) ở các lĩnh vực văn học nghệ thuật nhằm tôn vinh những đóng góp của các nghệ sĩ trong việc góp phần bảo tồn, xây dựng đời sống văn hóa, văn nghệ trong đời sống xã hội. Danh hiệu để tôn vinh, tri ân, nhưng trước và sau mỗi đợt xét tặng luôn có những tranh luận về tiêu chí bình xét, thế thì tại sao không thay đổi để chấm dứt những bất cập?

“Nói vậy mà... không phải vậy”

Tiêu chí đầu tiên để xét phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT là số huy chương các nghệ sĩ đạt được trong quá trình hoạt động nghệ thuật. Cho dù từ nhiều năm nay, cơ quan quản lý Nhà nước (Bộ VHTTDL) luôn khẳng định đây chỉ là “một trong nhiều” tiêu chí để xét tặng danh hiệu, thế nhưng trên thực tế, nó luôn là bước sàng lọc đầu tiên cho danh sách đề cử. Chính vì thế luôn có những thắc mắc, băn khoăn: Người được phong tặng có xứng đáng, người không được phong tặng có thiệt thòi? Thế mới có chuyện nghịch lý nhiều nghệ sĩ đã mất rồi mới được truy tặng, cho dù những cống hiến là vô cùng lớn và được đông đảo nhân dân ghi nhận, như NSND Bùi Cường, NSND Phương Thanh, NSƯT Văn Hiệp…

Năm nay, có 5 NSND và 8 NSƯT được truy tặng. Còn nhớ trường hợp đáng buồn của cố NSƯT Văn Hiệp. Ông bắt đầu sự nghiệp diễn xuất từ những năm mới giải phóng Thủ đô, được hàng triệu khán giả “biết mặt, biết tên”, cả đời hết lòng vì nghệ thuật. Năm 2013 ông mất. Được biết, 3 lần làm hồ sơ trình lên Bộ VHTTDL, nghệ sĩ Văn Hiệp vẫn bị lắc đầu do “thiếu huy chương”.

“Thực tế, anh Văn Hiệp không ở đoàn thể nào nên rất thiệt thòi. Anh ấy từ Nhà hát Kịch đi ra và là diễn viên tự do, không tham gia vở diễn gì mà dự hội diễn để có huy chương mà theo đúng luật, có huy chương thì mới được xét. Chính vì thế mà bất công đối với Văn Hiệp dù anh ấy xứng đáng được trân trọng. Vì anh ấy không đóng vai chính kịch nên không có huy chương nhưng điều lớn nhất là những vai diễn của Văn Hiệp đi vào lòng người, xứng đáng là nghệ sĩ của nhân dân...”. NSND Khải Hưng cho chia sẻ; chính bởi bất công đến vô lý đó, Khải Hưng đã tự tay viết đơn trình lên Chủ tịch Nước đề nghị truy tặng danh hiệu NSƯT cho nghệ sĩ Văn Hiệp.

Có khá nhiều nghệ sĩ rơi vào hoàn cảnh như NSƯT Văn Hiệp, hoặc đã nghỉ hưu (nhưng vẫn làm nghệ thuật), hoặc hoạt động nghệ thuật tự do (nhất là nghệ sĩ ở phía Nam) nên khó có thể “kiếm cho đủ” số lượng huy chương để lọt vào danh sách đề cử, cho dù những cống hiến của họ ai cũng nhìn thấy, và thậm chí họ còn là thầy của nhiều NSƯT và NSND.

Như thế, nghịch lý tồn tại bao năm đó, không phải từ “tiêu chí huy chương” gây ra hay sao?

Tại sao vẫn cứ tự mình làm khó mình?

Từ nhiều năm nay, những bất cập trong quy chế xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT trong đó có chiếc “vòng kim cô” mang tên “tiêu chí huy chương” đã được dư luận, truyền thông phản ánh nhiều. Đây là bất cập, lý do đợt xét tặng nào cũng gây ra những tranh cãi không dứt, ngay từ ở cơ sở.

Bên cạnh tiêu chí “cứng” là huy chương, có các tiêu chí “mềm” như “Sức lan tỏa với công chúng”, “Tư cách đạo đức”… Tuy nhiên, những tiêu chí định tính như thế này cũng chính là nguyên nhân của những tranh cãi “hậu xét tặng”.

NSND Lê Tiến Thọ - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam nhìn nhận, thường thì các thành viên Hội đồng xét tặng đều là những người có nhãn quan, tư duy nghệ thuật chuẩn mực. Tuy nhiên, cũng không thể loại trừ yếu tố cảm tính của cá nhân chi phối quyết định của chính những người “cầm cân, nảy mực” này. Và rõ ràng quy chế “rất có vấn đề”, bất cập và tạo cơ sở cho bất công và thậm chí là tiêu cực tồn tại, không hiểu vì sao, nó vẫn chưa được nghiên cứu, chỉnh sửa?

Có lẽ để tạm thời “khắc phục”, năm nay lần đầu tiên, Chính phủ có một Nghị quyết riêng đề nghị phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT cho các cá nhân có nhiều đóng góp trong các lĩnh vực hoạt động nghệ thuật. Đây cũng được coi là bước “phá rào” đầu tiên trong việc xét tặng danh hiệu cho các nghệ sĩ.

Vấn đề là thay đổi, sửa chữa và hoàn thiện để loại trừ những cái sai, bất cập và không còn những trường hợp phải “phá rào” nữa. Ngay từ bây giờ, Bộ VHTTDL cần nhanh chóng xây dựng một quy chế mới hoặc quy trình xét duyệt hồ sơ cho phù hợp để chấm dứt những tranh cãi, bức xúc và bất công bao năm tồn tại.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn