MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lễ trao tặng danh hiệu NSND, NSƯT tại TP.Hồ Chí Minh năm 2019. Ảnh: TL

Trách nhiệm hơn với danh xưng “Nghệ sĩ ưu tú”, Nghệ sĩ nhân dân”

Mỹ Linh LDO | 17/07/2021 14:38
Nghị định số 40/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 89/2014/NĐ-CP quy định xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân” (NSND), “Nghệ sĩ ưu tú” (NSƯT) có hiệu lực từ 15.5.2021 có nhiều điểm mới tạo điều kiện thuận lợi cho nghệ sĩ lập hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSND và NSƯT.

Đặc biệt, Nghị định không còn cứng nhắc việc buộc phải có giải thưởng mà “Những cá nhân có cống hiến nổi trội, có tài năng nghệ thuật xuất sắc, thiếu giải thưởng theo quy định nhưng được Hội đồng các cấp thảo luận, đánh giá là trường hợp đặc biệt” thì sẽ được xét trình Thủ tướng quyết định.

Chính vì có những điều kiện khắt khe trước đây, nên nhiều nghệ sĩ được người dân yêu mến nhưng do thiếu giải thưởng, huy chương nên khi còn sống không được xét danh hiệu NSƯT như Văn Hiệp, Duy Thanh… Vấn đề ở đây là, khi “cơi nới” các điều kiện để trở thành NSND, NSƯT, thì việc phong tặng có trở nên dễ dãi hay không? Và từ đó trách nhiệm của nghệ sĩ phải thế nào?

Trên thực tế gần đây, nhiều nghệ sĩ gây ồn ào, thậm chí gây bức xúc trong cộng đồng bằng những lời nói, hành động của mình.

Có thế kể đến vụ việc xung quanh NSƯT Đức Hải. Tháng 6.2021, trên mạng xã hội nổ ra cuộc tranh cãi lớn khi trang Facebook chính chủ của NSƯT Đức Hải xuất hiện nội dung phản cảm.

Sau đó, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn đã ký quyết định miễn nhiệm chức vụ Phó Hiệu trưởng đối với NSƯT Đức Hải. Không ai có ý kiến về việc thu hồi hay tước danh hiệu NSƯT của ông Đức Hải.

Hay câu chuyện liên quan đến NSƯT Hoài Linh. Năm 2015, Hoài Linh bất ngờ có tên trong danh sách đề cử Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) lần thứ 8, dù chưa bao giờ có huy chương trong các kỳ liên hoan, hội diễn do Cục Nghệ thuật biểu diễn tổ chức - vốn là tiêu chí quan trọng trong việc xét duyệt danh hiệu NSƯT. Hoài Linh được đặc cách công nhận NSƯT. Đến năm 2021, NSƯT Hoài Linh là tâm điểm khi có thông tin gây tranh cãi về việc “ngâm” tiền từ thiện 13 tỉ đồng hỗ trợ đồng bào miền Trung hơn 6 tháng.

Một người phụ nữ tên là N.T.TH đã gửi đơn đề nghị cơ quan chức năng xem xét thu hồi danh hiệu NSƯT của nam danh hài do đã gây dư luận xấu trong nhân dân thời gian qua.

Đầu tháng 7, Thanh tra Bộ VHTTDL có văn bản chính thức khẳng định, nghệ sĩ Hoài Linh đến nay vẫn chưa vi phạm vào các quy định tại khoản 1, điều 79, Nghị định số 91/2017/NĐ-CP ngày 31.7.2017 của Chính phủ. Vì vậy, việc tước danh hiệu của nghệ sĩ Hoài Linh chưa đủ cơ sở để thực hiện.

Theo quy định, chỉ khi vi phạm pháp luật hình sự, bị tòa án xét xử bằng văn bản đã có hiệu lực pháp luật và bị tuyên án tử hình phạt tù có thời hạn trở lên thì mới bị xem xét bị tước danh hiệu vinh dự Nhà nước. Rõ ràng việc “cơi nới” để tạo điều kiện cho nghệ sĩ được phong tặng những danh hiệu cao quý là điều nên làm, nhưng cũng cần có chế tài rõ hơn cũng như ràng buộc để nghệ sĩ có trách nhiệm hơn với những danh xưng “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú”.

Thậm chí, cần thêm chế tài về việc tước danh hiệu khi họ có hành vi, lời nói làm xấu, mất hình ảnh của những danh xưng họ đang có.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn