MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều đại sứ thương hiệu thuộc gen 4 gây tranh cãi. Ảnh: Yonhap.

Tranh cãi từ việc làm đại sứ thương hiệu của các nhóm nhạc Kpop

Quy Sa LDO | 20/09/2023 09:50

Hiện nay, không khó để bắt gặp một nghệ sĩ được chọn làm đại sứ thương hiệu của một hoặc nhiều nhãn hàng. Việc trở thành đại sứ của các thương hiệu lớn là mơ ước của nhiều nghệ sĩ nhưng điều này cũng gây nhiều tranh cãi.

Xuất hiện ngày càng nhiều đại sứ

Blackpink là nhóm nhạc sở hữu tài nguyên thời trang đồ sộ nhất Kpop. Nhóm có nhiều năm tiếp xúc với đa dạng các nhãn hàng thời trang.

Blackpink có sức ảnh hưởng mạnh mẽ trong lĩnh vực thời trang. Ảnh: Twitter.

Lisa mất gần 2 năm tiếp xúc với Celine, Jennie phải cạnh tranh với nhiều nghệ sĩ khác để có thể trở thành đại sứ Chanel. Những ngày đầu, Jisoo và Rosé đồng hành cùng Dior, YSL với cương vị như nàng thơ, sau đó cả hai mới trở thành đại sứ.

Trái với sự khó khăn của các thần tượng thế hệ Gen 2, Gen 3 thì khi đến thế hệ thứ 4, nhiều đại sứ được chọn khá chóng vánh và dễ dàng. Điển hình như nhóm nhạc nữ aespa dù chỉ mới ra mắt được 2 tháng nhưng đã nhanh chóng trở thành đại sứ toàn cầu của Givenchy. Hay như trường hợp của  NewJeans. Sau khi ra mắt vài tháng, các thành viên lần lượt trở thành đại sứ của Gucci, Dior... Danh phận của cả 2 nhóm đều gây tranh cãi bởi vì trước đó họ chưa từng tiếp xúc với nhãn hàng.

Bên cạnh đó, còn có hàng loạt những cái tên như ITZY - đại sứ toàn cầu của Charles & Keith; Jang Won Young (IVE) - đại sứ Miu Miu và FRED; NMIXX làm đại sứ Loewe...

Lợi ích khi trở thành đại sứ thương hiệu

Nhiều thần tượng Kpop chạy đua làm đại sứ cũng bởi vì những lợi ích mà nó mang lại có tác động tích cực đối với việc phát triển danh tiếng của nghệ sĩ.

Khi trở thành đại sứ thương hiệu toàn cầu hình ảnh của nghệ sĩ có thể xuất hiện ở nhiều nơi trên thế giới cùng với việc quảng bá sản phẩm của nhãn hàng.

Rosé (Blackpink) phủ sóng hình ảnh của nhiều thương hiệu lớn. Ảnh: Twitter.

Các thần tượng thường xuyên được thương hiệu "đẩy" bìa tạp chí, được tài trợ trang phục biểu diễn hay ngay cả trang phục thường ngày cũng là những bộ quần áo xa xỉ hoặc các mặt hàng chưa được tung ra trên thị trường.

Bên cạnh đó, nếu nghệ sĩ có sức ảnh hưởng mạnh mẽ trong âm nhạc cũng như thời trang thì sẽ góp mặt trong những chiến dịch toàn cầu của hãng cùng các tên tuổi lớn trên thế giới.

Điển hình là mới đây Rosé (Blackpink) xuất hiện bên cạnh tay đua F1 Lewis Hamilton và cầu thủ Kylian Mbappé trong chiến dịch của thương hiệu vali cao cấp Rimowa.

Sự hợp tác giữa thương hiệu và nghệ sĩ chính là đôi bên cùng có lợi, bởi thông qua mức độ ảnh hưởng và khả năng tương tác cao với công chúng, nghệ sĩ có thể giúp nâng cao hình ảnh doanh nghiệp, doanh thu thương hiệu và việc trở thành đại sứ thương hiệu cũng giúp nâng giá trị thương mại cho nghệ sĩ.

Những tranh cãi

Mặc dù mang đến cho nghệ sĩ lợi ích về nhiều mặt nhưng việc trở thành đại sứ các nhãn hàng cũng gây nhiều tranh cãi bởi nhiều thần tượng Kpop đang ở lứa tuổi còn nhỏ.

Dù còn nhỏ tuổi nhưng các thành viên NewJeans đã là đại sứ của nhiều hãng thời trang lớn. Ảnh: Twitter.

Gần đây trên các diễn đàn mạng xã hội Hàn Quốc nhiều phụ huynh đã bày tỏ sự lo lắng về những tác động tâm lý tiêu cực đến giới trẻ, nhiều fan nhỏ tuổi sẽ bị ảnh hưởng và chi số tiền lớn mua những món đồ xa xỉ từ các thương hiệu để ủng hộ thần tượng.

Trước đó vào năm 2020, hãng thời trang S'FD đã thực hiện một cuộc khảo sát với 783 học sinh. Trong đó có 56,4% cho biết từng mua các sản phẩm cao cấp.

Các thương hiệu xa xỉ nhắm đến nhiều thần tượng nhỏ tuổi có sức ảnh hưởng lớn nhằm thu hút người mua sắm trẻ tuổi. Điều này tạo nên tác động đến người hâm mộ khi họ luôn dõi theo và muốn giống với thần tượng của mình.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn