MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ngày hội du lịch sinh thái Phong Điền - Cần Thơ lần thứ IX năm 2022, nhằm hưởng ứng Ngày Du lịch thế giới 27.9. Ảnh: YP

TP.Cần Thơ: Xu hướng phát triển loại hình du lịch sinh thái tại Phong Ðiền

Hải Minh LDO | 28/09/2022 08:32

Huyện Phong Ðiền (TP.Cần Thơ) xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, là một trong những lĩnh vực trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Loại hình du lịch sinh thái với nhiều điểm đến đang được đông đảo du khách biết đến như: Cần Thơ Eco Resort, Mekong Silt Ecolodge…

Quảng bá đặc sản địa phương

Ngày hội Du lịch sinh thái Phong Ðiền - Cần Thơ lần thứ IX năm 2022 là sự kiện thường niên do UBND huyện Phong Ðiền phối hợp Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TP.Cần Thơ tổ chức nhằm hưởng ứng Ngày Du lịch thế giới 27.9. Cứ mỗi năm, Ngày hội lại được mở rộng và nâng chất về quy mô, từng bước tạo không gian văn hóa du lịch bản địa, góp phần thu hút du khách về Cần Thơ. 

Theo ông Nguyễn Trung Nghĩa - Chủ tịch UBND huyện Phong Ðiền, Trưởng ban Tổ chức, Ngày hội nhằm quảng bá tiềm năng, xúc tiến du lịch Phong Ðiền, đồng thời giới thiệu với du khách đặc trưng văn hóa sông nước miệt vườn, đặc biệt là du lịch sinh thái, giới thiệu các loại trái cây đặc sản, đặc trưng, các món ăn ngon, sản phẩm du lịch của Cần Thơ nói chung và Phong Ðiền nói riêng.

Năm nay, sự kiện có quy mô lớn hơn khi thu hút 60 gian hàng (tăng 20 gian so với lần trước) xúc tiến quảng bá du lịch từ 10 tỉnh, thành, trong đó có 10 gian chuyên về OCOP. Ðây là điểm mới của Ngày hội năm nay, để quảng bá, kết nối các đặc sản địa phương đến với du khách.

Ngày hội năm nay còn có các hội thi: Tạo hình nghệ thuật từ hoa và trái cây và Trưng bày trái cây ngon Phong Ðiền, Bánh dân gian và trưng bày món ăn ngon Phong Ðiền. Những hoạt động này gần gũi trong nếp sống của bà con Phong Ðiền - vốn nổi tiếng là xứ sở trái cây của Cần Thơ với hơn 8.500ha cây ăn trái.

Sự kiện quy tụ hơn 10 hợp tác xã trên địa bàn huyện, với nhiều đặc sản Phong Ðiền như: Dâu Hạ Châu, sầu riêng, cam mật, măng cụt, nhãn… Phong Ðiền cũng nổi tiếng với văn hóa ẩm thực miệt vườn, cùng nhiều nghệ nhân như Trương Thị Hoa Lài, Lâm Thị Khuya… Vì thế, sự kiện cũng là cơ hội để tìm kiếm để gìn giữ những món ăn dân gian, độc đáo của người Phong Ðiền.

Phát triển du lịch sinh thái

Trên địa bàn huyện Phong Ðiền hiện có 65 điểm tham quan du lịch và di tích lịch sử, văn hóa. Trong đó có 3 điểm được Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) công nhận điểm du lịch tiêu biểu cấp đồng bằng, 5 điểm được Hiệp hội Du lịch TP.Cần Thơ công nhận là điểm du lịch tiêu biểu cấp thành phố.

TP.Cần Thơ có các sản phẩm du lịch chính: MICE, sinh thái và sông nước. Trong đó, huyện Phong Ðiền nổi bật với tiềm năng về du lịch sinh thái. Phát huy thế mạnh sẵn có, Phong Ðiền định hướng trở thành địa phương trọng điểm về du lịch sinh thái của thành phố. Xác định phát triển du lịch là một trong những nhiệm vụ trọng tâm thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương, huyện Phong Ðiền đã xây dựng và thực hiện nhiều chương trình, chính sách tập trung công tác này.

Phong Ðiền cũng đang thực hiện Ðề án Phát triển du lịch sinh thái an toàn, giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030, với mục tiêu tạo môi trường an toàn cho du lịch phát triển và phát huy giá trị tài nguyên du lịch theo định hướng bền vững. 

Ông Võ Thành Giúp - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại - Du lịch và Quản lý di tích huyện Phong Ðiền - cho biết, sau 2 năm bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, du lịch Phong Ðiền đang phục hồi tích cực và phát triển mạnh, thu hút lượng lớn khách trở lại. Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm 2022, du lịch Phong Ðiền đã đón gần 973.000 lượt khách, tăng 186% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách nước ngoài có trên 8.000 lượt. Tổng doanh thu đạt trên 324 tỉ đồng.

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả các hoạt động xúc tiến du lịch, đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, ông Nguyễn Thực Hiện - Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ - cho rằng, huyện Phong Điền được xem là “lá phổi xanh” của thành phố; trên địa bàn huyện, có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, các điểm du lịch sinh thái đa dạng, hấp dẫn. Do đó, hoạt động khai thác các di tích lịch sử văn hóa phục vụ phát triển du lịch phải theo hướng sinh thái, bảo vệ môi trường, song song với bảo tồn và tôn tạo di tích.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn