MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Then là một loại hình tín ngưỡng quan trọng của người Tày - Nùng. Ảnh: Phan Huy

Thực hành Then của người Tày, Nùng trong đời sống đương đại

Thạc sĩ Lý Viết Trường - Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội LDO | 16/11/2021 06:35

Then là thực hành tín ngưỡng quan trọng trong đời sống tín ngưỡng của người Tày, Nùng ở Việt Nam. Then thể hiện đời sống văn hóa vô cùng phong phú của con người, là kết tinh của nền văn minh của các tộc người này. Với vai trò quan trọng và sự phong phú, đặc sắc ấy nên cuối năm 2019, thực hành Then của các dân tộc Tày, Nùng (và cả tộc người Thái) đã được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Tên gọi và cách phân loại Then

Then là người trung gian truyền tải thông tin giữa người trần và thế giới thần linh. Về mặt phương ngữ, Then có nhiều tên gọi khác nhau, như Slin, Xên, Sliên, Bụt, Pựt, Một, Vựt, Giàng, Chàng… Về nội dung, thực hành Then là cầu nối tâm linh giữa thế giới con người với thế giới siêu nhiên. Từ khi ra đời cho đến nay, Then là một phần văn hóa có ảnh hưởng lớn về mặt tinh thần trong đời sống các dân tộc Tày, Nùng. Then có ý nghĩa nhân văn, giáo dục con người hướng tới những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

Người làm Then bao gồm cả nam và nữ. Nữ giới làm Then được gọi là “mè Then”, “nàng Then”; nam giới làm Then được gọi là “ông Then”, “Dàng, chàng Then”… Có ba con đường đưa một người bình thường trở thành thầy Then: Những người nối nghiệp tổ nghề được trao truyền lại; những người có căn Then gọi là “phi phấc”; và những người am hiểu về Then, tự nguyện theo nghề. Dù đến với Then theo con đường nào, nhưng khi đã lựa chọn thì dù có khăn như thế nào họ sẽ luôn trước sau thủy chung như nhất với nghề.

Then được phân ra các dòng, trường phái như: Then Văn, Then Võ, Then Xếp, Then Pháp, Then Quạt, Then Nữ (Pụt), Then Nam (Giàng)… Giữa các dòng Then đều có những điểm tương đồng và dị biệt, tuy nhiên tất cả những người làm Then đều đi theo tôn chỉ “cứu nhân độ thế”.

Bên cạnh loại hình Then tín ngưỡng còn có loại hình Then văn nghệ. Đây là loại hình Then mới ra đời từ đầu thế kỷ 20, với phong trào đặt lời mới dựa trên chất liệu Then cổ. Nội dung Then mới cổ vũ cuộc kháng chiến, cổ động nhân dân phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa, ca ngợi tình yêu đôi lứa, tình nghĩa vợ chồng, tình yêu quê hương đất nước…

Then là loại hình tín ngưỡng ẩn chứa những biểu tượng văn hóa đặc sắc

Lẩu Then là nghi lễ quan trọng nhất trong thực hành Then. Nghi lễ này được tiến hành rất cầu kỳ, với sự tham gia của nhiều Then trong dòng, cùng với đó là sự góp mặt của họ hàng, bạn bè và hàng xóm láng giềng... Thông thường lễ lẩu Then đầu tiên trong sự nghiệp thực hành Then của một nghệ nhân sẽ là lẩu khai quang (cấp sắc), kế đó là lẩu tăng binh mã, lẩu khao Sluông (phu đò), lẩu cầu an (cầu bình an), lẩu Bà Slam, lẩu cáo lão, lẩu chuộc binh. Thầy Then được phong hàm, chức tước theo số dải mũ: 5, 7, 9, 11, 13 và 15.

Ngoài những đại lễ vừa kể ở trên, thực hành Then còn có rất nhiều loại hình nghi lễ khác, tùy vào mục đích khác nhau mà gia chủ sẽ mời thầy Then đến thực hành nghi lễ tương ứng. Then cầu an, là loại hình Then được thực hiện với mục đích xóa bỏ tai ách, cầu bình an; Then cống tiến, được thực hiện nhằm mục đích tiến lễ lên giới siêu nhiên; Then chữa bệnh, với nhiệm vụ cầu mong sức khỏe cho gia chủ; Then chúc tụng, chủ yếu nhằm mục đích ca ngợi, vui chơi, ăn mừng.

Trong một lễ Then, quan quân nhà Then phải trải qua nhiều cung cửa, quãng đường từ những nơi đẹp đẽ đến gian khổ, từ non cao núi thẳm đến miền sông nước mênh mông. Hành trình thường bắt đầu từ nhà gia chủ, qua cửa Thổ công, Thành hoàng, Táo quân, Tổ tiên, Pháp sư, cửa tướng, đường ve sầu, Khau Khắc Khau Hai, cửa ông Khuông, ông Khắc, vượt biển, chợ Tam Quang đến chầu Ngọc Hoàng… Mỗi nghi lễ Then, từng cung cửa đều có những ý nghĩa riêng, đằng sau mỗi tên đất, tên người và tên vật đều ẩn chứa những biểu tượng văn hóa đặc sắc.

Then trong đời sống của người Tày, Nùng hiện nay

Theo Nghệ nhân Nhân dân Mỗ Thị Kịt, sinh năm 1921, dân tộc Tày, thì trước khi đổi mới đã từng có thời kỳ Then bị cho là loại hình mê tín dị đoan, nên bị cấm thực hành trong đời sống. Thời kỳ đó, những người làm Then thường xuyên phải cam kết không được tiếp tục hành nghề, dân chúng không được mời thầy Then về nhà cúng bái.

Những tư tưởng sai lầm của thời kỳ đó đã có tác động rất tiêu cực tới sự phát triển của Then, từ những năm đầu thập niên 1970 đến cuối thập niên 1980, số lượng nghệ nhân Then của người Tày, Nùng giảm mạnh. Bước sang những năm đầu thập niên 1990, nhận thức về Then đã bắt đầu có sự thay đổi, đặc biệt khi bước sang thế kỷ 21, cùng với phong trào bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống thì thực hành Then cũng nằm trong xu thế đó.

Đến năm 2019, sau khoảng gần 30 năm nghiên cứu và bảo tồn, thực hành Then của các dân tộc Tày, Nùng (và Thái) đã được Unesco ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Hiện nay, về khía cạnh Then tín ngưỡng, số lượng nghệ nhân trẻ tuổi ngày càng đông, họ là những người vừa có trình độ học vấn, vừa am hiểu phong tục tập quán, là lực lượng nòng cốt trong việc bảo tồn văn hóa truyền thống. Tính đến năm 2021, tỉnh Lạng Sơn có khoảng trên 600 nghệ nhân Then, nhiều nghệ nhân đã được nhà nước phong tặng danh hiệu nghệ nhân Nhân dân (Mỗ Thị Kịt, Nông Thị Lìn, Mông Thị Sấm), nghệ nhân ưu tú; đặc biệt có rất nhiều nghệ nhân trẻ về tuổi đời nhưng không hề non về tuổi nghề.

Đặc biệt, nhiều nghệ nhân Then có trình độ học vấn cao, có bằng cử nhân, thạc sĩ; có những nghệ nhân vừa làm Then vừa là cán bộ công chức nhà nước. Chính họ là những người đi tiên phong trong công cuộc bảo tồn văn hóa truyền thống, quảng bá và lan tỏa những nét đẹp của văn hóa dân tộc đến với bạn bè trong và ngoài nước.

Về Then văn nghệ, dưới với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, từ đầu thế kỷ 21 các câu lạc bộ bảo tồn dân ca đã được thành lập ở những tỉnh có đông người Tày, Nùng sinh sống. Hội Bảo tồn dân ca tỉnh Lạng Sơn từ khi ra đời từ năm 2010, đến nay đã có những đóng góp to lớn vào công cuộc bảo tồn các làn điệu dân ca nói chung và thực hành Then nói riêng.

Cùng với đó, sự đóng góp của các cá nhân là những nghệ sĩ, nghệ nhân vào công cuộc bảo tồn và phát huy Then là vô cùng to lớn. Nghệ sĩ nhân dân Triệu Thủy Tiên, thầy giáo Xuân Bách, nhà nghiên cứu Hoàng Việt Bình, nghệ nhân ưu tú Mai Ven… (Lạng Sơn); nghệ sĩ Thúy Niêm, Quỳnh Nha, Nông Thị Ánh (Cao Bằng); Trung Trực (Bắc Kạn); Chu Thạch (Tuyên Quang)… là những người có công đầu trong việc khôi phục và phát triển phong trào hát Then văn nghệ.

Hiện nay, có hàng trăm câu lạc bộ hát Then đàn tính được thành lập và hoạt động tích cực. Hàng trăm bài Then văn nghệ được các nhạc sĩ, nghệ sĩ và nghệ nhân sáng tác (Hoa Cương, Đinh Quang Khải, Lý Tự Hải, Phan Lâm, Hoàng Huy Ấm, Vi Hồng Nhân, Xuân Bách, Việt Bình); nhiều tên tuổi hát Then được khán giả biết mặt và nhớ tên, đó là: NSƯT Bích Hồng, NNƯT Mai Ven, NSND Xuân Ái, NSƯT Phùng Văn Muộn, NSND Dương Liễu, NSƯT Quỳnh Nha…

Tháng 3.2005, Liên hoan hát Then đàn tính toàn quốc lần thứ nhất được tổ chức tại Thái Nguyên. Sự kiện này đã góp phần thúc đẩy phong trào bảo tồn và phát huy giá trị thực hành Then, từ đó đến nay 6 cuộc liên hoan đã được tổ chức, các tỉnh đăng cai lần lượt là: Thái Nguyên, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hà Giang. Trong xu thế đó, nhiều tỉnh đã tổ chức liên hoan dân ca cấp tỉnh, huyện; đặc biệt là những tỉnh có đông người Tày, Nùng như Lạng Sơn, Cao Bằng.

Thực hành Then của các dân tộc Tày, Nùng đã đạt được những kết quả đáng mừng, tuy nhiên để những hoạt động của loại hình tín ngưỡng này có chiều sâu hơn nữa thì đòi hỏi các cấp chính quyền cần có những chính sách quan tâm thiết thực hơn nữa tới đời sống hành nghề của các nghệ nhân, nghệ sĩ và các câu lạc bộ. Bảo tồn không gian văn hóa là cách bảo tồn di sản tốt nhất, Then chỉ thật sự trường tồn khi nghệ nhân và không gian văn hóa Tày, Nùng được bảo tồn bền vững.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn