MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngành thủy sản và các địa phương đang nỗ lực khắc phục thẻ vàng của EU, đồng thời tái cơ cấu lại ngành theo hướng phát triển bền vững. Ảnh: PV

Còn 2 tháng để khắc phục “thẻ vàng”, cứu hải sản Việt Nam

Khánh Vũ LDO | 26/02/2018 11:12

Nhằm ngăn chặn và loại bỏ hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định của tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài trên các vùng biển Việt Nam, thúc đẩy phát triển nghề cá bền vững, có trách nhiệm, góp phần đảm bảo an ninh quốc gia, khu vực và hội nhập quốc tế, chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân Việt Nam khai thác hải sản trái phép tại vùng biển các nước, Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Kế hoạch hành động Quốc gia nhằm ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) đến năm 2025.

Loại bỏ khai thác hải sản bất hợp pháp

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhiệm vụ tập trung thực hiện từ nay đến tháng 4.2018 bao gồm: Rà soát, sửa đổi và bổ sung các văn bản liên quan đến khai thác IUU theo hướng tăng cường hiệu quả kiểm soát khai thác IUU, phù hợp với một số khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu (EC) và thực tiễn quản lý tại Việt Nam; rà soát, bổ sung nghề, vùng biển, loài thủy sản cấm khai thác, cấm có thời hạn.

Bên cạnh đó, phê duyệt đề án Khai thác hải sản viễn dương; phê duyệt Quy hoạch khai thác hải sản xa bờ đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030... Nâng cấp hệ thống kỹ thuật của trạm bờ tại Tổng cục Thủy sản, 28 tỉnh, thành phố ven biển để giám sát và sử dụng hiệu quả thông tin được giám sát từ 10 nghìn tàu cá là Tổ trưởng các tổ đội (tương ứng khoảng 30 nghìn tàu cá được kết nối thông tin) và chuyển đổi sử dụng hiệu quả 3 nghìn thiết bị đầu cuối thuộc dự án thông tin quản lý tàu cá.

Trong giai đoạn từ tháng 5.2018 - 2020, tăng cường các giải pháp tổng thể nhằm chấm dứt hoàn toàn tình trạng tàu cá và ngư dân Việt Nam khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài và vùng biển quốc tế; xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Thủy sản 2017.

Tăng cường giám sát tại các địa phương

Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT), “thẻ vàng” đối với hải sản Việt Nam theo quy trình của EC là 6 tháng (từ 23.10.2017-23.4.2018) để phía Việt Nam khắc phục. Sau thời gian này, EC sẽ kiểm tra và quyết định: Nếu triển khai đầy đủ, toàn bộ các quy định của EC, “thẻ vàng” sẽ được dỡ bỏ. Nếu việc triển khai có tiến bộ, EC có thể gia hạn để hoàn thiện các nội dung còn thiếu. Trong trường hợp cảnh báo không được thực hiện hoặc triển khai không hiệu quả, EC sẽ ban hành “thẻ đỏ”, khi đó lệnh cấm xuất khẩu hải sản khai thác từ Việt Nam vào thị trường EU sẽ được áp dụng.

Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám, đến thời điểm này, việc khắc phục “thẻ vàng” của EC đã có nhiều kết quả khả quan. Tình trạng các tàu cá đánh bắt bất hợp pháp đã giảm. Bộ NNPTNT đã xây dựng kế hoạch hành động và đang triển khai quyết liệt nhiều nhóm giải pháp khắc phục “thẻ vàng”. Ngành NN đã quy định các hành vi khai thác IUU và chế tài nghiêm khắc đối với chủ tàu, thuyền trưởng vi phạm, mức xử phạt cao nhất gấp 7 lần giá trị thủy sản khai thác bất hợp pháp (cá nhân có thể bị phạt tới 1 tỉ đồng); thu hồi giấy phép khai thác đối với cá nhân, tổ chức khai thác trái phép ở vùng biển ngoài Việt Nam...

Tỉnh Quảng Bình triển khai kế hoạch kiểm tra 100% tàu cá xuất/nhập bến theo khuyến cáo của EC. Cụ thể: 100% tàu cá được kiểm tra hồ sơ giấy tờ, thực tế khi tàu xuất bến, chú trọng tàu lưới kéo, tàu có dấu hiệu nghi ngờ đánh bắt hải sản ở vùng biển nước ngoài; 100% tàu cá được kiểm tra, giám sát, khai báo khi cập cảng cá sông Gianh, Nhật Lệ...

Tại Khánh Hòa, nếu phát hiện tàu cá vi phạm, sẽ không cấp phép và không cho tàu đó hưởng các chính sách của Nhà nước; tái phạm sẽ bị thu hồi giấy phép vĩnh viễn…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn