MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vào những dịp đầu năm, trên khắp các bản làng ở huyện vùng cao Mù Cang Chải thường xuyên bắt gặp hình ảnh các nhóm thanh niên tập trung chơi quay. Ảnh: A Lù.

Thú chơi quay của người Mông Tây Bắc

Văn Đức LDO | 11/02/2022 15:04

Yên Bái - Đánh quay là một trong những trò chơi dân gian rất phổ biến trong những ngày hội cũng như dịp Tết đến xuân về của đồng bào Mông Tây Bắc.

Đến với các bản làng đồng bào Mông vùng cao Tây Bắc xuân này, chúng ta sẽ được hòa mình vào các trò chơi dân gian truyền thống, phần không thể thiếu trong các lễ hội của đồng bào.

Trao đổi với PV, ông Sùng A Chư, ở bản Háng Cháng Lừ, xã Khao Mang, cho biết: “Đây là trò chơi truyền thống của người Mông, chủ yếu chỉ chơi trong mấy ngày Tết với mục đích để giải trí cho vui và giao lưu tình cảm. Sau cuộc đấu, ai thua ai thắng cũng đều vui. Nếu là trẻ con thì được phát kẹo, còn người lớn thì vào nhà nhau uống chén rượu xuân”.

Muốn làm được con quay cứng, chắc, người chơi phải đi vào rừng sâu tìm các loại cây chắc để đẽo.

Theo tiếng Mông, đánh quay là Tầu tù lu. Tù lu (con quay - chiếc cù) được làm từ sừng súc vật hoặc từ những loại gỗ cứng như sồi, lim, nghiến hay gốc sơn tra... có đường kính từ 7 - 10cm.

Con quay của người Mông được làm từ loại gỗ cứng, đẽo tròn, đầu dưới thu nhỏ dần thành nhọn, đầu trên như quả chanh cắt lát hay dạng bán cầu, để làm thành sản phẩm phù hợp với tay người chơi con quay trải qua khá nhiều công đoạn quan trọng, mất khoảng từ 40 - 60 phút để hoàn thành.

Ông Sùng A Chư cho biết thêm, ngoài kỹ thuật làm quay, dây quay cũng rất quan trọng, cần phải dùng dây mềm như vải, dây sợi bông, dây sợi gai, dây sợi đay… (riêng dây quấn của người Mông có buộc thêm một đoạn cây cứng có đường kính khoảng 1,5cm, dài 35 - 40cm).    

Để hoàn thành một con quay cần thời gian từ 40 - 60 phút.

Để chơi quay, người chơi thường chọn những bãi đất rộng, phía đối diện có taluy cao nhằm tránh cho con quay khi chơi văng xuống núi và đảm bảo không gây thương tích cho người chơi.

Thông thường, chơi quay là một trò chơi tập thể, phân ra làm hai nhóm, mỗi nhóm từ 1 đến 2 người cũng có thể đến chục người mỗi bên.

Trước khi vào cuộc chơi, hai bên lựa chọn 1 người cùng thi văng mạnh con quay của mình xuống đất để chọn bên thắng bên thua; bên thua là bên con quay dừng trước của đối phương.

Việc lựa chọn dây quay cũng rất quan trọng trong trò chơi này.

Khi đó, bên thua sẽ phải thả quay ra khoảng trống trước mặt để làm mồi. Khi con quay mồi đang nhảy nhót, quay vù vù thì bên thắng vung tay lên bổ xuống giáng mạnh vào con quay mồi, nếu con nào dừng trước thì con đó thua, lần lượt như vậy cho hết số người trong nhóm.

Trao đổi với PV, anh Giàng A Lù (một người tham gia chơi) chia sẻ: "Thắng thua không quan trọng, chủ yếu là mọi người cùng vui vẻ để chuẩn bị quay lại công việc".

Vào những ngày Tết hay các dịp hội hè, ở các xã vùng cao của huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải vẫn thường tổ chức chơi quay giữa các thôn với nhau để giao lưu giữa các thế hệ, vừa là dịp vui chơi, vừa là cơ hội để gặp gỡ, chúc tết.

Đồng bào vùng cao Tây Bắc thường chọn thú chơi quay mỗi dịp tết đến, xuân về.

Thêm vào đó, người chơi nhận được sự cổ vũ rất nhiệt tình của mọi người, đặc biệt là các thiếu nữ Mông đứng xem bên ngoài. Không ít thiếu nữ đã chọn được bạn tình cho mình là những người chiến thắng, trong số ấy đã nhiều đôi thành vợ, thành chồng sống hạnh phúc bên nhau trên các triền núi cao của miền sơn cước.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn