MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thiếu tá Vân Anh đang trò chuyện với Đại tướng Nguyễn Quyết. Ảnh: Việt Văn

Tôn vinh những người phất ngọn “Cờ hồng tháng Tám”

Việt Văn (thực hiện) LDO | 25/08/2020 06:17

Thiếu tá Phạm Vân Anh - Phó Giám đốc Điện ảnh Truyền hình Bộ đội Biên phòng - là người đa tài, vừa làm thơ, vừa viết kịch bản, đạo diễn phim, viết báo và còn là tác giả kịch bản các chương trình kỷ niệm, gần nhất là sự kiện giao lưu “Sao Độc lập” do Tạp chí Cộng sản và Thành ủy Hà Nội phối hợp tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội tối 18.8. Dịp 2.9 năm nay, tập 1 của bộ phim “Cờ hồng tháng Tám” do chị vừa viết và đạo diễn sẽ phát sóng trên chương trình “Tạp chí Biên giới hải đảo” trên kênh VTC1.

- Ý tưởng để viết kịch bản cho phim có từ bao giờ và chị muốn chuyển tải thông điệp nào qua phim?

Ý tưởng nảy sinh từ đầu năm nay, năm kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám. Các cụ lão thành cách mạng trực tiếp tham gia sự kiện này đều đã trên dưới 100 tuổi, nếu không làm phim sẽ muộn và phải làm để lưu lại ký ức các cụ về một giai đoạn lịch sử của dân tộc. Phim khoảng 6 tập (15 phút/tập) có sự hiện diện của 23, 24 cụ lão thành, cao tuổi nhất là cụ Hoàng Long Xuyên năm nay 104 tuổi, ít tuổi nhất là đại tá Doãn Nho 88 tuổi.

Kết cấu của phim đi từ sự kiện để phản ánh cao trào cách mạng của nhiều vùng, từ Bắc vào Nam, mỗi vùng có một nhân chứng. Ví dụ như ở khu Việt Bắc có đại tá Hoàng Long Xuyên, còn ở Hải Phòng có cụ Đặng Nam, 98 tuổi (bí danh Hồng Việt) cùng với các cán bộ nòng cốt gây dựng phong trào “Tiếng trống Kim Sơn”, “Ngọn cờ Đầm Bầu” tháng 7.1945 mở đầu cao trào kháng Nhật giành chính quyền ở miền duyên hải Bắc Bộ.

Phim nói về những người phất cờ hồng, vai trò của lịch sử vô tình hay hữu ý đã đặt lên vai họ trọng trách phất lên ngọn cờ, phản ánh cao trào cách mạng ở vùng đất đó. Thông qua loạt phim này, tôi muốn nhấn mạnh lại sức trẻ, ý thức tuổi trẻ khi tham gia cách mạng lúc còn rất trẻ, người nhiều tuổi nhất chỉ 25, ít nhất 11,12 tuổi, chỉ bằng lòng nhiệt tình yêu nước, bằng vũ khí thô sơ và tinh thần dũng cảm. Trong đó có nhiều thanh niên trí thức con nhà quan lại triều đình cũ, như bố ông Đặng Văn Việt là cụ Đặng Văn Hướng, hàm Thượng thư hình bộ, Tổng đốc 3 tỉnh miền Trung. Dù quan lại của chính quyền Bảo Đại, cụ lại âm thầm tham gia phong trào yêu nước và để con mình làm cách mạng. Ngay khi nổ ra giành chính quyền, cụ bàn giao ấn tín và toàn bộ sổ sách, vũ khí lương thực cho cách mạng. Sau này, cụ được Bác Hồ mời làm Bộ trưởng không bộ phụ trách 3 tỉnh Thanh - Nghệ - Tĩnh của chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

- Việc kiểm tra chéo giữa ký ức với những tư liệu lịch sử có phải là một thách thức của phim khi các lão thành cách mạng đều cao tuổi?

Điều may mắn nhất là các cụ còn khá minh mẫn và các đồng chí lão thành, nhân chứng lịch sử định danh được tỉnh, thành phố công nhận, yêu quý. Cùng đi gặp gỡ các cụ với tôi còn có nhà báo Đặng Thu Hoàn (Tạp chí Cộng sản). Chúng tôi vẫn phải kiểm tra chéo với nhiều nguồn khác nhau là tư liệu lịch sử ở bảo tàng, các cuốn sách lịch sử ở các địa phương... Khi làm phim tài liệu khó nhất là chứng cứ lịch sử mất nhiều thời gian so sánh đối chứng. Ngoài ra, tư liệu hình ảnh lịch sử ít, nguồn phải xin, phải tìm. Một số phải sử dụng hình ảnh của bộ phim truyện “Sao tháng Tám” (đạo diễn NSND Trần Đắc) để minh họa.

- Còn khó khăn nào khác với chị?

Gặp nhiều cụ rất khó, vào đúng thời điểm dịch COVID-19 bùng phát và các đồng chí lão thành ngại tiếp xúc, thế nên phải liên hệ rất nhiều lần mới gặp được như Đại tướng Nguyễn Quyết, hay cụ Vũ Oanh (Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Dân vận T.Ư)… Cụ Đặng Nam là thành ủy viên Hải Phòng lúc đầu từ chối vì cụ nhận chỉ là đội trưởng đội tự vệ xung kích Kim Sơn không phải là một trong ba nhân vật chủ chốt gây dựng chi bộ Đảng đầu tiên ở Kim Sơn, dù thực ra cụ lại lãnh đạo thanh niên tham gia giành chính quyền, sau này lại trực tiếp tham gia chiến đấu bảo vệ chính quyền mới…

Nhưng đúng là mọi thứ như duyên may. Dù lúc đó chúng tôi cũng rất bận do biên phòng căng mình ra chống dịch nhưng có lẽ xuất phát từ việc làm một cái gì đó từ tâm nguyện, mong muốn được vinh danh các cụ lão thành đi trước nên mọi việc rồi lại “xuôi chèo mát mái”. Dịch bệnh ngớt là con cháu các cụ liên hệ lại nói các cụ đồng ý để gặp gỡ.

- Các nhân chứng đều đã nổi tiếng trên truyền thông, chị khai thác sao để khỏi “biết rồi, khổ lắm” như cụ Đặng Văn Việt, “Hùm xám đường số 4” chẳng hạn?

Mỗi người làm đều có cách khai thác khác nhau. Trước truyền thông chỉ tập trung nhiều vào chiến tích của cụ khi làm Trung đoàn trưởng với tài hùng binh thao lược đánh các trận lẫy lừng thời chống Pháp, còn lần này tôi khai thác ở khía cạnh gắn cụ với cao trào cách mạng và khởi nghĩa giành chính quyền ở kinh thành Huế.

- Trước đây, chị đã làm phim về lịch sử và sau phim này chị sẽ tiếp tục…?

Trước đây, tôi chỉ làm mảng phim về nhân vật lịch sử như phim tài liệu về Trung tướng Phạm Kiệt, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Thiếu tướng Nguyễn Trọng Tháp, Cục trưởng Cục An ninh nội địa Bộ Công an. Còn sau phim này, tôi dành thời gian để viết tiểu thuyết “Thập Vạn Đại sơn”, thời điểm đó quân đội ta mạnh hơn bạn, uy thế hơn bạn đã giúp đỡ quân giải phóng nhân dân Trung Hoa giải phóng các khu vực biên khu Quảng Tây và Vân Nam, giúp bạn giành chính quyền tại 2 tỉnh này.

Và quân ta khi giải phóng xong đã bàn giao lại đầy đủ tất cả, không tơ hào một tấc đất, một bao gạo nhỏ, đồng tiền bạc lẻ... Những người lính chân trần, áo vải cờ hồng ra đi như thế và trở về như thế.

- Cảm ơn thiếu tá Phạm Vân Anh và chờ đón bộ phim của chị!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn