MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trạm phát sóng Bạch Mai bị phá dỡ trước khi được công nhận là di tích lịch sử văn hóa. Ảnh: Trần Kiều.

Trạm phát sóng Bạch Mai bị phá: Lỗ hổng lớn trong quy hoạch, bảo tồn

Trần Kiều LDO | 23/02/2020 11:32

Gần đây, dư luận xôn xao trước việc công trình Trạm phát sóng Bạch Mai bị phá dỡ trước khi được lập hồ sơ công nhận là Di tích lịch sử văn hóa. Theo nhìn nhận của nhiều chuyên gia và nhà nghiên cứu di sản, sự việc này cho thấy một lỗ hổng lớn trong công tác quy hoạch và bảo tồn đối với các công trình có ý nghĩa lịch sử văn hóa.

Theo Phó GS.TS. Hà Đình Đức (Hội Di sản văn hóa Việt Nam), Trạm phát sóng Bạch Mai bị đập phá chính là một điều vô cùng đáng buồn. Sự việc cho thấy một lỗ hổng rất lớn trong công tác quy hoạch và bảo tồn các công trình có ý nghĩa lịch sử văn hóa giữa các bên liên quan. 

Ông lý giải, trước nay, phần lớn công tác bảo tồn công trình thường chạy theo các dự án. Người làm quy hoạch khi thiết kế dự án không tham khảo ý kiến của các nhà bảo tồn, đơn vị quản lý công trình lịch sử văn hóa nên mới có tình trạng nhiều dự án khi làm thì đụng đến các di tích. Thế nhưng lại đụng đâu đập đó xong rồi, khi nhận ra mới bắt đầu tính đến chuyện sửa sai. 

"Trạm phát sóng Bạch Mai giờ đập đi rồi mới yêu cầu khôi phục thì cũng chỉ là tát nước chữa cháy chứ không còn là câu chuyện phòng cháy nữa. Đây là một bài học đắt giá cho cả bên thiết kế dự án và bên quản lý công trình vì đã không có sự kết hợp với nhau từ trước đó" - Phó GS.TS Hà Đình Đức bày tỏ. 

Cùng nêu ý kiến về vấn đề trên, Phó GS.TS Nguyễn Văn Tiến - nguyên giảng viên Khoa Di sản văn hóa (Trường Đại học Văn hóa Hà Nội) chỉ ra, ngoài công trình Trạm phát sóng Bạch Mai, còn có rất nhiều di tích lịch sử văn hóa chưa được công nhận hoặc xếp hạng cần phải được bảo tồn.

Trạm phát sóng Bạch Mai có một gian ngoài cùng thuộc diện phải giải tỏa do nằm trong phần giải phóng mặt bằng đường Vành đai 2 nên được phép đập bỏ. Nhưng theo Phó GS.TS Nguyễn Văn Tiến, dù chỉ đập bỏ một phần cũng là xâm phạm đến toàn bộ công trình. Cơ quan làm công tác quy hoạch, đơn vị trực tiếp quản lý công trình lờ đi, không có sự thông báo hay liên hệ trước với ngành văn hóa. Đó là việc làm sai. 

Từ câu chuyện Trạm phát sóng Bạch Mai bị phá ngay trước ngày được lập hồ sơ công nhận là di tích lịch sử văn hóa, những nhà nghiên cứu và bảo tồn di sản cho rằng, ngay từ đầu, đơn vị xây dựng quy hoạch dự án đã phải để ý đến yếu tố văn hóa. Bên cạnh đó, phía ngành Văn hóa cũng cần phải có thái độ nhất định trong việc bảo tồn các công trình có ý nghĩa lịch sử văn hóa để tránh việc nhiều công trình đến khi được công nhận thì đã bị đập phá trước. 

Chưa dừng lại ở đó, theo các  chuyên gia, muốn bảo tồn được di tích thì công tác quản lý cấp cơ sở cần phải được siết chặt. 

Trở lại với Trạm phát sóng Bạch Mai, trước yêu cầu phải khôi phục lại nguyên trạng công trình của UBND quận Hai Bà Trưng, kiến trúc sư Trương Ngọc Lân - Phó Chủ tịch Hội Nghiên cứu - Bảo tồn kiến trúc hiện đại Việt Nam cho biết, việc khôi phục hình dáng của tòa nhà vừa bị phá dỡ không khó nhưng giá trị nguyên gốc ở những vị trí bị phá dỡ đã không còn nên giá trị tổng thể của công trình cũng bị mất đi. 

Được xây dựng năm 1912, Trạm phát sóng Bạch Mai là cụm công trình nhà gạch xây một tầng mái ngói. Công trình vừa mang giá trị về kiến trúc, vừa gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử của nước nhà nên rất cần được bảo tồn.

Tuy nhiên, công trình này đã bị đơn vị trực tiếp quản lý là Công ty Cổ phần Xây dựng thương mại và Dịch vụ văn hóa đập bỏ một phần ngôi nhà và tháo dỡ gần hết mái ngói của các gian còn lại. Đáng tiếc, sự việc xảy ra ngay trước ngày công trình được lập hồ sơ công nhận là di tích lịch sử văn hóa.

Kết quả một gian của ngôi nhà Trạm phát sóng Bạch Mai bị phá sập hoàn toàn, kết cấu ngôi nhà bị phá hủy nghiêm trọng, tường gạch bị gãy đổ, nứt lớn.

Trước sự việc trên, UBND quận Hai Bà Trưng đã có công văn yêu cầu đơn vị trực tiếp quản lý phải khôi phục lại nguyên trạng công trình trước ngày 20.2. Song thực tế, đến nay, công trình vẫn là một đống đổ nát.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn