MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dịch giả Dương Tường (bên phải, ảnh) và nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên tại buổi tọa đàm tối 3.9. Ảnh: L.Q.V

Toạ đàm về tác phẩm "Chết chịu" của nhà văn Pháp

Lê Quang Vinh LDO | 04/09/2019 07:36
"Cái chết - tài sản duy nhất mà con người sở hữu'' là trên buổi tọa đàm diễn ra tối 3.9.2019 tại Trung tâm Văn hóa Pháp - L’Espace ở Hà Nội, nhân dịp ra mắt bản tiếng Việt (do dịch giả Dương Tường chuyển ngữ) tác phẩm ''Chết chịu’’ của nhà văn Pháp, Louis-Ferninand Céline.

Louis-Ferdinand Céline (Céline) là một trong những tên tuổi lớn của văn học Pháp thế kỷ XX. ''Chết chịu’’ (tên gốc: Mort à credit) được ấn hành năm 1936, chuyển tải một triết lý sống: ''Sống là đi xuống mãi. Nhưng chết, cũng không phải là giải thoát, bởi làm gì có giải thoát hay cứu rỗi gì, khi mà ta đã chết. Chỉ có chết mới tạo ra lòng tin. Có lòng tin, thì mới được phép "mua chịu", "mua trả góp". Tài sản duy nhất mà con người sở hữu chính là cái chết’’. 

Tại buổi tọa đàm, các diễn giả Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên; tiến sĩ Phùng Ngọc Kiên và dịch giả Dương Tường đã chia sẻ về nội dung cuốn sách cùng những khó khăn khi dịch cuốn sách được xem như “cách tân của văn chương Pháp thế kỷ XX” khi nó phá vỡ mọi quy tắc cú pháp truyền thống.

Đây cũng là dịp để các độc giả và bạn bè thân thiết gặp gỡ Dương Tường trước khi ông “rửa tay gác kiếm” - khép lại chặng đường cần mẫn của một “người chuyển ngữ” thành công các tác phẩm nổi tiếng của văn học phương Tây phục vụ nhiều thế hệ độc giả Việt Nam.

Tác giả Louis-Ferdinand Céline sinh năm 1894, trong một gia đình tiểu thương, trưởng thành tại Paris, theo học các trường công. Năm 18 tuổi, ông nhập ngũ và sau khi bị thương, được phục viên. Năm 1918, ông theo học ngành Y, rồi theo đuổi nghiệp văn chương.

Ông là một trong những nhà văn được dịch và phát hành nhiều nhất thế giới. Phong cách đặc biệt của ông chủ yếu dựa trên ngôn ngữ nói và tiếng lóng, đồng thời gợi ra một tư tưởng bi quan thông qua các câu chuyện đời thường.

Năm 1932, Céline đã xuất bản tác phẩm quan trọng của mình, ''Du hành đến tận cùng đêm tối’’ và cùng năm đó, giành giải Renaudot. Tới năm 1939, ông và nhà xuất bản Denoël bị kết tội vu khống sau khi ấn hành tác phẩm ''Trường học của các xác chết’’ - tập thứ 3 trong xê-ri 4 tập bài Do Thái. Đầu tháng 7.1961, ông qua đời, sau thành công ở một số tác phẩm.

Dịch giả Dương Tường sinh năm 1932 tại Nam Định, là người đã dành gần 60 năm cho nghề biên dịch. Năm 1955, sau khi giải ngũ về Hà Nội sinh sống, ông thường “vùi đầu” ở thư viện đọc sách. Ông là một người đa tài, với nhiều vai trò: Dịch giả, nhà thơ, phóng viên (TTXVN), nhà phê bình nghệ thuật, sân khấu, văn học, âm nhạc, điện ảnh... Dương Tường là một trong số ít dịch giả văn học có tầm ở Việt Nam xét ở nhiều phương diện.

Các tác phẩm do Dương Tường dịch đã được xuất bản bao gồm những “đại tác phẩm” như: ''Lolita’’ (tác giả Vladimir Nabokov), ''Anna Karenina’’ (Lev Tolstoy), ''Đồi gió hú’’ (Emily Brontë), ''Kafka bên bờ biển’’ (Haruki Murakami), ''Phố những cửa hiệu u tối’’ (Patrick Mondiano), ''Bên phía nhà Swan’’ và ''Dưới bóng những cô gái đương hoa’’ (Marcel Proust)... và mới nhất là ''Chết chịu’’ của Louis-Ferdinand Céline.

Riêng về ''Chết chịu’’, báo chí Pháp đã có nhiều bình luận: ''Du hành đến tận cùng đêm tối’’ là trang sử thi về sự bám riết dai dẳng, còn ''Chết chịu’’ là trang sử thi kinh khiếp về sự buồn nôn và ghê tởm”, “Đây là một cuốn sách khủng khiếp. Ở đó không có chỗ dành cho nhà phê bình’’, “Chết chịu’’ là cuốn sách quan trọng nhất thế kỷ này. Bởi lẽ nó chứa đựng toàn bộ nỗi trầm uất của con người’’…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn