MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đoàn liên ngành TP Móng Cái kiểm tra một cửa hàng chuyên phục vụ khách Trung Quốc tại Móng Cái. Ảnh: Nguyễn Hùng

Tour “0 đồng” rục rịch trở lại

Nguyễn Hùng LDO | 03/04/2024 12:00

Lượng du khách đường bộ Trung Quốc sử dụng hộ chiếu nhập cảnh qua Cửa khẩu quốc tế Móng Cái gia tăng mạnh mẽ từ đầu năm 2024. Đây cũng là lúc loại hình tour “0 đồng” - vốn gây nhức nhối lại rục rịch vươn “vòi bạch tuộc”, với các hình thức, chiêu trò như những gì đã từng diễn ra trước đó.

Câu chuyện kiểm soát được các cửa hàng chuyên phục vụ khách Trung Quốc

Từ đầu năm 2024 đến nay, lượng du khách Trung Quốc nhập cảnh qua Móng Cái tăng đột biến, có ngày lên tới hơn 1 triệu khách - tương đương với thời cao điểm trước đại dịch COVID-19.

Tuy nhiên, chỉ một số ít công ty du lịch ở Quảng Ninh đón khách với số lượng rất hạn chế, vì giá tour được phía đối tác Trung Quốc trả thấp hơn giá thành thực tế cho một tour trọn gói rất nhiều.

Những công ty chấp nhận đón khách, trong đó phần lớn là các công ty không có trụ sở, chi nhánh ở Quảng Ninh và sẽ phải xoay sở đủ trò để có thể bù giá và kiếm lời. Chiêu trò quen thuộc được lặp lại, đó là: Phối hợp đưa du khách vào các cửa hàng bán hàng với giá đắt nhưng hàng giả nhãn hiệu; cắt giảm chất lượng dịch vụ, ăn uống, khách sạn…

2 điểm bán hàng chuyên phục vụ khách Trung Quốc tại Móng Cái ngày 28.3.2024 bị UBND TP Móng Cái dừng hoạt động do ngang nhiên công khai bán các loại mặt hàng giả nhãn hiệu của các thương hiệu lớn trên thế giới và hàng không có nguồn gốc. Đây chỉ là số ít trong các cửa hàng chuyên phục vụ khách Trung Quốc đang tiếp tục mọc lên ở Quảng Ninh.

Chia sẻ với Lao Động, đại diện một số công ty lữ hành tại Quảng Ninh cho biết, nếu không quản lý được thì số lượng tiền mua sắm của du khách rất lớn sẽ chuyển qua các máy Pos về thẳng cho các đối tác Trung Quốc như những năm trước.

Giảm chất lượng dịch vụ để bù lỗ, kiếm lời

Trong vai một đơn vị chuyên đón khách Trung Quốc, chúng tôi gọi điện đặt ăn cho du khách tại một quán ăn ở TP Hạ Long thì được thông báo sẵn sàng cung cấp các bữa ăn với giá từ 50.000 - 60.000 đồng/suất, gồm nhiều món.

Theo vị này, trên giấy tờ thì vẫn niêm yết giá từ 50.000 - 150.000 đồng nhưng thực tế, các công ty du lịch chỉ đặt cho khách khoảng 50.000 đồng/suất. Bữa ăn vẫn gồm đủ các món mà dân trong nghề gọi là “8 món, 1 canh”. 8 món ấy có thể là: Trứng luộc, trứng rán, trứng ốp, đậu sốt, đậu rán, cá rán, cá sốt... và một bát canh.

Phòng nghỉ của du khách cũng bị hạ cấp. Hiện, giá phòng cho khách ở chỉ từ 180.000 - 200.000 đồng/phòng cho 2 người. Những nhà nghỉ, khách sạn dòng khách này ở đều xa trung tâm, khiến cứ về khách sạn là bị “nhốt” ở đây vì không thể đi đâu được. Để giảm giá phòng, các chủ khách sạn, nhà nghỉ cũng phải cắt giảm chất lượng dịch vụ. “Ngoài ra, còn tìm cách trốn thuế, không ghi hóa đơn đầy đủ. Việc này sẽ dẫn đến thất thu thuế Nhà nước” - giám đốc một công ty lữ hành ở Móng Cái cho biết.

Trong khi đó, ngay từ năm 2015, theo Quyết định 3486, ngày 5.11.2015 của UBND tỉnh Quảng Ninh về Quy chế tạm thời quản lý hoạt động kinh doanh lữ hành đón khách du lịch Trung Quốc qua các cửa khẩu đường bộ của tỉnh Quảng Ninh, thì mức ăn tối thiểu của mỗi du khách đã phải là 100.000 đồng/người/bữa chính. Đối với dịch vụ lưu trú, phải bố trí cho khách nghỉ tại các cơ sở lưu trú du lịch có tiêu chuẩn là khách sạn từ 2 sao trở lên…

Theo ông Nguyễn Việt Đức - Giám đốc Công ty CP Du lịch lữ hành Hữu Nghị, trụ sở tại TP Hạ Long, do các đối tác phía Trung Quốc chỉ giao khách cho những đơn vị nhận với giá rẻ hơn, nên dẫn tới cuộc đua đại hạ giá không ngừng, trong khi tỉnh Quảng Ninh khó xử lý những công ty ngoại tỉnh. Đây là một trong những lý do chính mà hiện nay việc đón dòng khách này hầu hết do các công ty ngoại tỉnh thực hiện.

“Hiện, cứ nhận một khách là coi như lỗ khoảng 60 NDT (khoảng 150.000 đồng) và có thể sẽ còn giảm nữa. Vì thế, các công ty lữ hành phải đưa khách vào các cửa hàng, rồi cho ăn, nghỉ tạm bợ, rẻ tiền... để kiếm lại” - ông Đức cho biết.

Đại diện các công ty lữ hành Quảng Ninh cho rằng, dù bất kỳ công ty ở đâu đón khách thì hoạt động mua bán hàng hóa, ăn uống, ngủ nghỉ phục vụ du khách hoàn toàn có thể quản lý được vì khách rất đông.

“Mỗi suất ăn 50.000 đồng hay 100.000 đồng thì tùy các nhà hàng công bố, nhưng bắt buộc phải có hóa đơn, chứng từ. Kiểm soát được các điểm bán hàng và chuỗi dịch vụ: ăn, nghỉ, vận tải, điểm vui chơi giải trí... thì mới hy vọng dẹp được tour “0 đồng”, trong khi những việc này hoàn toàn nằm trong tay các cơ quan Nhà nước” - ông N.V.T - một hướng dẫn viên tiếng Trung Quốc tại Quảng Ninh chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn