MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Thế giới nhỏ bé

Việt Văn LDO | 12/03/2024 08:55

Bạn kêu tối qua theo Google Map đi vào đường đó nào ngờ bị kẹt cứng bởi đám đông người xem trình diễn ánh sáng. Không thể vứt xe giữa đường mà xuống, đành nằm trong xe luyện tính nhẫn nại, ngó ra ngoài thấy bà con lao xao, giơ máy livestream cả gần một giờ. Phải vài tiếng đồng hồ sau, kể từ khi bà con bu vào đợi xem sự kiện đến khi kết thúc và tản đi, bạn mới ra được khỏi chỗ kẹt.

Hình ảnh livestream giờ đây đã trở nên quá phổ biến, ở khắp nơi. Giờ nhiều người hào phóng quá, không muốn tận hưởng riêng cái sướng mà cho truyền cái sướng đó cho nhiều người xem. Nhưng bản thân người livestream có cảm nhận hết sự kiện đó bằng các giác quan không hay chỉ nhìn mọi vật qua màn hình của một điện thoại thông minh hoặc kính ngắm của máy ảnh.

Bạn mới đây đi chuyến du lịch đầu xuân lên Tây Bắc, hoa lê, hoa mận nở trắng xóa bung giữa đại ngàn khiến cả không gian bừng sáng. Bà con trong đoàn xúm vào check-in, selfie tưng bừng để “pốt” lên Facebook, Zalo mà chả ít ai ngồi yên ngắm phong cảnh một cách thư thái, hưởng thụ. Khác hẳn một cô gái dân tộc thiểu số đeo gùi trên vai, nghỉ chân trên đỉnh đèo, ngắm mây núi xa xa.

Tưởng cô gái ấy đã quen lắm với đường nét uốn lượn của rừng núi, nhịp điệu của ruộng bậc thang, đã nhìn mây trời đến phát chán, nhưng không cô vẫn im lặng ngồi ngắm. Không biết lúc đó cô nghĩ gì, hay đơn thuần chỉ là phút dừng chân trên đường về nhà mà lòng nhẹ tênh, không lo lắng gì. Trên đường về, thấy một nhóm phượt thủ ngồi vắt vẻo giữa đường check-in mà chả biết nói sao.

Rời núi rừng về thành phố, đến một triển lãm tranh, có mấy bức ấn tượng, vài bạn trẻ xem tiến tới đứng bên tranh, tạo dáng che luôn cả một góc tranh và chắn tầm nhìn của mọi người, thản nhiên như không. Tất cả chỉ phục vụ cho sống ảo.

Giờ đây, đi ăn một bữa tiệc, trước khi ăn bao giờ cũng có thủ tục “cúng phây” trước đã, rồi đang ăn thêm “phát” nữa, đến khi có món mới ra lại tiếp tục. Check-in mọi nơi mọi lúc từ đám cưới đến đám ma.

Và khi thế giới luôn được nhìn qua màn hình, lăng kính của một đồ vật liệu có chân thực không? Với những người tập thiền, khái niệm “khai mở thần nhãn” - mở con mắt thứ ba được ví như đục rộng cửa sổ để mở rộng tầm nhìn. Và chỉ có nhìn mọi vật bằng con mắt thật của mình dù to hay nhỏ mới có thể cảm nhận hết câu chuyện của thế gian chăng?

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn