MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Kỳ Duyên trả lời ứng xử ở Miss Universe Vietnam 2024. Ảnh: Nhà sản xuất

Thấy gì từ tranh cãi Kỳ Duyên "chưa đọc hết 1 cuốn sách"?

Thùy Trang LDO | 01/09/2024 09:27

Những chia sẻ của Hoa hậu Kỳ Duyên về chuyện đọc sách thu hút tranh luận nhiều ngày qua.

Sau khi tập 2 Miss Universe Vietnam lên sóng, phần thuyết trình của Kỳ Duyên được chia sẻ trên các diễn đàn, bắt nguồn cho nhiều nguồn tranh cãi.

Hiện những tranh cãi kéo dài không hồi kết. Kỳ Duyên đã phải lên tiếng thanh minh, cho rằng bản thân chưa nói hết ý muốn nói, vì quá áp lực nên đã đứng "chết lặng" trên sân khấu khi được hỏi về vai trò của sách.

Nhiều ý kiến cho rằng người đẹp chỉ đang bao biện cho màn thể hiện gây thất vọng ở Miss Universe Vietnam. Và khán giả khó có thể kiểm chứng Kỳ Duyên có đọc sách hay không, và đọc sách để "trả bài" hay thật sự biến nó thành nhu cầu tự thân.

Trao đổi với phóng viên Lao Động, nhà văn Di Li cho rằng mỗi cá nhân đều có sự tự chủ và tự quyết định có đọc sách hay không.

Nhưng nhà văn cho rằng, người nổi tiếng cần cẩn trọng trong phát ngôn, nhất là khi đã tham gia showbiz nhiều năm.

Nhà văn Di Li nói: "Đọc sách khiến con người nhân ái hơn. Tôi cho rằng đó là một giá trị quan trọng với con người. Những cuốn sách hay có giá trị chân thiện mỹ, hướng con người đến những điều tốt, cải thiện tư duy thẩm mỹ.

Kỳ Duyên gây tranh cãi vì phát ngôn về việc đọc sách. Ảnh: Nhà sản xuất

Câu chuyện người Việt lười đọc sách đã được bàn luận nhiều năm nay.

Theo thống kê của Hội Xuất bản Việt Nam năm 2023, hiện nay sách giáo khoa và sách tham khảo học đường chiếm phần lớn số lượng sách trên thị trường.

Nếu để 2 loại sách này qua một bên, phần còn lại chia đều trên số dân thì người Việt có tỉ lệ đọc khoảng 1,2 cuốn/người/năm.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam hiện chỉ có 30% số người đọc sách thường xuyên, 44% thỉnh thoảng mới đọc sách và 26% không đọc sách.

Những chỉ số đó cho thấy trên thực tế, không phải người Việt nào cũng đọc 1 cuốn sách/năm. Có thể trong 10 người thì 1 người đọc 10 cuốn/năm và 9 người không hề đọc sách.

Nhà văn Di Li nhận xét sự phát triển của mạng xã hội khiến nhiều người trên khắp thế giới đọc sách ít đi, không chỉ ở Việt Nam. Thế nhưng, người Việt Nam vốn đã ít đọc sách hơn các quốc gia khác, và nay lại càng ít.

"Mạng xã hội hay các thiết bị nghe nhìn có tính giải trí, nhưng là giải trí tức thời. Quỹ thời gian ít đi, ngay cả những người thích đọc sách có lẽ chật vật dành mấy tiếng để đọc mỗi ngày. Việc ngồi yên một chỗ vài tiếng khó với cả những người yêu sách chứ chưa nói những người cả đời không đọc sách.

Trẻ em nên được đọc sách từ nhỏ. Nhưng bố mẹ không đọc sách thì con cũng lười, người lớn không làm gương thì con trẻ cũng không đọc sách. Lớn lên, những người đó không đọc sách và rộng ra là một xã hội không đọc sách. Điều đó rất nguy hiểm", nhà văn Di Li nói.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng người Việt ít đọc sách, trong đó có gia đình, trường học, bản thân mỗi người và cả sự phát triển của các thiết bị nghe nhìn.

Nếu ông bà, cha mẹ không có thói quen đọc sách thì không thể nuôi dưỡng thói quen đọc sách cho con cháu từ nhỏ.

Khi lớn lên, với nhịp sống hiện đại và thói quen sử dụng mạng xã hội, nhiều người đã xa rời việc đọc sách, thậm chí còn cho rằng, đọc sách là không cần thiết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn