MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phim “Kẻ ăn hồn” tạo tiếng vang nhờ lồng ghép chất liệu dân gian. Ảnh: Nhà sản xuất

Tín hiệu khởi sắc của dòng phim kinh dị Việt

Việt Phong - Ngọc Dủ LDO | 10/01/2024 11:28

Điện ảnh Việt giai đoạn cuối năm 2023 chứng kiến màn chào sân của hai dự án phim kinh dị là “Kẻ ăn hồn” và “Quỷ cẩu”. Hai bộ phim đều gây được sự quan tâm lớn của khán giả, song điểm đáng chú ý nhất là việc sử dụng chất liệu dân gian làm phương tiện xây dựng bối cảnh và kịch bản.

Hướng đi mới của phim kinh dị Việt

“Kẻ ăn hồn” là bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết “Ngủ cùng người chết” của nhà văn Thảo Trang, cài cắm nhiều chất liệu văn hóa dân gian như: Tục rước dâu ban đêm, treo khăn tang lên cây hay chiếc mặt nạ chuột gợi nhắc đến bức “đám cưới chuột” nổi tiếng của làng tranh Đông Hồ.... Phim “Quỷ cẩu” cũng được lấy cảm hứng từ câu chuyện linh dị dân gian nổi tiếng là “Chó đội nón mê”.

Theo thống kê từ Box Office Vietnam - đơn vị khảo sát phòng vé độc lập, “Kẻ ăn hồn” thành công cán mốc 66 tỉ đồng (tính đến ngày 9.1.2024), đồng thời có tên trong danh sách 7 phim Việt đạt doanh thu trên 50 tỉ đồng năm 2023. Trong khi đó, “Quỷ cẩu” nhanh chóng thu về 25 tỉ đồng sau tuần đầu ra rạp. Tính đến 9.1.2024, phim đạt hơn 63 tỉ đồng.

Thành công này khiến giới quan sát bất ngờ, nhất là khi các dự án phim kinh dị Việt trước đó đồng loạt hóa “bom xịt” như: “Bến phà xác sống”, “Người mặt trời”...

Nhiều tiềm năng nhưng còn thách thức

Việc lồng ghép chất liệu văn hóa bản địa là hướng đi mang tính hiệu quả và lâu bền cho dòng phim kinh dị nội địa. Bởi lẽ, kho tàng dân gian Việt Nam không thiếu những câu chuyện tâm linh, quỷ dị như: “Ông Ba Bị”, “Quỷ nhập tràng”, “Ma da”, “Thần trùng”, “Hổ trành”...

Đáng tiếc, nguồn tài nguyên tưởng chừng vô tận này lại bị lãng quên trong phần lớn phim điện ảnh Việt, chỉ một số phim từng khai thác tốt và đạt được doanh thu cao như: “Quả tim máu”, “Lật mặt: Nhà có khách”, “Thất Sơn tâm linh”, “Bắc kim thang”…

Cùng với đó, nhiều phim nội địa hiện nay chưa lồng ghép được các yếu tố văn hóa, xã hội Việt khiến câu chuyện, bối cảnh phim trở nên xa lạ với khán giả.

Mặc khác, thị hiếu của khán giả đã được nâng tầm hơn nhiều so với trước. Những bộ phim dọa ma một cách hời hợt, ngớ ngẩn, không có chiều sâu về nội dung và thông điệp... đang dần bị đào thải không thương tiếc. Công chúng giờ đây muốn một tác phẩm kinh dị vừa biết gieo rắt nỗi sợ một cách tinh tế, hiệu quả, đồng thời phản ánh phong tục tập quán, đặc điểm văn hóa, con người của địa phương.

Như trong series “Tết ở làng địa ngục” của đạo diễn Trần Hữu Tấn, khán giả không chỉ ấn tượng với những cảnh máu me, yếu tố tâm linh, quỷ dị mà còn bởi vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ của ngôi làng cổ Sảo Há (Hà Giang), phần bối cảnh, phục trang được đầu tư chỉn chu. Sự nghiêm túc từ đội ngũ êkíp giúp phim dẫn đầu hai nền tảng Netflix và K+ khu vực Việt Nam suốt nhiều tuần liền.

Quan trọng hơn, việc lồng ghép các câu chuyện văn hóa dân gian không chỉ tạo nên bước đi vững chắc cho dòng phim kinh dị mà còn giúp điện ảnh Việt có cơ hội xuất khẩu ra quốc tế.

Nhìn sang các thị trường lớn như: Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản... họ từng thành công khi hô biến nhiều nhân vật ma quỷ mang màu sắc bản địa trở thành biểu tượng đại chúng như: Bá tước Dracula, Zombie, Annabelle...

Để làm được điều này, phim kinh dị Việt trước hết cần xây dựng giá trị riêng có về mặt nội dung và hình ảnh, sau đó mới từng bước cân bằng khẩu vị của khán giả trong nước và thế giới. Mặc khác, việc kiểm duyệt phim hiện đã thông thoáng, cởi mở, không còn khắt khe như trước, nhà làm phim có thể thoải mái hơn trong sáng tạo để làm một bộ phim kinh dị đúng nghĩa.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn