MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hàng vạn người tham gia lễ hội chùa Hương mỗi dịp đầu xuân. Ảnh: Trần Vương

Tiết lộ số tiền thu được từ Lễ hội Chùa Hương, Hà Nội

VƯƠNG TRẦN LDO | 23/01/2019 15:00

Năm 2019, có khoảng 1,5 triệu vé thắng cảnh phục vụ mùa lễ hội Chùa Hương xuân Kỷ Hợi. Giá mỗi vé thắng cảnh là 80.000 đồng.

Trao đổi với PV Lao Động, ông Nguyễn Văn Hoạt – Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức (Hà Nội) cho biết: Năm 2019 là năm đầu tiên Mỹ Đức tổ chức lễ hội chùa Hương trong bối cảnh triển khai thực hiện quyết định quần thể Hương Sơn là khu di tích quốc gia đặc biệt. Phương châm, mục tiêu là tổ chức lễ hội văn minh, hiệu quả.

Lễ hội sẽ chính thức khai hội vào ngày 6.2.2019 (tức ngày mùng 6 tháng Giêng năm Kỷ Hợi)

Ban tổ chức (BTC) đã tổ chức hội thảo quán triệt về quy tắc ứng xử về kỷ cương của lễ hội với người dân tại khu vực này. Năm nay có khoảng 4.000 đò, 318 gian hàng dịch vụ phục vụ du khách.

“Về đò vận chuyển du khách, chúng tôi đã yêu cầu người dân phải kê sơn lại, đảm bảo đúng yêu cầu về phao, giỏ đựng rác. Những hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống đều phải ký cam kết về vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật.

BTC Lễ hội cũng đã in 1,5 triệu vé thắng cảnh phục vụ du khách mùa lễ hội” – ông Nguyễn Văn Hoạt cho biết.

Theo BTC, giá vé thắng cảnh là 80.000 đồng, giá vé đò là 50.000 đồng. Ảnh Trần Vương

Nói về giá vé, ông Nguyễn Văn Hoạt cho biết, vé đò cũng như phí thắng cảnh theo nghị quyết của HĐND thành phố. Phí thắng cảnh là 80.000 đồng, vé đò là 50.000 đồng. Vé đò 100% là thanh toán cho người chèo đò.

Trong 80.000 đồng phí thắng cảnh BTC đưa vào các chi phí để phục vụ các đơn vị quản lý cũng như duy tu, bảo dưỡng cũng như tôn tạo các khu vực ở đây.

Ông Hoạt cho biết, tại lễ hội chùa Hương năm 2018 tổng số tiền thu được 112 tỉ đồng với tổng số du khách khoảng 1.440.000 lượt khách.

Nói về việc quản lý tiền công đức, ông Nguyễn Văn Hoạt cho biết: “Theo pháp luật hiện hành thì không có điều luật nào quy định cho Nhà nước tham gia quản lý tiền công đức. Thực trạng của cả nước đều như vậy cả. Nếu tiền trong khu vực nội tự của nhà chùa thì do nhà chùa quản lý”.

Theo ông Hoạt, BTC phụ trách việc tổ chức lễ hội, đảm bảo an ninh trật tự, đảm bảo an toàn du khách đến các nơi thờ tự, tín ngưỡng để thực hiện ước vọng của người dân.

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Ha Nội Tô Văn Động nói về việc quản lý tiền công đức

Tại phiên chất vấn của thường trực HĐND TP.Hà Nội hồi đầu năm 2018, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Tô Văn Động cho hay: Cơ bản các di tích và cơ sở tín ngưỡng tôn giáo trên địa bàn đều thực hiện đúng quy định của Bộ chủ quản là không quá 3 hòm. Tuy nhiên, cũng có cơ sở đặt nhiều hơn để tạo điều kiện cho người dân không phải xếp hàng, chen lấn khi đặt công đức.

Tại các di tích có ban quản lý chịu trách nhiệm dưới sự giám sát của chính quyền địa phương, việc thu chi được thực hiện qua Kho bạc Nhà nước và công khai trước dân. Với cơ sở tín ngưỡng tôn giáo, chủ yếu là nhà chùa sẽ do các sư trụ trì hoặc thông qua Ban Trị sự Giáo hội quản lý tiền công đức. Ngoài ra, tại một số điểm di tích, Ban Khánh tiết được nhân dân cử ra sẽ có trách nhiệm báo cáo công khai với chính quyền địa phương nội dung thu chi tiền công đức.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn