MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam trả lời câu hỏi của các nhà văn trẻ. Ảnh: Tường Minh

Tiếp sức cho văn học trẻ để có những tác phẩm giá trị cao

Hoàng Văn Minh LDO | 20/06/2022 10:32

Tại Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X tại Đà Nẵng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho biết, Chính phủ và Bộ đã có kế hoạch tiếp sức cho các nhà văn trẻ để sớm có những tác phẩm văn học có giá trị cao như mong đợi.

Bộ VHTTDL đồng hành cùng Hội Nhà văn

Phát biểu tại Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho biết: Đại hội 13 của Đảng đã đánh giá chúng ta chưa có nhiều tác phẩm văn học có giá trị cao. Tại hội nghị Văn hoá toàn quốc diễn ra tại Hà Nội mới đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã 3 lần đề cập đến vấn đề này với câu hỏi: “Vì sao chúng ta đang thiếu vắng những tác phẩm văn học có giá trị cao và chúng ta phải làm gì để có được những tác phẩm như vậy?”. “Với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước về văn hoá nói chung và văn học nghệ thuật nói riêng, Bộ chúng tôi sẽ đồng hành với Ban chấp hành Hội nhà văn Việt Nam để cùng trả lời câu hỏi vì sao chúng ta thiếu những tác phẩm văn học có giá trị cao”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, muốn cho nhà văn được tự do sáng tạo, tự do cày xới trên cánh đồng chữ nghĩa của mình để ra những tác phẩm hay, Nhà nước phải tạo ra một cơ sở, hành lang pháp lý thuận lợi nhất, cũng như tạo ra động lực cho sự phát triển. Mới đây, Bộ đã báo cáo với Chính phủ, cho phép Bộ xây dựng một Nghị định về hoạt động văn học nghệ thuật, chính xác hơn là về văn học. Lãnh đạo Bộ đã giao cho Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ động làm việc với Hội nhà văn để lắng nghe ý kiến. “Và tôi mong rằng trong thời gian tới đây sẽ có các cuộc hội thảo giữa Bộ và Hội để đi đến tiếng nói chung về vấn đề này”,  Bộ trưởng Hùng nói.

Tiếp theo, trên cơ sở kiến tạo chính sách, Bộ VHTTDL sẽ phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Hội nhà văn để làm những công việc cụ thể, thiết thực. Cụ thể là duy trì, mở rộng quy mô và nâng cấp các trại sáng tác. Đồng thời xây dựng cho được giải thưởng văn học quốc gia nhằm đánh giá, ghi nhận, tôn vinh, phát hiện, tìm kiếm nhân tài văn học... Khẩn trương hiện thực hoá đề án nâng cao đề án nâng cao năng lực sáng tạo lý luận phê bình văn học giai đoạn 2022 -2025 và tầm nhìn đến năm 2030.

“Như vậy là Bộ đang đồng hành cùng Hội nhà văn chứ không đơn thuần là xem xét, quản lý một số hoạt động của hội. Tôi nghĩ rằng, nhà văn trẻ là mùa xuân của khát vọng, mùa xuân của Hội Nhà văn chúng ta. Đó là sự nối tiếp các mạch nguồn truyền thống, kế thừa tôn trọng các thế hệ đi trước, sáng tạo, thực hiện được chức trách nhiệm vụ của mình “vì con người cao quý” như Macxim Gorky từng nói trong tác phẩm của mình”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói.

Chính phủ luôn muốn lắng nghe...

Trong phần phát biểu của mình, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nói rằng, sự có mặt của ông ở Hội nghị thể hiện sự quan tâm của Chính phủ cũng như các cấp lãnh đạo tới đội ngũ văn nghệ sĩ, đặc biệt là các tác giả trẻ. Theo Phó Thủ tướng, lãnh đạo Chính phủ luôn muốn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các nhà văn để cùng bàn bạc, tìm hướng phát triển sự nghiệp văn học nói riêng và văn hóa nghệ thuật nói chung.

“Chúng ta phải quan tâm hơn nữa với văn hóa, văn học nghệ thuật, nhất là với giới trẻ. Văn hóa còn thì dân tộc còn. Không như nhiều ngành nghề, thành tựu công việc của các nhà văn, nhà thơ khó được nhìn thấy ngay. Có khi phải nhiều năm sau thì những giá trị đó mới được biết đến”, Phó Thủ tướng chia sẻ. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, Đảng và Nhà nước không bao giờ muốn hạn chế tự do sáng tác nghệ thuật. Ở chiều ngược lại, mỗi người phải có ý thức từ lời nói, tác phẩm của mình phải phục vụ lợi ích chung, cổ vũ tự do sáng tạo.

Đặc biệt, thay vì phát biểu chỉ đạo như thông thường, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đợi đến cuối buổi để trực tiếp trả lời các câu hỏi của các nhà văn trẻ nêu ra tại hội nghị như một hình thức vấn đáp. Trả lời câu hỏi về chính sách phát triển văn học nghệ thuật, chính sách dành cho văn nghệ sĩ và xa hơn là chiến lược quốc gia bảo tồn nền tảng tri thức, Phó Thủ tướng cho biết: Từ trước tới nay đều có chiến lược, đề án, chương trình phát triển văn học nghệ thuật. Nhà nước dành kinh phí quan tâm từ đặt hàng, hỗ trợ sáng tác, dịch thuật nhưng chưa thực sự quan tâm nhiều tới mảng dịch quảng bá tác phẩm Việt Nam ra thế giới.

Trả lời câu hỏi của các nhà văn trẻ về giáo dục văn học trong nhà trường, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho hay, Trung ương đã đề ra rất nhiều giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. Trong đó có giải pháp đổi mới phương thức dạy học theo hướng khơi gợi sự sáng tạo và tương tác hai chiều giữa giáo viên và học sinh, không áp đặt, không học thuộc lòng nữa.

“Những năm qua đã có nhiều cố gắng, định hướng xác định được rồi nhưng điều quan trọng là trình độ giáo viên phải tập huấn dần dần”, Phó Thủ tướng nói. Theo Phó Thủ tướng, ông đã trực tiếp bàn với Bộ VHTTDL và Bộ GDĐT để tăng cường các hoạt động giao lưu giữa nhà trường với các tác giả.

“Chúng ta mới chỉ làm tốt những ngày hội sách, ngày đọc… nhưng chưa đủ. Chính các bạn phải là sứ giả mang những giá trị văn học đến trường học. Các bạn vừa có điều kiện thâm nhập thực tiễn, thầy cô giáo cũng có dịp làm cho các tiết dạy văn hay hơn”, Phó Thủ tướng đề nghị.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn