MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bao giờ người đọc mới an tâm tiếp cận được sách chính thức xuất bản? Ảnh: Thụy Bất Nhi

Thị trường sách: Muôn nẻo đường tà - không kiểm được?

Thụy Bất Nhi LDO | 19/09/2020 13:31

Mùa khai giảng bắt đầu, cũng chính là mùa khởi động của thị trường sách. Song, với những người trong ngành xuất bản, chưa bao giờ họ lại thấy thấp thỏm như hiện tại, bởi nạn in và phát hành sách ngoài luồng gần như công khai, không kiểm được.

Tràn lan sách giả

Ông Nguyễn Tuấn Quỳnh - Giám đốc công ty Saigon Books (TPHCM) vừa chia sẻ trên mạng xã hội thông tin nhóm First News - Trí Việt khởi kiện sàn thương mại điện tử Lazada (Tập đoàn Alibaba) bán sách vi phạm bản quyền. Ông Quỳnh khẳng định ủng hộ vụ kiện này, bởi Saigon Books cũng là nạn nhân của sách ngoài luồng, in lậu ngập tràn thị trường hiện nay. Ông Quỳnh nhấn mạnh, việc First News - Trí Việt lên tiếng tố cáo sàn Lazada và hàng trăm trang mạng xã hội đã tiếp tay cho nạn sách giả lộng hành là cần thiết.

Cho tới hiện nay, nhiều trang bán sách trực tuyến, trong đó có Lazada đã bán hàng vạn cuốn sách ngoài luồng, không có giấy phép xuất bản và bản quyền, bất chấp các quy định về bản quyền, lưu chiểu, đòng thuế…

Giám đốc Công ty Văn hóa Sáng tạo Trí Việt - First News, ông Nguyễn Văn Phước cho biết, rất nhiều cuốn sách giá trị của First News - Trí Việt bị hơn 18 nơi in lậu. Điều này có nghĩa, cứ 19 cuốn sách được bán ra là 18 cuốn sách giả, kém chất lượng, đến tay bạn đọc, Trí Việt bán được một cuốn. Rất nhiều sách giả để giá bìa cao hơn sách thật 30-50% để giảm giá bán bằng giá bìa sách thật.

Hiện tại, mỗi ngày trên mạng Facebook có hàng chục trang bán sách hoạt động công khai, rao mời các đầu sách quý hiếm, sách cũ được “in lại”. Các trang này quảng cáo sách in ấn chất lượng, tuân thủ các quy định pháp luật nhưng thực chất người mua sẽ luôn nhận được sách in kém chất lượng, có khi vi phạm cả những lỗi trình bày, chính tả…

Không chỉ trực tuyến, hoạt động sách giả còn len lỏi vào tận các nhà sách. Bà Huỳnh Kim Em - Giám đốc Chi nhánh Nhà xuất bản Trẻ (TPHCM) tại Đà Nẵng tâm tư, ở một hội sách chính thức, khi đơn vị bà tổ chức giao lưu, ký tặng sách mới giữa bạn đọc và tác giả, nhiều bạn trẻ đã đem đến những cuốn sách giả mà họ cho biết mua ở hiệu sách, khiến tác giả rất ngỡ ngàng và đau xót. “Thật sự nạn sách giả đang lộng hành, tác oai tác quái đến khủng khiếp mà các nhà xuất bản như chúng tôi không có cách gì để kiểm soát, ngăn chặn”, bà Kim Em than phiền.

Muôn nẻo sách lậu

Một đầu nậu kinh doanh sách tại Đà Nẵng chia sẻ, việc in sách ngoài luồng bây giờ rất dễ. Phổ biến nhất là sách “in thêm”, tức tác giả hay nhà xuất bản đem sách đã có giấy phép xuất bản đến nhà in thì ban ngày nhà in sẽ thực hiện hợp đồng, còn ban đêm lại in thêm một lượng lớn ngoài luồng. Tùy giá trị tác phẩm, có khi lượng in thêm này vượt gấp 3 - 10 lần con số được phép xuất bản. Sau đó, khi sách ra thị trường, một đội ngũ đầu nậu cũng tích cực phân phối qua các kênh trực tuyến, giao hàng tận nhà, ra các nhà sách địa phương... Loại sách này có khi còn đổ vào các hội sách địa phương, nghiễm nhiên chen ngang với sách thật mà không dễ gì phân biệt được.

Thứ hai là sách “in lại” mà dân trong nghề gọi là “sách luộc”, với 2 cách quen thuộc: Ăn cắp bản quyền và giả dạng xuất bản. Cách ăn cắp là đầu nậu cấu kết nhân viên nhà in, thậm chí thành viên nhà xuất bản, trộm file thiết kế sách tuồn ra ngoài, cho các xưởng thủ công in ra sách, nhái y nguyên bản, chỉ có chất lượng giấy kém hơn. Cách giả dạng là đầu nậu thuê người nhập liệu lại sách bán chạy, thiết kế nhái nguyên mẫu, rồi cũng in thủ công, rập khuôn và ra sách lậu trên thị trường. Ngoài ra, những kẻ làm trộm sách còn có thể sao chụp các trang sách chính gốc, dùng máy in in lại, đóng thành tập tương tự rồi rao bán, dưới dạng bản sưu tầm, làm lại… Những loại sách điện tử, định dạng PDF hoặc ebook lưu hành trên mạng Internet cũng là một loại sách vi phạm bản quyền này.

Những loại sách ngoài luồng, giả dạng này, tính ra chỉ mất chi phí in ấn, rõ ràng lợi nhuận kiếm được đến 60 - 70% giá trị sách bán ra, nên dĩ nhiên rất hấp dẫn những kẻ làm ăn phi pháp và trục lợi. “Tất cả là muôn nẻo tà ma, một mê trận không dễ phá vỡ”. Ông Quỳnh cay đắng nhìn nhận như vậy, trong một bài phân tích của mình về nạn sách giả.

Không ít đại diện nhà sách lớn, đầu mối phát hành các tác phẩm giá trị tâm sự, họ thật tình không thể kiểm soát được hết những cách mà sách giả chen vào thị trường. Thậm chí, nhiều đơn vị phát hành uy tín khi giao sách, cũng bị phát hiện trong từng đợt từng lô sách giao có lẫn cả sách ngoài luồng. Còn nạn bán sách giảm giá trên vỉa hè, tại các điểm sách cũ… thực chất là phát hành sách ngoài luồng, không thể đếm xuể.

Nhiều bạn trẻ yêu sách bày tỏ, họ cũng rất bất ngờ khi phát hiện ra các địa chỉ đặt mua sách thường xuyên tưởng rất chính thức lại là những đầu mối buôn bán sách giả, sách vi phạm bản quyền…

“Thật sự chỉ có cách các nhà xuất bản, nhà sách như chúng tôi phát hiện ra và cương quyết đấu tranh, khởi kiện ra tòa các vụ việc in ấn sách giả mạo giống như First News - Trí Việt đang làm và các cơ quan chức năng, thừa hành pháp luật quan tâm, cùng chung tay xử nghiêm, phạt thật nặng, tiêu diệt tận gốc rễ hành vi buôn bán sách giả. Giới truyền thông cũng phải vào cuộc thật chính trực, các bạn đọc cũng cần cảnh tỉnh nói không với những địa chỉ bán sách không rõ ràng thì may ra, nạn sách giả mới có thể được kiềm chế dần”, ông Quỳnh nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn