MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cảnh trong chương trình nghệ thuật thực cảnh đầu tiên ở Việt Nam “Thuở ấy xứ Đoài” của đạo diễn Việt Tú.

“Thuở ấy xứ Đoài”

MAI CHÂU - LINH PHƯƠNG LDO | 18/06/2017 07:05
Ẩn mình, im ắng gần 3 năm sau chương trình “Tứ phủ” gây tiếng vang, đạo diễn Việt Tú một lần nữa xuất hiện ngoạn mục với “Thuở ấy xứ Đoài” - chương trình nghệ thuật thực cảnh đầu tiên ở Việt Nam.

Việt Tú hẳn có đầy đủ những lý do, mà theo anh là hoàn toàn chính đáng cho việc “lùi một bước” này, để có được “Thuở ấy xứ Đoài” - được đánh giá là bước tiến dài trong sự nghiệp của anh.

140 nông dân lên sân khấu

“Thuở ấy xứ Đoài” là lần đầu tiên đạo diễn Việt Tú đưa ra khái niệm “sân khấu thực cảnh” - lấy bối cảnh thiên nhiên xung quanh làm một phần của sân khấu trình diễn. “Thuở ấy xứ Đoài” tái hiện nguyên bản không gian cổ tích với rặng tre, cây đa, bến nước, sân đình. Với khán đài 2.000 chỗ ngồi, tựa lưng vào cánh đồng lúa bát ngát, mặt hướng về ngọn núi Thầy huyền thoại, giữa khung cảnh bao la, rộng mở đến 1,75ha là một sân khấu mênh mông hơn 3.000m2 mặt nước. Thấp thoáng sau lũy tre, những mái ngói rêu phong ẩn hiện, khung cảnh cổ tích được phục dựng công phu, chăm chút từng chi tiết, hầu hết phần trình diễn đều diễn ra trên mặt nước sương khói kỳ ảo.

“Thuở ấy xứ Đoài” cũng là vở diễn lần đầu tiên xuất hiện những hiệu ứng “bom tấn”. Đó là ngôi nhà đình nặng hàng tấn, dài 20m chạy ra sau rặng tre, là từ 10m sâu dưới đáy Long Trì kỳ diệu hiện lên thuỷ đình nguyên bản nặng gần 10 tấn, là trên đỉnh núi Thầy cao trăm mét, hàng chục ngọn đèn như hào quang tỏa chiếu, tô điểm cho hình ảnh của Đức Thánh Tổ Từ Đạo Hạnh hiển linh, là hàng trăm ngọn đèn thắp sáng rực cả rừng tre xanh ngắt, nhuộm cả mặt hồ mênh mông…

Trên sân khấu giữa mảnh đất cổ tích, vùng núi Sài - chùa Thầy ấy, lần đầu tiên gần 140 nông dân chất phác, thuần hậu đã cùng nhau trải qua hàng nghìn giờ tập luyện miệt mài trong suốt 1 năm qua để diễn vở diễn lớn nhất của cuộc đời mình. Họ kể câu chuyện về cuộc sống - lao động - sinh hoạt, về tình yêu, về đức hiếu học - đạo nghĩa, về mối gắn kết giữa con người - thiên nhiên vùng đồng bằng sông Hồng với nền văn minh lúa nước nghìn năm lịch sử trên nền sân khấu thực cảnh đầu tiên tại Việt Nam.

Câu chuyện dân dã, cổ tích về cuộc sống sinh hoạt làng quê Bắc Bộ từ nghìn năm trước “Thuở ấy xứ Đoài” (ban đầu có tên là “Ngày xưa”) được kể qua 17 tích trò rối nước dân gian - “đặc sản văn hóa” ở vùng quê này, như: “Tễu Giáo trò”, “Hội làng”, “Nông nghiệp cấy cày”, “Vinh quy bái tổ”… với kết cấu mạch lạc, nội dung đơn giản, dễ hiểu, với hiệu ứng ánh sáng trên sân khấu thực cảnh đẹp choáng ngợp và hiệu ứng âm thanh kết hợp giữa âm hưởng âm nhạc múa rối truyền thống với chèo và World Music, do nhóm Master Fader - những nhân tố chính của dàn nhạc giao hưởng đương đại Rhapsody Philharmonic đảm trách.

Quảng bá văn hoá VN tới du khách toàn cầu

Đạo diễn Việt Tú cho biết, anh bắt đầu dự án này trong tình trạng… hoang mang, trên một bãi đất trống với một hố đất sâu hoắm. Mất 2 năm ròng rã cùng nhiều khó khăn, vất vả, bãi hoang ấy biến thành sân khấu 2.000 chỗ ngồi và sàn diễn 3.000m2 mặt nước với rặng tre, bến nước, sân đình.

Xong sân khấu, đến việc tìm 140 nông dân ở Sài Sơn và biến họ thành diễn viên cũng được cho là cách làm táo bạo, là một “kỳ tích” của Việt Tú. Tìm được người, thuyết phục họ tham gia, tập luyện miệt mài, rồi nhiều người bỏ cuộc khiến êkíp phải tìm lại từ đầu… Tập luyện cho một vở diễn hoành tráng với diễn viên chuyên nghiệp đã là khó, với những người dân thuần nông xứ Đoài, ngày đi làm, tối tập luyện trong suốt 1 năm còn là sự vất vả trăm bề của cả đạo diễn lẫn diễn viên không chuyên, khiến nhiều lần Việt Tú đã “cười ra nước mắt” và muốn “đầu hàng”.

Ròng rã, bền bỉ trong suốt 2 năm, cuối cùng “Thuở ấy xứ Đoài” cũng ra mắt lung linh trong ánh trăng đêm rằm 9.6 và nhận được nhiều phản hồi tích cực từ người xem, dù vẫn còn một số điều chưa thật hoàn hảo, như ngồi trên cao hơi khó nhìn sân khấu vì rối hơi nhỏ, ánh sáng 3D hơi nhiều cho không gian ao làng thanh bình…

Thành công của “Thuở ấy xứ Đoài” là bước tiếp theo trong chuỗi các chương trình nghệ thuật dân tộc để quảng bá văn hoá Việt Nam sau “Tứ phủ”, là hướng đi của Việt Tú trong nhiều năm tới chứ không chỉ dừng lại ở chương trình này. Thành công, với Việt Tú, là chuỗi các chương trình nghệ thuật dân tộc được làm theo phong cách của anh, để quảng bá văn hoá Việt Nam tới du khách toàn cầu, để khách nước ngoài đến Việt Nam với mong muốn được thưởng thức show của anh.

Mong muốn ấy của Việt Tú đã nhận được sự ủng hộ tích cực từ các công ty du lịch lữ hành - những đơn vị thường xuyên “đau đầu” không biết đưa du khách nước ngoài “đi đâu - xem gì” khi đến Hà Nội. Ông Đặng Thanh Tùng - Giám đốc Cty Neworld Travel - cho biết: “Đây là một chương trình hay, độc đáo, mang tính hấp dẫn cao. Trước đây, những sản phẩm du lịch thông thường tại Hà Nội chỉ là đi tham quan phố cổ, xem múa rối nước. Với “Thuở ấy xứ Đoài”, doanh nghiệp lữ hành có thêm một địa điểm nữa để xây dựng chương trình tour như tham quan Chùa Thầy, khu du lịch Sài Sơn kết hợp ăn tối và xem show…, để du khách nước ngoài hiểu hơn những nét văn hóa đặc sắc của Việt Nam qua các chương trình nghệ thuật dân tộc”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn