MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phố đi bộ Hồ Gươm cần thêm nhiều hoạt động để thu hút khách du lịch. Ảnh: Phạm Đông

Thiếu bản sắc, phố đi bộ Hà Nội sẽ không “hút” được du khách

Phạm Đông LDO | 28/04/2023 07:56

Thời gian qua, nhiều tuyến phố đi bộ ở Hà Nội thường xuyên ở trong tình trạng vắng vẻ, ít khách đến vào dịp cuối tuần. Nhiều chuyên gia quy hoạch đô thị đánh giá không gian đi bộ ở Thủ đô chưa đáp ứng thị hiếu, không đặc sắc, mang màu sắc hội chợ hơn tuyến phố đi bộ văn minh...  Để tạo cho không gian này có những đặc trưng, giá trị riêng, tránh tình trạng chạy theo trào lưu, số lượng - cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng.

Khi quận trung tâm nào cũng mở phố đi bộ

Dịp cuối tuần hay nghỉ lễ, anh Lê Bảo (Khu đô thị Dương Nội, Hà Đông Hà Nội) lại vượt 15 km cùng vợ và các con dạo chơi tại phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm. Các con rất thích vì được nô đùa trong một không gian rộng với nhiều hoạt động vui chơi và không lo xe cộ. Anh Bảo rất mong thành phố sẽ có thêm nhiều không gian như vậy, đáp ứng nhu cầu của người dân.

“Các hoạt động văn nghệ của các bạn trẻ, hoặc hoạt động biểu diễn của nghệ sĩ rất tốt. Mình nghĩ là hiện nay Hà Nội đang quá ít chỗ chơi, có thêm nhiều tuyến phố đi bộ thì có nhiều không gian để vui chơi hơn.

 Đồng thời, thành phố cũng cần tiếp tục cải tiến, nâng cấp và làm mới để tạo sức hút cho phố đi bộ” - anh Bảo chia sẻ.

Khi thời tiết dần chuyển sang hè, việc dạo phố đi bộ ban đêm rất thú vị và tiện lợi. Tại đây, khách tham quan chẳng những có không gian để tản bộ ngắm phố phường mà còn có thể ghé vào những hàng quán bên đường mua sắm và thưởng thức ẩm thực.

Hà Nội hiện có các tuyến phố đi bộ: phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận; phố đi bộ khu vực phố cổ (quận Hoàn Kiếm); phố đi bộ Trịnh Công Sơn (quận Tây Hồ), phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây (thị xã Sơn Tây) và mới đây nhất là phố đi bộ Đảo Ngọc - Ngũ Xã (quận Ba Đình), không gian đi bộ phố Trần Nhân Tông (Hai Bà Trưng).

Để phát triển phố đi bộ, năm 2023, UBND Quận Đống Đa sẽ lập đề án 2 tuyến phố đi bộ, gồm: Hoàng Cầu - Hào Nam và Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Để có căn cứ xây dựng đề án nêu trên, Quận Đống Đa sẽ tổ chức khảo sát, tham quan học tập kinh nghiệm tại phố đi bộ hồ Gươm, phố quanh thành cổ Sơn Tây và phố Bùi Viện (TPHCM).

Riêng tại Quận Ba Đình, sau khi khai trương phố ẩm thực đi bộ Đảo Ngọc - Ngũ Xã, địa phương này đang hoàn thiện đề án khu phố kinh doanh dịch vụ - đi bộ quanh hồ Ngọc Khánh (P.Ngọc Khánh). Diện tích nghiên cứu khoảng 12 ha, bao gồm mặt nước hồ Ngọc Khánh và vườn hoa phía đường Nguyễn Chí Thanh. Dự kiến quý IV, phố kinh doanh dịch vụ - đi bộ quanh hồ Ngọc Khánh sẽ khai trương.

Như vậy trong thời gian tới, Hà Nội dự kiến sẽ có thêm 3 tuyến phố đi bộ mới.

Không sáng tạo, thiếu bản sắc, chỉ bắt chước lẫn nhau -  sẽ thất bại

Để không gian đi bộ phố Trần Nhân Tông và phụ cận hoạt động hiệu quả, Phó Chủ tịch UBND Quận Hai Bà Trưng Nguyễn Thị Thu Hiền cho biết, quận sẽ tiếp tục tổ chức hoàn chỉnh thiết kế đô thị, đầu tư nâng cấp chỉnh trang cảnh quan, định hình không gian theo từng giai đoạn, huy động xã hội hóa. 

Theo bà Hiền, tại đây sẽ thành lập trung tâm thông tin để tạo không gian an toàn, thân thiện, đáp ứng nhu cầu của người dân và du khách đến tham quan, thưởng ngoạn, du lịch văn hóa, mua sắm, ẩm thực...

Nói về những tuyến phố đi bộ của Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam Hoàng Thúc Hào cho biết, không gian đi bộ sẽ thu hút người dân thông qua nhiều tiêu chí, trong đó có cách thức tiếp cận thuận tiện và các điểm nhấn về không gian, trải nghiệm. Ngay cả với phố đi bộ hồ Gươm vốn được đánh giá là thành công, KTS Hào cho rằng, cũng cần đổi mới thêm để đạt được hiệu quả tốt hơn.

Ủng hộ việc mở các phố đi bộ, tuy nhiên, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam - cho rằng, cần tìm nét mới lạ “hút” du khách. Chất lượng kết nối không gian và các giá trị văn hóa - nghệ thuật cũng cần được quan tâm bên cạnh số lượng. Bởi lẽ không phải tuyến phố đi bộ nào cũng đáp ứng được hiệu quả về kinh tế, văn hóa, du lịch… như kì vọng ban đầu. Nếu chúng ta “coppy” các mô hình rồi tổ chức chợ búa,  là xóa nhòa bản sắc của từng khu vực và nguy cơ thất bại rất cao.

Theo ông Nghiêm, để hiện thực hóa mục đích tổ chức không gian đi bộ, vấn đề an ninh, trật tự, giữ gìn cảnh quan môi trường cần phải được làm nghiêm ngay từ đầu; đồng thời, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật phải được chú trọng đầu tư, bảo đảm tính hấp dẫn. Ban đầu phải nâng cao chất lượng cuộc sống của chính người dân rồi mới tính đến những yếu tố khác. Khi người dân sống trong một đường phố mà hạnh phúc thì tự dưng sẽ thu hút khách du lịch.

“Mục tiêu cuối cùng của phố đi bộ là nâng cao chất lượng cuộc sống, sinh hoạt đô thị sinh động hơn, nếu đi ngược điều đó thì phải xem lại. Trước tiên đi bộ phải tiện nghi, đi bộ phải an toàn” - ông Nghiêm nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn