MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

5 triệu người được đề xuất tăng lương từ 1.1.2015

Phi Long LDO | 07/11/2014 22:49
Thủ tướng Chính phủ vừa ủy quyền cho Bộ trưởng Bộ Tài chính ký tờ trình báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét đề xuất tăng lương. Theo đó có ba nhóm đối tượng được đề xuất tăng lương từ ngày 1.1.2015 gồm người nghỉ hưu; người hưởng trợ cấp ưu đãi người có công; cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang.

Theo thống kêu thì đề xuất tăng lương trên sẽ cải thiện thu nhập cho gần 5 triệu người, chiếm 2/3 tổng số đối tượng hưởng lương và trợ cấp từ ngân sách nhà nước. 

Có 3 phương án tăng lương được đề xuất. Theo đó, phương án 1: Điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,15 triệu đồng/ tháng lên 1,24 triệu đồng/ tháng. Tổng kinh phí cho việc tăng thêm khoảng 33.000 tỉ đồng. 

Phương án 2: Chỉ tăng 8% đối với lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công và lương đối với bộ phận công chức, viên chức, lực lượng vũ trang có thu nhập thấp, tổng kinh phí tăng thêm khoảng 11.000 tỉ đồng. 

Phương án 3: Chỉ thực hiện điều chỉnh lương hưu và trợ cấp ưu đãi người có công tăng 10%. Nhu cầu kinh phí tăng thêm khoảng 6.700 tỉ đồng.

 

Nếu đề xuất tăng lương trên được phê duyệt,sẽ có 5 triệu người được tăng lương từ 1.1.2015

Về việc Thủ tướng đồng ý đề xuất tăng lương, ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) cho rằng nếu ngân sách cân đối được thì trợ cấp cho những người hưởng lương thấp và cán bộ hưu trí, đặc biệt là cán bộ hưu trí mà có mức lương thấp từ năm 1993 trở về trước. Nếu tính toán kỹ lại nguồn chi thường xuyên, tiết kiệm các khoản chi thì khả năng tăng lương cơ sở là đảm bảo được, tạo sự động viên cho cán bộ công chức. 

Cũng theo bà Tâm, năm 2015 phải quyết liệt tinh giảm biên chế, tổ chức lại bộ máy. Quan trọng nhất là tổ chức lại bộ máy tránh trùng lấn chức năng nhiệm vụ, tầng lớp trung gian, chỉ gây phiền hà thêm chứ không giải quyết được vấn đề gì, gây phình bộ máy ra. Cứ để thế này thì phải chi phí cho bộ máy quá lớn. Chính phủ đã lắng nghe ý kiến của đại biểu, cử tri, việc cân đối phải phụ thuộc vào tình hình. Đại biểu đặt vấn đề trong chi thường xuyên thì cái nào cần ưu tiên, xem xét, trong đó chi cho tăng lương có phải ưu tiên không, bởi đó là chi cho con người, đảm bảo tối thiểu đời sống cho người lao động.

"Ngoài ra, phải xem mình đã thực sự tiết kiệm chi ngân sách chưa, chứ hiện nay các hoạt động hội nghị, hội thảo, khánh thành, cái khánh tiết còn lãng phí lắm, Chính phủ đã chỉ đạo từ lâu rồi nhưng chưa được làm nghiêm. Tôi nghĩ nếu làm tốt những cái đó thì cũng có nguồn tăng lương cho người lao động" - bà Tâm nhấn mạnh.

Trước đó, phát biểu trước Quốc hội, Chủ tịch TLĐLĐ Việt Nam Đặng Ngọc Tùng đã nhấn mạnh việc cần tăng lương cho người lao động. Theo ông Đặng Ngọc Tùng: "Hiện có nhiều đại biểu đặt ra năm 2015 với ngân sách khó khăn như thế này có nên tăng hay không tăng lương cho người lao động thì tôi xin phép nêu quan điểm của tổ chức công đoàn và riêng cá nhân tôi, đó là năm 2015 bằng mọi cách chúng ta phải tăng lương cho người lao động".

 

Gợi ý dành cho bạn