MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
NSND Lan Hương vai mẹ chồng trong “Sống chung với mẹ chồng”. Ảnh chụp màn hình

Thông điệp từ quan hệ “mẹ chồng - nàng dâu” trên phim truyền hình

Mỹ Linh  LDO | 20/10/2021 08:05

Đề tài về quan hệ mẹ chồng - nàng dâu lâu nay được khai thác khá mạnh trên phim ảnh, đặc biệt phim truyền hình. Thậm chí có đạo diễn nói thẳng ra “đây là yếu tố câu view, tăng rating cho phim”. Thông điệp đằng sau mối quan hệ này là gì?

Điện ảnh, phim truyền hình phản ánh cuộc sống. Trong mối quan hệ gia đình, đặc biệt trong gia đình Việt còn nặng ảnh hưởng về văn hoá phương Đông thì các thế hệ sống chung trong một mái nhà, từ đó nảy sinh ra những vấn đề từ cuộc sống hằng ngày.

Đó là mối quan hệ vợ - chồng, bố mẹ - con cái và đặc biệt là mối quan hệ có phần đặc biệt: Bố mẹ chồng và nàng dâu. Xã hội hiện đại dần thì nàng dâu cũng dần có tiếng nói và khẳng định vai trò, vị trí của mình trong gia đình hơn. Thế nhưng khoảng cách giữa các thế hệ, tư duy, tâm lý khác nhau đã dẫn đến một mối quan hệ mang tên “mẹ chồng - nàng dâu”.

Trong đề tài này, nổi tiếng có bộ phim “Mẹ chồng tôi”. Mẹ chồng tôi kể về Thuận do NSND Chiều Xuân thủ vai - một người vợ đang thì xuân sắc nhưng vừa cưới xong thì chồng phải lên đường ra mặt trận, phải ở nhà sống cùng mẹ chồng - do NSƯT Thu An đóng. Cả hai mẹ con đều sống yêu thương, chan hòa và san sẻ với nhau mọi điều trong cuộc sống. Vì có giọng hát hay nên Thuận được cử làm văn công cho đài phát thanh xã. Ở đây, Thuận đã gặp gỡ và nảy sinh tình cảm với Lực - người phụ trách đài phát thanh của xã. Trong 1 đêm mưa chỉ có 2 người trong phòng, họ đã ăn nằm với nhau, sau đêm đó anh Lực hối hận và bỏ đi công tác ở nơi khác, sau đó mấy năm thì hy sinh trong 1 trận bom của Mỹ. Sau đêm đó Thuận mang thai, biết chuyện con dâu ngoại tình và có bầu với người đàn ông không phải con trai mình, dù đau buồn nhưng người mẹ chồng vẫn thông cảm và rộng lòng tha thứ cho con dâu của mình…

Bộ phim gây tiếng vang không chỉ bởi cốt truyệt, khả năng diễn xuất mà còn chạm để mối quan hệ lâu nay được cho là “nhạy cảm” và đặc biệt hình tượng người mẹ chồng yêu thương con dâu dù biết cô phạm sai lầm như trái ngược với quan niệm xưa nay về mối quan hệ này.

Trên truyền hình, bộ phim “Sống chung với mẹ chồng” năm 2017. Sống chung với mẹ chồng đề cập đến những mâu thuẫn và rắc rối trong quan hệ giữa mẹ chồng - Bà Phương (NSND Lan Hương) và nàng dâu - Vân (Bảo Thanh) khi sống dưới cùng một mái nhà. Đồng thời, chàng trai trẻ - Thanh (Anh Dũng) cũng phải đứng giữa “cuộc chiến” giữa mẹ và vợ, trong đó có người chỉ một mực nghe và tin lời mẹ. Đó cũng là căn nguyên khiến tình cảm vợ chồng tổn thương, mối quan hệ gia đình thêm bất hoà. Trái ngược với phim “Mẹ chồng tôi”, “Sống chung với mẹ chồng” đặc tả nhân vật mẹ chồng rất gây ức chế với người xem. Tới mức NSND Lan Hương sau này kể lại rằng sau phim đó, khi bà ra đường nhiều người bức xúc nói nặng nề với chị.

Có vẻ như, khi lên truyền hình, nhân vật mẹ chồng tốt thường ít đất diễn, còn mẹ chồng ác nghiệt mới là nhân vật được phim truyền hình dành nhiều thời lượng. 

Biên kịch thường cho những bà mẹ này một anh con trai hiền lành, nhu nhược, nghe lời mẹ răm rắp, hoặc bà có một ông chồng mềm mỏng, chuyên đi hòa giải. Còn nhân vật mẹ chồng hiền lành thường có một anh con trai phá gia chi tử, trăng hoa, làm khổ vợ con...

Xem Hoa hồng trên ngực trái, khán giả sẽ thấy những tình tiết căng thẳng như mẹ chồng giả điên đánh đập con dâu; chồng trăng hoa, người tình nói gì cũng tin, về đánh đập người vợ đầu gối tay ấp đã 10 năm. 

Trong Cả một đời ân oán, người xem dễ “lên huyết áp” mỗi lần nhân vật bà Lan xuất hiện, vì bà luôn làm mình làm mẩy, can thiệp, kiểm soát, đến nỗi hai con trai của bà lần lượt phải ly hôn cho bà vừa lòng.

Ngay cả những phim truyền hình đang ăn khách trên VTV thời gian này, các đạo diễn vẫn không quên khai thác mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu.

Điển hình là trong phim “Hương vị tình thân” đang chiếu trên VTV 1 có tới... 2 mẹ chồng. Đó là bà Dần (NSND Như Quỳnh) và nàng dâu - bà Xuân (Quách Thu Phương). Rồi đến bà Xuân cũng trở thành mẹ chồng trong mối quan hệ với các nàng dâu như Nam (Phương Oanh), Khánh Thy (Thu Quỳnh). Đã có lúc, mối quan hệ. này được đẩy lên cao trào khi bà Dần túm tóc, đấm đá con dâu, thậm chí đẩy cô xuống hồ nước. Còn bà Xuân cũng có những mâu thuẫn đến cao trào với Nam…

Hay như phim “11 tháng và 5 ngày” thì vai bà nội Nhi (Khả Ngân) do NSND Ngọc Lan đóng cũng là hình ảnh một mẹ chồng ép mẹ Tuệ Nhi phải có thêm con trai khiến mẹ Nhi tử vong…

Trong nhiều phim, đôi khi mâu thuẫn mẹ chồng, nàng dâu bị cường điệu hoá (như Sống chung với mẹ chồng hoặc Hương vị tình thân) nhưng phía sau lại rất nhiều điều cần bàn.

Một số đạo diễn cho rằng: “Các phim khai thác xung đột mâu thuẫn về mẹ chồng - nàng dâu hút khán giả bởi phản ánh được phần nào những ẩn ức của nhiều người trong cuộc sống gia đình”. Tuy nhiên, nếu khai thác quá nhiều yếu tố này mà bỏ qua những giá trị tốt đẹp của gia đình thì không nên, bởi gia đình luôn là điểm tựa của mỗi người.

Thực chất, phía sau hình tượng mẹ chồng, dù hiền lành hay độc ác thì vẫn hiển hiện hai chữ “tình thương”. Đa số các bà mẹ chồng vì quá thương con trai, sợ “mất con trai” nảy sinh mâu thuẫn với nàng dâu.

Và dù thế nào thì trong sâu thẳm, bà mẹ chồng nào cũng mong gia đình hạnh phúc, con cháu thuận hoà. Có chăng, sự khác biệt là cách ứng xử.

Người phụ nữ Việt Nam luôn đẹp, luôn khát khao hạnh phúc và rất mạnh mẽ trong việc giành lấy hạnh phúc. Hình tượng mẹ chồng trên phim, dù có ác nghiệt đi chăng nữa, cũng là một thông điệp gửi tới các gia đình: Hãy ứng xử và gìn giữ hạnh phúc bằng việc sưởi ấm các mối quan hệ chứ không phải đẩy nó đến những giới hạn cuối cùng. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn