MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lễ rước kiệu ngênh thần. Ảnh: Đoàn Hưng

Trà Cổ: Làng biển hơn 500 năm tuổi nơi địa đầu tổ quốc

Đoàn Hưng LDO | 21/01/2023 16:00

Quảng Ninh - Nằm ở mũi Sa Vĩ, làng biển Trà Cổ, TP. Móng Cái  tính đến nay đã hơn 500 năm tuổi. Kể từ khi về đây lập làng, người dân nơi đây đời nối tiếp đời đã viết lên câu chuyện của chính mình với những trầm tích văn hóa đặc sắc.

Những dấu tích không phai mờ của hơn 500 lập làng

Những ngày đầu Xuân năm mới, dưới mái đình làng biển Trà Cổ, hòa trong tiếng sóng, tiếng gió và thấm đượm hơi vị mặn mòi của biển cả, các cụ cao niên trong làng pha ấm trà, cùng con cháu ôn lại lịch sử của làng hàng trăm năm qua.

Mái đình Trà Cổ - nơi lưu giữ chứng tích lập làng của người dân Trà Cổ hơn 500 năm. Ảnh: Đoàn Hưng

Chuyện rằng, tổ tiên xưa của người Trà Cổ vốn ở Đồ Sơn, TP.Hải Phòng làm nghề đánh cá. Vào thời Hậu Lê, có 12 gia đình ngư dân từ Đồ Sơn trong một lần đi đánh cá gặp sóng to, gió lớn đã dạt vào nơi này. Sau đó, 6 gia đình quyết tâm bám trụ lập làng. Những câu ca vẫn được truyền miệng đến ngày nay như nói lên nỗi cơ cực ban đầu ấy:

“Ở đây ăn bổng lộc gì

Lộc sim thì chát, lộc si thì già”

Nhưng họ vẫn lạc quan:

“Ở đây vui thú non tiên

 Tháng ngày lọc nước lấy tiền nuôi nhau”.

Tên gọi Trà Cổ là ghép của hai làng Cổ Trai và Trà Phương nổi tiếng của đất Nghi Dương xưa (nay thuộc huyện Kiến Thụy, TP. Hải Phòng), vốn là đất phát tích của nhà Mạc đầu thế kỷ 16. Những vị tiên công xưa của Trà Cổ đã lấy tên cố hương để đặt cho vùng đất mới. 

Nghi lễ rước thần được diễn ra tại bãi biển Trà Cổ. Ảnh: Đoàn Hưng

Để tưởng nhớ 6 vị tiên công đã có công khai khẩn lập làng, vào năm Quang Thuận thứ 2 (1461), dưới triều vua Lê Thánh Tông, đình Trà Cổ bắt đầu được xây dựng. Nằm ngay cửa biển, đình Trà Cổ sừng sững hiên ngang, giữ nguyên nét đặc trưng của kiến trúc đình làng quê Bắc Bộ. Mái đình làng biển có kiến trúc theo lối chữ "đinh", mặt quay về hướng Nam. Tiền đường gồm 5 gian, 2 chái bái đường, hậu cung có 3 gian. Mái lợp ngói vẩy, bốn góc đao cong vút như con thuyền rẽ sóng giữa biển khơi.

Ông Nguyễn Quang Cảnh – Ban quản lý đình Trà Cổ, phường Trà Cổ, TP Móng Cái -cho biết: "Trong thời kỳ trị vì, Vua Lê Thánh Tông rất coi trọng an ninh biên giới. Ngài đã từng nói: “Nếu ai để một thước sông, tấc núi vào tay kẻ xâm lược phải bị nghiêm trị”. Bởi thế, ngôi đình cũng là cột mốc biên giới, cột mốc văn hóa vùng Đông Bắc như câu đối “Muôn đời trời Nam nêu phí khách” trong đình. Trải qua 6 đến 7 lần trùng tu, đến năm 2012, đình được đại tu lại toàn bộ theo dáng dấp ban đầu rất nguy nga, hoành tráng. Năm 2019, lễ hội đình Trà Cổ được vinh danh là Di sản Văn hoá phi vật thể quốc gia".

Hàng năm, lễ hội đình Trà Cổ tổ chức vào đầu tháng 6 Âm lịch, đặc sắc nhất có tục thi lợn to được gọi là “Ông Voi”, thi cỗ chay, cỗ mặn, tưởng nhớ công ơn của tiền nhân và thể hiện ước nguyện về cuộc sống ấm no, đủ đầy.

Làng biển trong nhịp điệu phát triển hôm nay

Làng Trà Cổ xưa, nay là phường Trà Cổ thuộc thành phố sầm uất vùng biên cương Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, nhưng những nét văn hoá dường như vẫn nối tiếp vẹn nguyên từ thuở khai ấp lập làng trong thế kỷ XVI. Nhiều du khách phương xa đến có vẻ ngạc nhiên với chất giọng hơi nặng, những chữ có dấu hỏi thì đọc thành ngã như: gọi lưới kéo giã là “tùng lưới”, con trâu thì gọi “con tâu”, cây tre thì “cây te”… Nhiều phong tục cưới hỏi, ma chay, lễ tết cũng khác biệt. Sự hồn hậu, chất phác, những văn hóa vùng biển đặc sắc cũng giúp Trà Cổ trở thành một điểm đến hấp dẫn nơi địa đầu tổ quốc.

Làng biển Trà Cổ hôm nay. Ảnh: Đoàn Hưng

Trao đổi với phóng viên báo Lao động, ông Nghiêm Trọng Luân - Phó Chủ tịch UBND phường Trà Cổ- cho biết, hiện nay trên địa bàn 65% dân số vẫn sinh sống bằng nghề truyền thống của địa phương là đánh bắt, khai thác, nuôi trồng thủy hải sản.

Du khách được trải nghiệm sản phẩm du lịch "Một ngày làm ngư dân" trên bãi biển Trà Cổ. Ảnh: Đoàn Hưng

Những năm gần đây, địa phương đang tập trung phát triển một số sản phẩm du lịch mới, trong đó sản phẩm ”Một ngày làm ngư dân” đang có hiệu quả tốt. Năm 2023 này, Trà Cổ được lựa chọn để tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, du lịch đặc sắc của thành phố Móng Cái và tỉnh Quảng Ninh như: Lễ khánh thành nhà thờ Trà Cổ, Lễ hội đền Thánh Mẫu gắn với công bố Quyết định và Bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh; Lễ hội đình Trà Cổ gắn với công bố Quyết định và Bằng xếp hạng di tích cấp Quốc gia đặc biệt; Chương trình phát động bảo vệ môi trường trong ngành du lịch hướng tới ngày môi trường thế giới 5/6, tuần lễ biển đảo Việt Nam và ngày đại dương Thế giới năm 2023…

Du khách thích thú gỡ lưới cùng người dân làng biển. Ảnh: Đoàn Hưng

Từ một làng biển ở nơi địa đầu xa xôi, giờ đây Trà Cổ đã là Khu du lịch quốc gia. Người Trà Cổ trở thành những “hướng dẫn viên bản địa” với nét thuần hậu, chất phác, đưa văn hoá của đất và người quê hương đến với du khách bốn phương… Còn với mỗi người con Trà Cổ, dù đi đâu, làm gì, mỗi người vẫn không quên làng biển, nơi họ đã sinh ra, lớn lên trong tiếng sóng, tiếng gió cùng ý thức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ nơi địa đầu Đông Bắc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn