MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Trao truyền và chấn hưng văn hoá

Mỹ Linh LDO | 19/06/2023 10:12

Tối 17.6, tại Ngọ Môn, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tổ chức Lễ kỷ niệm 30 năm Ngày Quần thể Di tích Cố đô Huế và 20 năm Nhã nhạc - Âm nhạc Cung đình Việt Nam được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá Liên Hợp Quốc (UNESCO) vinh danh là Di sản Văn hóa thế giới.

Tôi lại rất ấn tượng với hai từ của chủ đề của Lễ kỷ niệm: “Di sản cố đô Huế, trao truyền và hội tụ”. Đó là hai từ “trao truyền”.

Trong ngôn ngữ hàng ngày, thật ít khi người ta nói về “trao truyền”. Hoặc “trao”, hoặc “truyền”. Nhưng trong lĩnh vực văn hoá, trao truyền là một khái niệm đặc biệt trong các cụm từ “gìn giữ, bảo tồn và trao truyền”.

Văn hoá là một dòng chảy trong đời sống xã hội, những giá trị văn hoá tồn tại qua nhiều đời. Nhưng nếu không chăm chút công tác “trao truyền” thì dòng chảy này sẽ đứt đoạn, hoặc là sẽ bị tác động và đổi dòng bởi những tác động tiêu cực.

Đặc biệt trong quá trình gìn giữ, phát huy những giá trị văn hoá, nhất là công cuộc chấn hưng văn hoá đang được Đảng, Nhà nước chú trọng. Môi trường văn hóa lành mạnh thì xã hội ổn định, phát triển và ngược lại, khi văn hóa có biểu hiện xuống cấp, gây ảnh hưởng, tác động thiếu tích cực đến môi trường xã hội, đời sống xã hội; đặc biệt khi đất nước đứng trước những dấu mốc quan trọng, cần những động lực mạnh mẽ để thúc đẩy quá trình phát triển - tất yếu phải tiến hành chấn hưng văn hóa.

Các Nghị quyết của Đảng xác định “xây dựng thành công một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Tức là phân biệt rõ các giá trị tốt đẹp của văn hóa truyền thống dân tộc để chủ động, tích cực vừa gìn giữ, phát huy, vừa phân biệt rõ đâu là các biểu hiện văn hóa không phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc, phân biệt rõ đâu là các phản giá trị văn hóa. Nhận diện rõ để chủ động tiếp thu các giá trị tinh hoa văn hóa phù hợp của nhân loại trong quá trình giao lưu, hội nhập quốc tế.

Nếu không trao truyền, sẽ không có một nền văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, nền kinh tế tri thức, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đó là những giá trị của sức mạnh nội sinh tạo nên “sức mạnh mềm” quốc gia - dân tộc, là những giá trị gia tăng của các ngành công nghiệp văn hóa, của thị trường sản phẩm và dịch vụ văn hóa,... đặt ra yêu cầu phải có nhận thức đúng đắn, đầy đủ, toàn diện về phát triển văn hóa trong mối quan hệ với các lĩnh vực khác của đời sống xã hội, trong mục tiêu tổng thể vì sự phát triển bền vững, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, từ đó có hành động kịp thời, quyết liệt để chấn hưng văn hóa, làm cho các giá trị văn hóa tốt đẹp của quốc gia - dân tộc được đề cao và phát huy mạnh mẽ hơn, làm cho văn hóa hưng thịnh là yêu cầu tất yếu.
Trao truyền không chỉ là một nhiệm vụ mà sứ mệnh của những người làm văn hoá hôm nay để lan toả nhận thức lấy văn hóa làm điểm tựa cho các chính sách kinh tế - xã hội và phải lấy văn hóa làm tư tưởng xuyên suốt các chính sách đối ngoại, ngoại giao.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn