MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Thú vị hình tượng con chuột trong đời sống xã hội

TRẦN LƯU LDO | 25/01/2020 08:02
Đã từ lâu chuột là loài vật quen thuộc, gần gũi, và gắn liền với đời sống con người.  Ở Việt Nam, chuột xuất hiện trong sản xuất nông nghiệp, trong đời sống xã hội, đi vào thơ văn, tranh ảnh, thậm chí, theo quan niệm của nhiều người, chuột còn là linh vật phong thủy.

Hình tượng chuột trong đời sống lao động sản xuất

Trong văn hóa Việt Nam, chuột tồn tại sóng đôi với nghề nông nghiệp, nhất là nông nghiệp trồng lúa. Trên những cánh đồng lúa bạt ngàn, loài chuột cùng kiếm ăn, gắn liền với sự sinh sôi nảy nở. Khi mùa màng bội thu, năm hết Tết đến, khi mùa màng gặt hái đã xong, lúa được phơi khô, trữ vào bồ, đêm Giao thừa khi nghe thấy tiếng chuột kêu lít chít, đó là dấu hiệu của một năm mới sung túc.

Do vậy, với nông dân, một mặt chuột xem là dịch họa, vì là loài gặm nhắm, phá hoại mùa màng; nhưng mặt khác, điều này cũng mang đến nghĩa là mùa màng năm đó được bội thu, việc sản xuất được thu hoạch thuận lợi đạt kết quả.

Chuột trong ẩm thực

Thịt chuột từ lâu đã là một món ăn khá đặc biệt, tuy không hiếm hoi, nhưng thịt chuột không phổ biến trên các bữa ăn như thịt heo, cá hay thịt gà…

Chuột có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon. Ảnh: TR.L

Quen thuộc nhất là chuột đồng, bằng cách đặt bẫy hay đào hang, người ta có thể bắt được những con chuột đồng. Để thưởng thức được món thịt ngon, thông thường thịt chuột được chế biến thành những món khô, ráo, tối đa là sệt, không nước thì sẽ đậm đà hơn, phổ biến nhất là nướng, xào rau răm, chiên xả ớt... Những món này có thể dùng ăn cơm hoặc mồi nhậu đều rất hấp dẫn.. Những món ăn được chế biến từ thịt chuột cũng là những món khoái khẩu của nhiều người.

Con chuột trong văn học thơ ca

Không chỉ gắn liền trong lao động sản xuất, hình ảnh chuột còn là đề tài trong văn học, thơ ca, nhất là các tác phẩm nghệ thuật dân gian, tiêu biểu có thể kể đến là tranh Đông Hồ - Đám cưới chuột.

Tranh dân gian đám cưới chuột

Trong một hình ảnh khác, chú chuột ngồi trên kiệu với quạt tán, lọng xanh, được khiêng bởi một đàn chuột, với tấm biển “Ân tứ vinh quy” xuất hiện. Bức tranh là lời châm biếm cho chế độ khoa cử thời đó, vì sĩ tử thi đỗ cuộc thi Hương (Thi Hương là một khoa thi liên tỉnh, theo lệ 3 năm tổ chức 1 lần về nho học do triều đình phong kiến tổ chức để tuyển chọn người có tài, học rộng và bổ nhiệm làm quan. Sau khi đỗ Cống sĩ thì năm sau mới được dự thi kỳ thi cao cấp hơn là thi Hội, và nếu đậu thi Hội sẽ vào xếp hạng Tiến sĩ khi thi Đình) thời đó có danh xưng là ông Cống - đồng âm với chuột Cống.

Những người đã từng xem qua bức tranh Đám cưới chuột, sẽ thấy được sự hóm hỉnh, bức tranh thể hiện một đám cưới xưa, có cả cờ, quạt, kèn, trống, lễ vật. Một bức tranh vừa có ý nghĩa phản ảnh nét văn hóa sinh hoạt cộng đồng, mặc khác lại có ngụ ý châm biếm sâu sắc đối với nạn cống nạp, hối lộ, sự yếu thế của những thân phận người trong xã hội.

Hình tượng chuột mang nhiều ý nghĩa trong đời sồng xã hội

Hình tượng chuột trong phong thuỷ và đời sống tâm linh

Những chú chuột trong phong thuỷ cũng mang lại vận khí tốt đẹp, chuột mang đến sự sung túc và thịnh vượng bởi chúng là loài tìm kiếm thức ăn nhanh, sinh sản tốt. Trong 12 con giáp, chuột đứng đầu tiên, được gọi là Tý. Trong số 12 con giáp, chuột được chọn và con vật tiên phong, dẫn đầu, những người tuổi Tý còn được mọi người ngưỡng mộ bởi sự thông minh, sáng tạo, nhanh nhẹn tháo vát của mình.

Theo quan niệm của nhiều người, mặc dù chuột là loài gặm nhắm, nhưng nơi nào có chuột đến nghĩa là nơi đó sẽ có của ăn của để dồi dào. Do đó, trong mắt nhiều người, nhất là nông dân, đêm giao thừa, tiếng chuột kêu lít chít đâu đó quanh  nhà, khiến người ta tin rằng đó là dấu hiệu của một năm mới sung túc; là biểu tượng của sự nhanh nhẹn, tinh ranh nên có khả năng cải thiện hoàn cảnh theo hướng tích cực và thuận lợi hơn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn