MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chùa Quỳnh Viên hiện nay ở Hà Tĩnh. Ảnh: Trần Tuấn.

Tìm cứ liệu chứng minh Chùa Quỳnh Viên là nơi phát tích Phật giáo Việt Nam

TRẦN TUẤN LDO | 08/05/2023 08:16

Hà Tĩnh - Nhiều nhà nghiên cứu đã và đang đi tìm bằng chứng để chứng minh cho nhận định Chùa Quỳnh Viên (trên núi Nam Giới thuộc xã Đình Bàn, huyện Thạch Hà) là nơi phát tích Phật giáo Việt Nam.

Ngày 8.5, ông Phạm Công Tùng - Phó Chủ tịch UBND xã Đỉnh Bàn - cho hay, cách đây vài tuần, các nhà khoa học, giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia phối hợp với cấp ủy, chính quyền huyện Thạch Hà và xã Đỉnh Bàn vừa tiến hành khảo sát thực tế 2 ngày tại núi Nam Giới thuộc xã Đỉnh Bàn để tìm dấu tích chùa Quỳnh Viên.

“Tại cuộc khảo sát đó, cơ bản các nhà nghiên cứu nắm được một số vấn đề. Tuy nhiên, để chứng minh chùa Quỳnh Viên là nơi phát tích Phật giáo Việt Nam thì họ nói rằng đang phải tiếp tục trở lại khảo sát, tìm kiếm nữa. Hiện cũng chưa có kết luận của đoàn” - ông Tùng chia sẻ.

Đoàn khảo sát tìm kiếm dấu tích chứng minh chùa Quỳnh Viên là nơi phát tích Phật giáo Việt Nam. Ảnh: Khắc Mai.

Cũng theo ông Tùng, vừa qua, xã Đỉnh Bàn đã làm tờ trình để nghị công nhận chùa Quỳnh Viên là di tích văn hóa cấp tỉnh và huyện Thạch Hà đang có kế hoạch xin mở rộng quy mô lên 19ha.

“Trong tương lai, nếu chứng minh được chùa Quỳnh Viên là nơi phát tích đầu tiên của phật giáo Việt Nam thì có thể vùng nói Nam Giới sẽ được quy hoạch, mở rộng quy mô để xây dựng ngôi chùa lớn ở đây” - ông Tùng nói.

Phó Chủ tịch xã Đỉnh Bàn cũng kỳ vọng chùa Quỳnh Viên sẽ được đầu tư quy mô lớn để góp phần phát triển du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội cho địa phương.

Dấu tích những tảng đá ghép lại như một nền móng một công trình cũ đã rêu phong, nghi ngờ cách đây hàng ngàn năm, trên núi Nam Giới đã có con người. Ảnh: Trần Tuấn

Trước đó, vào cuối tháng 3.2023 tại Trung tâm văn hóa Phật giáo tỉnh Hà Tĩnh (xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh), Giáo Hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Trường Đại học Vinh tổ chức hội thảo khoa học quốc gia “Phật giáo Hà Tĩnh trong dòng chảy lịch sử - văn hóa Phật giáo Việt Nam”.

Hội thảo quy tụ nhiều nhà nghiên cứu văn hóa và Phật giáo hàng đầu cả nước như: GS. Thiền sư Lê Mạnh Thát; PGS. TS Trần Đức Cường - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; PGS.TS Chu Văn Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu tôn giáo...

Tại hội thảo này, các nhà khoa học đã đưa ra nhiều luận cứ chứng minh: Cách đây khoảng 2.200 năm, tại chùa Quỳnh Viên nằm trên núi Long Ngâm (núi Nam Giới), nhà sư Phật Quang, người Ấn Độ trên đường đi truyền bá đạo Phật sang các nước châu Á đã dừng lại tại đây để truyền đạo.

Vị phật tử đầu tiên của Việt Nam được nhà sư nhận làm đệ tử chính là Chữ Đồng Tử. Do đó, chùa Quỳnh Viên được xem là nơi phát tích đầu tiên của Phật giáo ở Việt Nam.

Núi Nam Giới nơi có chùa Quỳnh Viên đang được quy hoạch để mở rộng quy mô cho chùa Quỳnh Viên khi chứng minh được đây là nơi phát tích Phật giáo Việt Nam. Ảnh: Công Tùng

Cùng những luận cứ từ các thư tịch cổ và ghi chép lịch sử, các nhà nghiên cứu cũng đưa ra những bằng chứng dấu tích còn sót lại trên đỉnh núi Long Ngâm hiện nay như: chùa Quỳnh Viên, nền nhà Chữ Đồng Tử và Tiên Dung xây dựng được ghép bằng nhiều phiến đá lớn; những mảnh ruộng được cải tạo trồng trọt…

Chùa Quỳnh Viên hiện nằm ở lưng chừng dãy Long Ngâm, hướng mặt ra lạch Cửa Sót, phía bên kia là xã Thạch Kim (huyện Lộc Hà). Phía bắc chùa cách chừng khoảng 300m là đền Chiêu Trưng Đại vương Lê Khôi đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Chùa Quỳnh Viên hiện khá nhỏ bé nằm sâu trong rừng. Ngoài lối lên chùa khoảng vài trăm bậc đá, song song với một con suối nhỏ đổ ra biển Cửa Sót, chưa có con đường chính thức nào để lên chùa bằng đường bộ. Khi thủy triều lên, chùa Quỳnh Viên trở nên biệt lập bởi vùng biển Cửa Sót.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn