MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Kapil tại Vermont Studio Center (Mỹ). Ảnh: VIỆT VĂN

2 tháng và 500 bức khỏa thân nghệ thuật

VIỆT VĂN LDO | 16/06/2018 08:15
Trước khi tôi rời trại sáng tác Vermont (Mỹ) có bảo Kapil Dixit - họa sĩ Nepal - “khi anh kết thúc 2 tháng ở trại, nhớ chụp toàn cảnh studio cá nhân gửi cho tôi”.

Và chúng tôi, ai nấy đều “hết hồn” khi nhìn thấy căn phòng của anh được trang trí, phủ kín bằng tranh khỏa thân, xấp xỉ 500 bức. Sức làm việc của Kapil thật đáng nể.

Vẽ như hít thở không khí hằng ngày

Kapil Dixit, 41 tuổi và người nhỏ bé, ánh mắt linh hoạt, khá thân thiện trong số các nghệ sĩ ở Vermont. 11 năm học và sáng tác tranh ở Dallas (Mỹ), Kapil vẽ đủ thể loại, kể cả body paiting để rồi anh chọn cơ thể con người (Human body) là chủ đề lớn vĩnh viễn của mình.

Ngồi uống càphê nhìn ra khung cửa sổ, ngoài trời tuyết rơi trắng xóa tạo nên một bức tranh phong cảnh tuyệt đẹp, tôi hỏi Kapil: Sao bạn không vẽ phong cảnh tuyết rơi ở Vermont vì nó thực tuyệt vời. Trước đó, tôi đã 2 lần chứng kiến một họa sĩ đầu bạc say mê vẽ cảnh tuyết rơi trong trời mưa lạnh và một họa sĩ khác trẻ hơn đang ngồi vẽ ở ngoài cửa quán càphê mà bao quanh anh ta ngập trắng tuyết. Kapil chỉ cười, lát sau hỏi lại: Anh không thấy cơ thể con người cũng chính là một tuyệt tác à? Nó cũng có núi, đồi, thảo nguyên và dòng sông... nên tôi chỉ thích vẽ human body.

Kapil say mê vẽ, dành phần lớn thời gian trong ngày ở studio, nhiều bữa đến khuya mới về. Bữa ăn tối hầu như bao giờ Kapil cũng ăn nhanh hơn hết thảy, để quay về studio lặng lẽ và trầm ngâm ngắm những bức tranh. Anh bảo đó là quãng thời gian hạnh phúc, khi có thể chìm đắm vào những đứa con tinh thần. Dĩ nhiên Kapil không bao giờ quên hàng tối điện thoại về cho gia đình nơi có người vợ và những đứa con xinh xắn.

Kapil là người đầu tiên ở Nepal theo New Paiting, một trường phái hội họa đương đại với nhiều cách tân, sáng tạo. Kapil kiên trì đi theo New Painting, có dạy miễn phí cho sinh viên ở Nepal nhưng có vẻ như họ không thích hay đúng hơn là khó theo trường phái này, cũng như các nhà phê bình nghệ thuật ở Nepal không quá hào hứng với các tác phẩm của anh. 

Khi thăm Church studio nơi chúng tôi làm việc, Kapil đã lắc đầu: Sàn nhà quá sạch, không hợp với tôi. Studio cá nhân của Kapil rộng hơn và để cho họa sĩ tự do làm bất cứ điều gì. Kapli đã tận dụng tối đa không gian studio để treo những bức tranh sáng tác tại chỗ của mình, kể cả trên trần nhà.

Trong chương trình của trại sáng tác Vermont Studio Center (Mỹ) có một phần khá thú vị: “Life Drawing”. Drawing là vẽ bằng mực, bằng bút chì còn Life là cuộc sống. “vẽ cuộc sống” ở đây chính là vẽ nude - khỏa thân với 2 người mẫu, một nam tên Steve và một nữ là Chelse. Phòng vẽ mẫu khỏa thân khá chật chưa đầy 16m2, chỉ đủ cho khoảng 5,6 họa sĩ kê giá vẽ. Bao giờ Kapil cũng là người đến sớm nhất kê giá vẽ và về sau cùng.

Đa phần các họa sĩ dự trại đều đến “Life Drawing” để vẽ nude. Jennifer Long - nữ họa sĩ đã trên 60 tuổi, 3 lần dự trại Vermont hàng sáng đều đặn đến vẽ chì phác thảo vào cuốn tập nhỏ. Marcus Dunn - họa sĩ Mỹ luôn đứng vẽ và tạo ra những hình vẽ mang tính trừu tượng với những dáng nằm, ngồi, đứng chồng chéo lên nhau… Còn Kapil ngồi vẽ chăm chú và lặng lẽ vẽ kỹ từng dáng người, tư thế khác nhau của mẫu.

Tranh nude của Kapil có gì lạ?

Tôi hỏi Kapil chắc anh thích nhiều mẫu hơn là 2 người ở Vermont. Kapil gật gù rồi nói thêm muốn vẽ nhiều mẫu già hơn để diễn tả những đường nét, dấu vết của thời gian. Anh thích vẽ đen trắng, dù đôi khi cũng dùng màu cho một số bức tranh và màu với nhiều sắc độ khác nhau từ nhạt (hồng) đến đậm, màu anh yêu thích.

Trên cơ sở những dáng hình đủ các tư thế, Kapil sáng tạo ra những bức tranh khổ lớn dài cả mấy mét. Tranh nude của Kapil sống động nhiều khi cảm giác như người mẫu bước ra khỏi bức tranh để trò chuyện với bạn. Kapil nói thực sự muốn đối thoại với người mẫu nhưng lại không suy nghĩ nhiều quá khi vẽ.

“Tôi muốn làm một nghệ sĩ ngẫu hứng” - Kapil nhấn mạnh. Một bức tranh mà tôi có ấn tượng mạnh là tác phẩm khổ lớn, Kapil vẽ cô gái lưng trần quay lưng lại, đầu cúi đầy thân phận. Trên người cô gái in dấu những dấu giày, dấu tay của chính Kapil để diễn tả số phận thăng trầm cực nhục. Đây cũng là tác phẩm vượt ra ngoài yếu tố “figure” (số đo) thuần túy mà mang thông điệp xã hội. Đó là chưa kể Kapil còn sắp đặt một số vật dụng trong cuộc sống hằng ngày để tạo nên ấn tượng cho tác phẩm.

Kapil chưa sang Việt Nam bao giờ và ước muốn có một ngày được sang Việt Nam bày tranh nude và trình bày về quan điểm sáng tác của mình.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn