MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cánh đồng khóm Cầu Đúc ở Hậu Giang. Ảnh: Lý Anh Lam

Tôi ở gần khu trọ công nhân và lấy chất liệu từ đó để viết

Huyền Chi (thực hiện) LDO | 04/12/2023 07:22

Tác giả Nguyễn Thị Tường Linh (bút danh Hoàng Anh Linh) đạt giải Ba tại Cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân, công đoàn với truyện ngắn “Chim di”. Ở tuổi 31, nữ tác giả trẻ bị cuốn hút bởi đề tài về công nhân, người lao động.

Lao Động có cuộc trò chuyện với Tường Linh để tìm hiểu về hành trình chị hoàn thành tác phẩm “Chim di”.

Truyện “Chim di” có cái kết đẹp cho tất cả nhân vật. Trong đó, ông Thản trồng khóm và có lãi, người con thứ hai lên chức tổ trưởng sản xuất, con út được cân nhắc làm thủ kho, thậm chí anh trai ông Thản vốn kẹt xỉ, hẹp hòi cũng ôn hòa hơn. Chị giải nghĩa thế nào về cái kết viên mãn này?

- Tựa đề tôi đặt là “Chim di”, ý muốn nói đến loài chim cư ngụ, mỗi năm chúng sẽ tìm đến những nơi có tương lai tốt đẹp hơn. Các nhân vật sinh ra nơi làng quê nghèo, họ trải qua biến cố và quyết định rời bỏ quê hương để tìm đến nơi tươi sáng hơn. Nhưng khi rời khỏi quê hương, họ cũng gặp muôn vàn khó khăn, gian nan.

Khi người con cả bị tai nạn lao động, mọi thứ tưởng chừng đã khép lại. Nhờ nghị lực và khát khao vươn lên, họ đã có cuộc sống an nhàn, no đủ hơn. Tôi muốn truyền tải thông điệp đó bằng một cái kết trọn vẹn.

Văn học về công nhân những năm gần đây thiếu vắng những tác giả trẻ, động lực nào thúc đẩy chị tham gia cuộc thi?

- Một lần tôi đọc Báo Lao Động, thấy các tác phẩm dự thi được đăng lên, tự nhiên tôi muốn tham gia và tôi viết ngay. Lâu lắm rồi tôi mới thấy những tác phẩm văn học về công nhân, công đoàn như vậy. Đơn giản, tôi chỉ muốn viết về những thứ xung quanh cuộc sống của mình.

Với chị, giải C truyện ngắn tại Cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân, công đoàn có ý nghĩa như thế nào?

- Đây là cuộc thi lớn đầu tiên mà tôi tham gia. Trước đó, tôi có tham gia các cuộc thi nhỏ nhưng không có giải. Vì vậy, giải thưởng ở Cuộc thi viết văn về công nhân, công đoàn có ý nghĩa rất to lớn với tôi. Tôi không ngờ mình được giải.

Vì tôi chỉ viết về vùng quê mà tôi từng sinh sống ngày nhỏ, có những người nông dân làm lụng vất vả nhưng không dư dả. Sau khi được vận động chuyển đổi sang loại cây trồng kinh tế cao, cuộc sống của họ mới tốt hơn.

Trong quá trình sáng tác, chị gặp phải khó khăn gì và tìm hiểu về đời sống công nhân như thế nào?

- Căn nhà tôi đang sống ở gần khu trọ của công nhân, nên tôi lấy được nhiều chất liệu từ đó. Truyện ngắn này tôi viết liền một mạch trong mấy ngày liền do đó tôi ít chỉnh sửa lại. Mọi thứ giống như có sẵn từ trong máu vậy, tôi cứ viết mãi. Với tôi, người công nhân không chỉ làm việc trong nhà máy, xí nghiệp.

Trong thời đại mới, người nông dân làm công nghệ cao, họ cũng là một người công nhân. Hai tầng lớp này hỗ trợ nhau để phát triển, theo kịp quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước.

Chị viết về gia đình ông Thản, có 3 người con bỏ học sớm, đi làm công nhân để trang trải kinh tế. Với chị, truyện ngắn “Chim di” có điều gì khác biệt so với những tác phẩm khác?

- Tôi đọc các tác phẩm khác, thấy nhiều tác giả viết về công nhân trong mỏ than, trong nhà máy, về người công nhân. Còn tôi viết về một gia đình nông dân, đi lên từ mảnh đất cằn cỗi ở làng quê nghèo. Cái nghèo thôi thúc họ chuyển đổi, áp dụng công nghệ cao để thay đổi cuộc sống. Ông Thản “liều” để chuyển đổi và mưu cầu một cuộc sống đầy đủ hơn, đỡ vất vả hơn.

Niềm đam mê dành cho văn học của chị được hình thành như thế nào? Với chị, văn học đóng vai trò gì trong đời sống tinh thần?

- Từ khi còn nhỏ, tôi có cơ hội đọc nhiều sách nên sự yêu thích dành cho văn học đã hình thành từ lúc đó. Tôi cũng nuôi dưỡng niềm đam mê này khá lâu rồi nhưng phải đến 2 năm gần đây mới bắt đầu có những tác phẩm hoàn chỉnh. Trong thời đại hiện nay, dù mạng xã hội lên ngôi nhưng văn học vẫn ngầm chảy trong mọi nơi của cuộc sống.

Tôi có những người bạn, họ làm công nhân, thợ thủ công, lao động tay chân tự do, nhưng khi rảnh rỗi họ vẫn thích đọc sách. Dù văn học không còn quá phổ biến như những loại hình giải trí khác nhưng vẫn là món ăn tinh thần không thể thiếu. Mỗi lần đọc một tác phẩm nào đó, ta như thấy được bản thân mình trong dòng chảy hiện đại, thấy được sự rộng lớn, sự đẹp đẽ và nhân văn của cuộc sống, từ đó dung dưỡng tâm hồn và đời sống tinh thần tốt đẹp hơn.

Xin cảm ơn chị!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn