MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhà văn Phạm Vân Anh (thứ hai từ trái sang) và đại tá Hoàng Long Xuyên. Ảnh: .V.V

“Tôn vinh những người làm nên lịch sử là vinh dự và trách nhiệm”

Việt Văn (thực hiện) LDO | 14/08/2021 07:26
Làm thơ, viết văn và làm báo, Phạm Vân Anh là con người luôn sôi sục nhiệt huyết, ít khi nào chịu ngồi yên. Như “con dao pha”, cái gì chị cũng có thể làm và làm hết mình. Cuộc trò chuyện với thiếu tá, nhà văn Phạm Vân Anh diễn ra khi chị vừa cho ra tập bút ký “Những người phất ngọn cờ hồng” (Nhà xuất bản Quân đội Nhân Dân).

Cái tên “Những người phất ngọn cờ hồng” làm bạn đọc liên tưởng đến những bậc tiền bối, những đồng chí lão thành cách mạng. Chị có thể nói gì về cuốn sách này?

- Đây là tác phẩm mà tôi ấp ủ từ năm 2020, khi tham gia viết kịch bản cho chương trình truyền hình trực tiếp “Sao Độc lập” do Tạp chí Cộng sản và Thành ủy Hà Nội phối hợp tổ chức. Cuốn sách là tập hợp những bài bút ký chân dung về “những người con trung hiếu của dân tộc”. Có những người đã xuất hiện nhiều trên truyền thông, được cả nước biết tới, song cũng có những người câu chuyện, những nhân vật còn chưa được báo chí nhắc đến, nhưng cống hiến của họ cũng rất đáng trân trọng.

Đất nước chúng ta bước qua 76 mùa thu với nhiều dấu ấn đáng tự hào; Cách mạng Tháng Tám đã để lại nhiều bài học lịch sử vô cùng quý giá, trong đó có bài học về phát huy tinh thần tự lực tự cường, soi sáng con đường và phương pháp cách mạng cho Đảng và nhân dân ta giành những thắng lợi to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược và trong công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Cuốn sách là một chút tấm lòng của tôi giành để tri ân và tôn vinh những cống hiến của các bậc lão thành cách mạng và để thế hệ trẻ có thể thêm hiểu, thêm yêu và tự hào về truyền thống của cha anh.

Thực tế là nhiều đồng chí lão thành cách mạng giờ tuổi đã cao, sức yếu, trí nhớ bị giảm sút, vậy chị bằng cách nào để đảm bảo thông tin đưa ra là chính xác?

- Đúng là các đồng chí lão thành cách mạng đều đã trên dưới 100 tuổi, họ chính là ký ức sống về một giai đoạn lịch sử của dân tộc song cũng không tránh khỏi những chi tiết nhầm lẫn. Do điều kiện thời gian có hạn nên tôi rất tiếc khi phải gác lại một vài nhân vật mà tôi cũng rất tâm đắc. Song thuận lợi là những nhân vật trong cuốn sách của tôi đều là những người được sử sách ghi nhận với những vai trò hết sức quan trọng trong những giai đoạn cách mạng của đất nước hay từng địa phương cụ thể nên không khó để hiệu đính lại lời kể, ký ức của các cụ cho chính xác hơn.

Tuy nhiên, để đảm bảo tính khoa học của thông tin lịch sử, tránh việc nhầm lẫn hoặc chiến công, thành tích của người này lại gán cho người khác, làm sai lệch các yếu tố lịch sử dù là nhỏ nhất, tôi đã dành khá nhiều thời gian để tìm hiểu lịch sử, gặp gỡ các sử gia và tìm đến các nhân chứng lịch sử để hiểu thêm về giai đoạn cách mạng đó và cũng là để xác nhận về vai trò, cống hiến và các tình tiết trong sự kiện mà nhân vật của mình tham gia.

Đặc biệt là tôi nhận được sự hỗ trợ đầy nhiệt tình của Đại úy Nguyễn Xuân Hùng - Biên tập viên Nhà xuất bản Quân đội nhân dân và đồng nghiệp của anh trong việc rà soát lại các cứ liệu lịch sử, các trận đánh, phiên hiệu của các đơn vị… Nhà xuất bản Quân đội nhân dân là đơn vị làm sách rất trách nhiệm và kỹ lưỡng nên nhờ đó mà cuốn bút ký này của tôi đã được sàng lọc, loại bỏ một số tình tiết còn hồ nghi hoặc chưa được xác nhận.

Có những nhân vật trong cuốn sách này đã xuất hiện nhiều trên các phương tiện truyền thông. Việc “làm mới” có phải là một thách thức với chị và chị xử lý như thế nào?

- Đối với mỗi nhân vật của mình, trong quá trình xây dựng bài viết, tôi luôn chú trọng hai yếu tố lịch sử và cảm xúc. Ngay cả với những người đã vô cùng nổi danh, tôi cũng cố gắng khai thác những khía cạnh rất đời thường của họ, dành thời gian nghe tâm sự của họ về những vấn đề mang tính thời đại hay chỉ đơn giản là những suy tư cá nhân. Đi sâu hơn vào những tình tiết, câu chuyện chưa được báo chí nhắc đến. Ở thể loại bút ký, cả tác giả lẫn nhân vật có “điều kiện”, có “đất” để giãi bày nhiều hơn, nêu quan điểm, cảm nhận cá nhân sâu hơn và có sự liên hệ, so sánh và gửi gắm nhiều quan điểm, tư tưởng hơn. Chính nhờ đó, tác phẩm cũng lắng đọng nhiều cảm xúc hơn là những bài báo phản ánh đơn thuần.

Trong số những nhân vật này, ai là người khiến chị mất nhiều tâm sức nhất, ai là người truyền cảm hứng và để lại cho chị nhiều suy tư nhất?

- Người truyền cảm hứng cho tôi nhiều nhất chính là đại tá Hoàng Long Xuyên, 104 tuổi hiện đang sống tại Thái Nguyên. Tôi đến thăm và trò chuyện với cụ 4 lần và lần nào cũng nhận được những thông tin, tư liệu quý. Cụ là người có nhiều cống hiến, do thời cuộc nên từng có thời kỳ bị thiệt thòi, song cụ yêu nước, yêu dân tộc một cách vô cùng trong sáng, không hề có một chút ấm ức hay đòi hỏi gì cả. Qua cụ, tôi nhận được nhiều bài học lớn về đức hy sinh, sự nhẫn nhịn và nhất là đức tính giản dị, không tự cho mình là công thần.

Cụ chính là nguyên mẫu để tôi xây dựng đề cương và chuẩn bị bắt tay vào viết cuốn tiểu thuyết có nhan đề “Biên khu Việt Quế”, phản ánh về chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn từ tháng 4 đến tháng 10 năm 1949, quân đội Việt Nam đã hỗ trợ Giải phóng quân nhân dân Trung Quốc tham gia chiến đấu với Quốc dân Đảng, giải phóng khu vực biên giới ba tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam.

Vì sao cuốn sách lại được xuất bản trong thời điểm này? Và chị tin độc giả sẽ đón nhận nó như thế nào?

- Điều lớn lao nhất mà tôi thu hoạch được qua việc gặp gỡ, tri ân và viết về các đồng chí lão thành cách mạng, mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng liệt sĩ hoặc người có công… đó chính là bản thân tôi đã được sống cùng lịch sử, đến gần để chiêm ngưỡng, để hiểu sâu sắc về tinh thần của người cộng sản và tinh thần của một “thế hệ Vàng” người Việt Nam, những con người góp phần làm nên lịch sử. Chính vì thế, tôi quyết định dụng tâm để hoàn thành cuốn bút ký này vào để kịp tri ân các bác, thay lời muốn nói rằng, chúng tôi, những người được thừa hưởng thành quả cách mạng được tạo thành từ những hy sinh, cống hiến của biết bao thế hệ cha anh vẫn luôn nhớ, vẫn luôn tự dặn lòng mình phải sống và làm việc xứng đáng với cha anh. Rất mừng là cuốn sách đã được Nhà xuất bản Quân đội nhân dân cho ấn hành vào đúng những ngày thu tháng 8. Toàn bộ nhuận bút của cuốn sách tôi đã gửi nhờ bạn bè trong Thành phố Hồ Chí Minh mua lương thực, thực phẩm gửi tặng bà con miền Nam gặp khó khăn do dịch bệnh bùng phát.

Thông qua cuốn sách này, tôi muốn nhấn mạnh là chỉ cần có tinh thần đoàn kết, lòng yêu nước và ý chí phấn đấu, chúng ta sẽ làm được nhiều điều lớn lao. Nhất là thời điểm ra sách là thời điểm cả nước đang căng mình chống chọi với đại dịch COVID-19 với một tinh thần quật cường và ấm áp nghĩa đồng bào. Chính vì thế, tôi tin rằng cuốn sách ít nhiều cũng sẽ được đón nhận và qua đó truyền được thông điệp về tinh thần Cách mạng tháng Tám, tâm thế của người Việt trong Cách mạng tháng Tám vào khí thế của đất nước trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn