MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nghệ nhân tranh làng Sình hướng dẫn du khách tự tay làm ra những sản phẩm đơn giản nhưng không kém phần đặc sắc. Ảnh: Phúc Đạt.

Tranh làng Sình - Nét đẹp tâm linh của vùng đất Cố đô Huế

ANH TUẤN LDO | 14/02/2024 08:39

HUẾ - Vốn là một làng có lịch sử lâu đời ở xứ Thuận Hóa xưa, trải qua biết bao sự biến thiên của thời cuộc, tranh làng Sình vẫn nối tiếp phục vụ cho nhu cầu tín ngưỡng vào các dịp cúng bái, lễ, Tết của người dân Cố đô Huế.

Cách trung tâm TP. Huế khoảng 9km, xuôi theo dòng sông Hương, làng Lại Ân có tên Nôm là Sình (thuộc xã Phú Mậu, TP Huế). Được biết đến như là một làng văn vật của đất cố đô, vốn nổi tiếng gần xa với nghề làm tranh dân gian và hội vật được tổ chức vào ngày mồng Mười tháng Giêng Âm lịch hằng năm.

Làng được hình thành khá sớm ở Đàng Trong. Nằm ven sông Hương và đối diện bên kia sông là Thanh Hà, một thương cảng nổi tiếng nhất nhì vào thời các chúa Nguyễn ở Đàng Trong.

Người dân ở đây sống chủ yếu về làm ruộng, bên cạnh đó có một bộ phận không nhỏ những người làm nghề thủ công như đan lát, làm nón, làm giấy.

Tranh làng Sình được biết tới là một trong những nhân chứng sống có bề dày lịch sử lâu đời ở xứ kinh kỳ. Dù đã trải qua rất nhiều thăng trầm của thời gian, tranh làng Sình ngày nay vẫn còn tồn tại và được gìn giữ phát triển. Ảnh: Phúc Đạt.

Ngoài ra, làng còn có nghề làm hương, làm hạt bỏng để cúng. Có lẽ do những truyền thống này mà nghề in tranh mộc bản ở Sình, ngay từ khi ra đời đã không thuần túy là dòng tranh phục vụ cho các thú chơi tao nhã, mà chủ yếu là nhu cầu tín ngưỡng, dùng để thờ, để hóa trong các lễ cầu an, giải hạn.

Tranh làng Sình mang một tín ngưỡng dân dã, nhưng thông qua chất liệu, màu sắc, chủ đề, đường nét, bố cục, tranh làng Sình đã tạo nên một nét đặc thù, không chỉ trong khía cạnh thẩm mỹ, mà nội dung tranh còn biểu lộ một thái độ, một quan niệm, một nếp sinh hoạt con người ở đây trước thiên nhiên, xã hội, lịch sử, văn hóa của quê hương mình.

Xét về mặt kỹ thuật, tranh Sình có nhiều điểm tương đồng với tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống nên ta cũng không loại trừ khả năng cho rằng, trong quá trình di cư vào Đàng Trong, những nghệ nhân đã đem theo nghề của tổ tiên để làm kế sinh nhai ở vùng đất mới.

Tranh làng Sình truyền thống hoàn toàn làm thủ công. Các công đoạn làm giấy, pha màu được làm hết sức tỉ mẩn, công phu. Tranh thường được in hoặc vẽ trực tiếp lên giấy. Loại giấy phổ biến thường được các nghệ nhân làm tranh dùng nhiều hơn cả là giấy dó, từ loại giấy này có thể làm ra giấy điệp.

Ông Kỳ Hữu Phước - nghệ nhân làm tranh có tiếng tại làng Sình đang say sưa tạo ra những bức tranh đầy thẩm mỹ. Ảnh: Phúc Đạt.

Nếu như trước đây, tranh làng Sình chủ yếu chỉ phục vụ thờ cúng, tín ngưỡng, thì nay ngoài tranh thờ cúng còn có thêm thể loại tranh trang trí, với các chủ đề như tranh Bát âm, tranh mùa màng, tranh sinh hoạt.

Tranh Sình trước đây thường chỉ làm vào dịp sát Tết, khi nhu cầu cúng giải hạn của người dân tăng cao. Hơn nữa, đây cũng là mùa mà việc đồng áng tạm thời rảnh rỗi. Thường thì các thành viên trong gia đình đều cùng nhau làm.

Do tranh Sình có đặc điểm là khi tô màu, mỗi vị trí trên bức tranh đều có một màu cố định nên việc phân công như vậy sẽ dễ dàng hơn trong việc làm tranh. Tùy vào mức độ tinh xảo và cầu kỳ của từng bộ phận trong một bức tranh để có sự phân công công việc phù hợp giữa các thành viên.

Sau khi làm tranh xong, người dân chở ra khỏi làng để bán, có những người chở đi rất xa, lên chợ phố hay các chợ trên toàn tỉnh. Ngoài đi bỏ mối ở chợ, tranh Sình cũng được người dân đem đi bán dạo.

Và cứ thế, mỗi độ Tết đến Xuân cũng vừa sang, tranh làng Sình lại lặng lẽ tô thắm cho vẻ đẹp của xứ Huế, phản ánh nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh, một đặc trưng tiêu biểu cho những nét tạo hình hội họa dân gian của vùng đất kinh kỳ một thời. Góp phần không nhỏ vào việc giáo dục ý thức cũng như văn hóa truyền thống cho thế hệ mai sau, để những giá trị văn hóa dân gian sẽ mãi trường tồn, sống mãi cũng thời gian.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn