MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
2 sản vật tiến vua có trong mâm cỗ Tết của làng cổ Đường Lâm. Ảnh: HẢI ĐĂNG

Thưởng thức món tiến vua ở "đất hai vua" ngày Tết

HẢI ĐĂNG LDO | 10/02/2024 19:00

Trong mâm cỗ Tết của người dân làng cổ Đường Lâm (xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội) có 2 món ăn tiến vua không thể thiếu. Đó là gà mía và thịt quay đòn.

Đường Lâm là quê hương của Ngô Quyền và Phùng Hưng nên được gọi là “đất hai vua”. Cho đến ngày nay, làng Đường Lâm vẫn lưu giữ được những nét đẹp truyền thống, đặc trưng của một ngôi làng ở Bắc Bộ.

Cũng giống như mâm cỗ Tết của miền Bắc nói chung, mâm cỗ Tết của làng cổ Đường Lâm có các món như: Gà luộc, bánh chưng, xôi (gấc hoặc đỗ xanh), giò, canh măng…

Tuy nhiên, điều làm nên sự khác biệt của mâm cỗ Tết ở làng cổ Đường Lâm là món thịt quay đòn và gà mía. Đây là 2 sản vật được dùng để tiến vua thời xưa, được người dân làng cổ gìn giữ cho đến ngày nay.

Mâm cỗ Tết cổ truyền của làng cổ Đường Lâm. Ảnh: HẢI ĐĂNG

Chị Lâm Thị Na - chủ nhà hàng ở Đường Lâm - cho hay, gà mía được dùng để tiến vua vì có hình dáng phảng phất dáng công, dáng phượng.

"Gà mía được nuôi hoàn toàn bằng ngô, thóc, sắn chứ không nuôi bằng cám, chất tăng trọng. Dáng gà nhỏ, da có màu đỏ au, cho đến khi trọng lượng đạt khoảng 2kg sẽ chuyển sang màu vàng là đạt yêu cầu" - chị Na nói.

Gà Mía là sản vật tiến vua, món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ Tết của làng cổ. Ảnh: HẢI ĐĂNG

Hiện nay, giống gà mía Đường Lâm được nhân giống và nghiên cứu, bảo tồn gen. Du khách tới thăm làng luôn ưa chuộng món ăn này bởi hương vị thơm ngon, thịt gà chắc.

Ngoài món gà mía, mâm cỗ Tết của người dân làng cổ còn có thêm món thịt quay đòn có lớp bì giòn tan, thơm mùi hương ổi. Bên trong lớp vỏ giòn là lớp thịt ngọt mềm, ngậy béo mà ăn bao nhiêu cũng không thấy ngấy.

Ông Hà Hữu Thể chia sẻ, 1kg thịt ba chỉ sẽ mất khoảng 6 tiếng để chế biến từ công đoạn chuẩn bị để đưa lên đòn quay. Lá ổi non được băm nhỏ ướp với thịt, phần lá bánh tẻ thì dùng để lót vào miếng thịt trước khi cho vào quay.

Hương vị của món thịt quay đòn đã in sâu vào tâm trí của mỗi người con làng cổ, dù đi xa đến mấy, con cháu làng cổ vẫn nhắc nhau rằng: "Dù ăn bánh kẹo mười phương/ Không bằng kẹo lạc bộn đường quê tôi/ Trắng phau là phong kẹo dồi/ Giòn tan kẹo bột, bồi hồi tình quê/ Chè kho ngọt lịm đam mê/ Nhớ thịt quay đòn, tìm về Đường Lâm”.

2 sản vật tiến vua của làng cổ luôn có mặt trong các ngày lễ lớn của làng để giới thiệu đến du khách. Ảnh: HẢI ĐĂNG
Toàn cảnh làng cổ Đường Lâm từ đình Mông Phụ. Ảnh: HẢI ĐĂNG

Ông Nguyễn Đăng Thạo - Trưởng Ban Quản lý di tích làng cổ Đường Lâm - cho biết, ẩm thực của làng cổ Đường Lâm bao gồm cả mâm cỗ Tết truyền thống sẽ là sản phẩm du lịch trọng tâm của làng trong thời gian tới.

Sản phẩm gà mía Đường Lâm cũng đã được nhận giấy bảo hộ nhãn hiệu tập thể do Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp.

Đây là tiền đề quan trọng để đưa đặc sản của làng cổ Đường Lâm trong mâm cỗ Tết đến gần hơn với thị trường nước ngoài.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn