MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hàng nghìn người đội nắng, chen lấn xô đẩy để chứng kiến tang lễ nghệ sĩ Vũ Linh. Ảnh: Thanh Vũ

Thấy gì từ việc Youtuber, Streamer vây quanh lễ cúng thất NSƯT Vũ Linh?

Huyền Chi LDO | 04/04/2023 15:55
Sự phát triển bùng nổ của mạng xã hội trở thành “mảnh đất màu mỡ” cho các YouTuber, Streamer khai thác nhưng cũng để lại nhiều hệ lụy.

Mới đây, gia đình và đồng nghiệp đã tổ chức lễ cúng thất thứ tư cho cố NSƯT Vũ Linh. Từ sớm, một nhóm YouTuber đã có mặt quanh khu vực nhà riêng của nghệ sĩ Vũ Linh để chụp ảnh, livestream.

Họ sẵn sàng cầm thiết bị quay chụp đứng chờ 4-5 giờ liền để ghi lại toàn cảnh lễ cúng thất của "ông hoàng cải lương".

Thông qua video được chia sẻ trên mạng, khán giả chứng kiến nghệ sĩ Linh Tâm nói với các YouTuber với đại ý, "hãy ăn cơm chay để bớt ác".

Trước đó, vào thời điểm NSƯT  Vũ Linh mất, nhiều YouTuber, TikToker túc trực để livestream, chụp ảnh, đưa tin sai sự thật khiến gia đình cố nghệ sĩ bức xúc.

Dù trời nắng nóng, hàng nghìn khán giả vẫn chen lấn, xô đẩy để theo dõi các nghi thức an táng NSƯT Vũ Linh. Trong đó, không ít TikToker, YouTuber liên tục giơ điện thoại, thiết bị ghi hình để livestream, gây khó khăn cho việc di chuyển và duy trì trật tự của đoàn tang lễ.

Tại nghĩa trang, nhiều người còn bất chấp đứng trên mộ phần những người đã khuất để quan sát nghi lễ chôn cất, thậm chí đã làm hư hại mộ phần của người đã khuất. Hành động này khiến dư luận bức xúc, lên án mạnh mẽ.

Nhiều video ghi lại toàn cảnh đám tang nghệ sĩ Vũ Linh thu về hàng trăm nghìn lượt xem. Ảnh: Chụp lại màn hình

Thời điểm này, một kênh YouTube có hơn 100 nghìn lượt đăng ký đã đăng gần 100 video về tang lễ của nghệ sĩ Vũ Linh.

Thậm chí, kênh này có những video với tiêu đề gây sốc như "Antifan tới phá đám tang NSƯT Vũ Linh", "Mỹ Tâm, Hoài Linh tới viếng Vũ Linh" hay "Trấn Thành nhận làm MC đám tang Vũ Linh"...

Chia sẻ với Lao Động, PGS.TS Tâm lý học Trần Thành Nam lý giải về hiện trạng YouTuber bất chấp văn hóa, đạo đức để bịa đặt, "câu view": "Các hành vi trên mạng ngày càng lệch lạc, lố lăng hơn do nguồn lợi nhuận kiếm được từ các nền tảng số. Rõ ràng, một số kênh đưa tin theo kiểu hài hước, thậm chí thiếu chuẩn mực lại được rất nhiều người chú ý. 

Giờ đây, chỉ cần làm được những video giật gân, cường điệu, hấp dẫn, phát ngôn gây sốc… là có thể kiếm tiền".

Với thuật toán của các nền tảng mạng xã hội hiện nay, các tài khoản càng nhiều tương tác sẽ được phủ sóng nhiều hơn, tiếp cận với nhiều người dùng hơn, từ đó mang về nguồn lợi nhuận khổng lồ từ việc quảng cáo.

Hoạt động trên mạng ảo, nhưng số tiền kiếm được lại là thật. YouTuber Long Chun từng gây xôn xao khi tiết lộ có thể kiếm hàng trăm triệu đến 1 tỉ đồng mỗi tháng từ các nền tảng mạng xã hội. 

Nguồn thu khổng lồ khiến không ít người chuyển hướng sang sản xuất nội dung số, xây dựng kênh cá nhân để trở thành Youtuber, Tiktoker và làm giàu chớp nhoáng.

Kết quả, hàng loạt "hiện tượng mạng" bị xử phạt hành chính, khóa kênh vĩnh viễn vì đăng tải những video giật gân, lạm dụng người già và trẻ em, thực hiện những hành vi phản cảm. Các trường hợp của Nờ Ô Nô, Thơ Nguyễn, Nhân gà Vlog, Hưng Troll... là ví dụ điển hình.

PGS.TS Trần Thành Nam khẳng định, để tạo dấu ấn giữa "biển thông tin" trên mạng, nhiều người không ngại bịa đặt, thổi phồng các tranh cãi để thu hút sự chú ý. 

"Xu hướng trên mạng xã hội đều có tính mới, có sự sáng tạo, độc đáo. Vì thế, những người sáng tạo nội dung càng muốn làm những video độc, lạ, chưa ai làm để được nhiều người chú ý.

Lúc này, họ cảm thấy như họ có quyền lực và có khả năng ảnh hưởng đến người khác. Đó là "miếng mồi" cho những hành vi không phù hợp xuất hiện ngày càng nhiều trên mạng xã hội", PGS.TS cho biết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn