MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
NSƯT Xuân Bắc (bìa phải) được xét tặng danh hiệu NSND đợt này. Ảnh: VFC

Thu nhập chủ yếu của nghệ sĩ không đến từ danh hiệu NSND, NSƯT

Mi Lan LDO | 16/01/2024 13:31

Nghịch lý, độ chênh lệch trong thu nhập của nghệ sĩ ở từng lĩnh vực hoạt động nghệ thuật vốn là câu chuyện dài kỳ với nhiều diễn biến thăng trầm, không hồi kết.

Dự kiến ngày 26.1 tới đây, lễ trao tặng danh hiệu NSND- NSƯT sẽ diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Khi danh sách nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu lần này được công bố, nhiều nghệ sĩ chia sẻ, họ vinh dự khi nhận được danh hiệu NSND – NSƯT sau bao năm nỗ lực, cống hiến.

Để trở thành NSND, NSƯT, mỗi cá nhân nghệ sĩ ở từng lĩnh vực nghệ thuật đều phải có thâm niên khoảng 10-15 năm hoạt động. Thế nhưng, nhiều nghệ sĩ khẳng định, danh hiệu không giúp họ có thêm thu nhập “khủng”. Thậm chí, ở các lĩnh vực như múa, chèo, sân khấu... dù có được danh hiệu NSND – NSƯT, nhiều nghệ sĩ vẫn sống vất vả do thu nhập thấp từ đặc thù ngành nghề.

Nghệ sĩ tìm đủ nghề mưu sinh

Trao đổi với phóng viên Lao Động, đạo diễn – NSƯT Sĩ Tiến, hiện là Giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ cho biết, “Khi có được danh hiệu NSND – NSƯT, mỗi nghệ sĩ sẽ được tăng một bậc lương, khoảng 1 triệu đồng”.

Theo Nghị định 98/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật thi đua, khen thưởng có hiệu lực từ 1.1.2024.

Trong đó, mức tiền thưởng cho Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) bằng 12,5 lần mức lương cơ sở, với Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) là 9 lần mức lương cơ sở.

Cụ thể với danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân nhận mức thưởng là 22,5 triệu đồng tương đương với hệ số 12,5.

Nghệ sĩ Ưu tú có mức thưởng 16,2 triệu đồng, tương đương với hệ số 9.

Lễ trao tặng danh hiệu NSND, NSƯT thường được tổ chức trọng thể tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Năm nay, buổi lễ được dự kiến tổ chức vào 26.1 tới đây. Ảnh: Thông tấn xã Việt Nam

Thực tế, mức lương theo bậc nhà nước và số tiền thưởng dành cho danh hiệu NSND – NSƯT không giúp nghệ sĩ cải thiện đời sống. Nhiều lĩnh vực nghệ thuật đang đối diện khó khăn, khi khán giả không còn mặn mà, sân khấu ít dịp được sáng đèn.

NSND Tự Long nói, “Chèo thậm chí có thể thất truyền vì rất ít người theo học, lương thưởng thấp, không ai còn mặn mà theo đuổi. Nhiều nghệ sĩ chèo phải tìm đủ cách mưu sinh, bán hàng online, làm shipper... Có nghệ sĩ xây dựng kênh riêng trên mạng xã hội để thêm thu nhập, nhưng con số thành công là rất hiếm”.

Trao đổi với phóng viên Lao Động về việc xây dựng kênh riêng, diễn viên Thái Sơn – người được phong tặng danh hiệu NSƯT đợt này cho biết, anh luôn thấy mình may mắn, bởi không phải nghệ sĩ chèo nào khi mở kênh riêng cũng có được lượng người theo dõi đông, và được yêu thích rộng rãi. Thái Sơn cho biết, dù hoạt động ở nhiều lĩnh vực, nhưng anh luôn nhớ chèo, luôn tìm mọi cách để quảng bá cho chèo.

Thu nhập không đến từ danh hiệu

Trao đổi với phóng viên Lao Động NSƯT Chí Trung cho biết, lương và tiền bồi dưỡng ở các suất diễn tại Nhà hát Tuổi Trẻ có quy định chung với tất cả các nghệ sĩ, đều ở mức thấp, ngay cả với nghệ sĩ có danh hiệu.

“Cát-xê cho mỗi đêm diễn ở nhà hát được tính theo vai chính, vai phụ. Vai chính sẽ nhận tiền bồi dưỡng từ 150 – 200 nghìn đồng/đêm, vai phụ từ 70 – 100 nghìn đồng/đêm diễn” – NSƯT Chí Trung nói.

Nguồn thu nhập lớn nhất của nghệ sĩ đến từ danh tiếng, sức lan tỏa, độ nhận diện của họ đối với khán giả, chứ không phải từ danh hiệu NSND, NSƯT.

NSƯT Xuân Bắc, NSƯT Quốc Khánh cùng có tên trong danh sách được phong tặng danh hiệu NSND đợt này. Ảnh: VTV

“Nhà hát Tuổi trẻ luôn tạo điều kiện để các nghệ sĩ đi tham gia đóng phim, nhiều nghệ sĩ đã làm nên tên tuổi, sức hút riêng như Thanh Sơn, Thu Quỳnh, Lương Thu Trang... Việc tham gia phim truyền hình vừa giúp các nghệ sĩ có thêm thu nhập, vừa tăng độ nhận diện, xây dựng thương hiệu cá nhân riêng. Khi có thương hiệu cá nhân, họ sẽ kiếm được thu nhập từ rất nhiều nguồn khác nhau, ví dụ như quảng cáo, chạy sự kiện... ” – NSƯT Chí Trung chia sẻ khi nhắc đến nguồn thu của các nghệ sĩ sân khấu khi lấn sân sang truyền hình.

Khi phim truyền hình giờ vàng có sức lan tỏa với nhiều dự án gây bão đã giúp đông đảo nghệ sĩ có thêm thu nhập lớn từ quảng cáo, chạy sự kiện, đại diện nhãn hàng, quảng cáo trên trang cá nhân... Đây mới là nguồn thu nhập lớn nhất của nghệ sĩ hiện nay.

Từ phim ảnh đến âm nhạc, nghệ sĩ càng có danh tiếng, độ nhận diện lớn, được công chúng và khán giả yêu mến đón nhận, thu nhập của họ sẽ càng cao.

“Cát-xê đóng phim truyền hình không lớn, nhưng nếu vai diễn được yêu thích, bộ phim được yêu thích, sẽ mở ra vô vàn những cơ hội lớn để nghệ sĩ có thêm thu nhập” – đạo diễn, NSND Trọng Trinh nói.

Nhiều thế hệ nghệ sĩ sân khấu đang tham gia đóng phim truyền hình. Ảnh: VFC

Cũng chính vì thu nhập tăng theo danh tiếng, độ nhận diện nên đã tạo ra sự chênh lệch lớn về thu nhập của nghệ sĩ khi hoạt động ở các ngành nghệ thuật khác nhau, với độ phủ sóng khác nhau. Ở những lĩnh vực phim ảnh (gồm phim điện ảnh, phim truyền hình) hay âm nhạc (nhạc trẻ, nhạc thị trường), nghệ sĩ có nhiều cơ hội tăng thu nhập, trong khi với lĩnh vực kén khán giả như sân khấu, chèo, tuồng, múa... thu nhập của nghệ sĩ khó khăn, chật vật.

Nhiều câu chuyện nghịch lý đã được mang ra đối sánh, khi một ca sĩ hát sự kiện, đám cưới có ngay vài trăm triệu đồng cát-xê, số tiền này có thể tương đương với một năm thu nhập của nghệ sĩ thuộc chuyên ngành khác.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn