MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Diễn viên Hồ Liên. Ảnh: Nhà hát Kịch Việt Nam

Thu nhập ở sân khấu thấp, nhưng không làm giảm đam mê của tôi

Mi Lan - Huyền Chi thực hiện LDO | 18/06/2024 09:28

Nghệ sĩ Hồ Liên ghi dấu ấn với những vở hài duyên dáng. Trên phim truyền hình, chị thể hiện sinh động dạng vai chua ngoa, ghê gớm, từng đóng trong “Những người độc thân vui vẻ”, “Đất và người”, “Gió từ phố Hiến”... Lao Động có cuộc trò chuyện với nghệ sĩ Hồ Liên để kể về hành trình làm nghề và những thử thách diễn viên phải đối mặt khi sân khấu gặp nhiều khó khăn.

Đóng phim truyền hình hiện nay là xu hướng của nhiều diễn viên sân khấu. Tuy nhiên, những năm gần đây, chị lại ít đóng phim hơn, vì sao?

- Hiện tại, tôi là Phó trưởng đoàn Kịch đương đại tại Nhà hát Kịch Việt Nam. Thật ra, công việc ở sân khấu và đóng phim truyền hình luôn song hành nhưng thời gian qua, tôi ưu tiên nhiều hơn cho sân khấu vì tôi vừa là nghệ sĩ, vừa làm công tác quản lý nên khá bận. Nhưng khi có kịch bản hay, có nhân vật phù hợp, tôi vẫn nhận lời tham gia. Tôi tham gia 1 phim truyền hình mỗi năm. Đây quả thực cũng là một cách để được làm nghề, đồng thời tăng thu nhập cho diễn viên sân khấu.

Việc ít xuất hiện trên truyền hình ảnh hưởng thế nào đến cuộc sống của chị?

- Thường diễn viên chúng tôi thực hiện song song 2 công việc này trong nhiều năm qua. Nhiều sinh viên học sân khấu điện ảnh khi ra trường, họ không đầu quân về các nhà hát mà làm diễn viên tự do. Vì vậy, họ có thể thuận tiện góp mặt trong các dự án phim dài tập. Còn diễn viên có biên chế ở nhà hát như tôi, nếu muốn nhận phim dài tập cần báo cáo lãnh đạo, xin phép để cơ quan tạo điều kiện quay phim. Việc một nghệ sĩ có thể làm cả hai mảng công việc truyền hình và sân khấu là điều tuyệt vời.

Khi đóng phim truyền hình, trước hết tôi được thỏa đam mê làm nghề. Tôi được nhiều khán giả biết đến hơn, trong khi sân khấu thu hẹp trong một tập khán giả nhất định.

Đúng là, tham gia truyền hình có thu nhập tốt hơn sân khấu kịch vì thực chất, đời sống của diễn viên sân khấu nhiều thiệt thòi, khó khăn. Giá cả mọi thứ tăng từng ngày, nhưng 20 năm qua, lương và phụ cấp của tôi ở sân khấu không tăng.

Nhưng chúng tôi không thể chỉ lấy con số đó làm thước đo. Ở khía cạnh nào đó, những khó khăn đó là thử thách để nghệ sĩ vươn lên, bám trụ với đam mê sân khấu.

Nhiều nghệ sĩ chia sẻ dù vật giá leo thang, họ vẫn chỉ nhận mức đãi ngộ 200.000 đồng cho vai chính, 120.000 đồng cho vai phụ. Là một diễn viên sân khấu, chị có quan điểm thế nào về những khó khăn chung của ngành?

- Cát-xê của diễn viên sân khấu đã có quy định của Nhà nước. Chúng tôi cũng buồn và chạnh lòng, từng hé lộ sau sân khấu rằng mức kinh phí đó trừ đi tiền xăng, tiền uống nước đôi khi là hết. Dù vậy, sự so sánh đó khá khập khiễng. Chẳng lẽ vì mức bồi dưỡng thấp thì chúng tôi không làm nghề nữa? Những điều đó không ngăn nổi niềm đam mê cháy bỏng của tôi và các đồng nghiệp. Trái ngọt mà tôi thu được là niềm hạnh phúc, gạt bỏ đi những lo toan trong cuộc sống, được đứng dưới ánh đèn sân khấu, được đi quay phim truyền hình...

Khi tập trung cho sân khấu và ít xuất hiện hơn, danh tiếng của chị có phần chững lại so với các nghệ sĩ cùng thời. Điều đó có làm chị chạnh lòng?

- Tôi không không chạnh lòng. Tôi mừng cho các bạn, các bạn đều rất giỏi. Với mình, tôi tiếp tục nỗ lực, cố gắng. Nhiều khi may mắn, vai diễn hay sẽ đến với người này người kia, giúp họ có danh tiếng. Tôi vẫn tham gia các công việc của nhà hát, đi biểu diễn dày đặc. Có thể tôi không lên sóng truyền hình nhiều, nhưng tôi vẫn tích cực hoạt động ở Nhà hát Kịch Việt Nam.

Trên màn ảnh, chị gắn liền với những vai diễn ghê gớm, đanh đá. Hình ảnh đó có giống chị ngoài đời?

- Gặp ngoài đời, tôi là một người bình dị, cũng biết vui biết buồn, có những căng thẳng áp lực. Tôi được giao những vai ghê gớm trên màn ảnh, có thể vì tôi có tố chất và được các đạo diễn tin tưởng. Về dạng vai ghen tuông mà tôi hay đảm nhận, tôi nghĩ phụ nữ ai cũng có một chút ghen tuông. Nếu yêu thật lòng, họ sẽ ghen, chỉ khác ở mức độ, cách thể hiện.

Tôi nghĩ là một diễn viên, ta phải giống như “bột nặn”. Khi được giao những vai chua ngoa, bi kịch hay đau khổ, tôi đều cố gắng làm tốt, xây dựng nên một nhân vật chân thực. Tôi dù gần 50 tuổi nhưng vẫn có thể đóng vai một cô bé dẫn chuyện ở độ tuổi 15, 16 (trong vở diễn mới dựng của nhà hát).

May mắn, hiện tôi đang được khán giả nhí ủng hộ, yêu mến khi biểu diễn các vở kịch thiếu nhi.

Xin cảm ơn nghệ sĩ!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn