MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Du khách ngắm nhìn những bức tranh pháp lam tại triển lãm.

Triển lãm bộ tranh pháp lam độc bản minh họa truyện Kiều

PHÚC ĐẠT LDO | 25/06/2022 16:59

THỪA THIÊN HUẾ - Ngày 25.6, tại tầng hai tòa nhà Khải Tường Lâu - Cung An Định (TP.Huế), Công ty TNHH Pháp lam Huế tổ chức triển lãm Bộ tranh Kiều pháp lam độc bản.

Pháp lam là tên gọi của sản phẩm mỹ thuật có cốt bằng đồng, bên ngoài phủ nhiều lớp men, với những hình ảnh và màu sắc trang trí, rồi đem nung ở nhiệt độ cao mà tạo thành.

Do cách thức chế tác đặc biệt đó, nên pháp lam không chỉ đẹp về mặt hình thức mà còn có độ bền cao, có khả năng chống chịu trước sức va đập, hoặc sự ăn mòn của môi trường.

Vào thời Nguyễn, các nghệ nhân Việt đã tiếp thu kỹ thuật làm pháp lam từ Trung Quốc, rồi biến hóa thành kỹ thuật pháp lam Huế.

Một góc triển lãm. 

Năm Đinh Hợi 1827, vua Minh Mạng đã cho lập Pháp lam tượng cục, cơ quan chuyên lo việc sản xuất đồ pháp lam. Đó là mốc lịch sử đánh dấu sự xuất hiện chính thức của nghệ thuật pháp lam Huế. Tính đến nay đã tròn 195 năm.

Các nghệ nhân pháp lam thời Nguyễn đã sử dụng pháp lam như một thứ vật liệu kiến trúc để xây dựng các công trình của triều đình ở Huế. Đó là các đồ án trang trí theo chủ đề rồng phượng, chim muông, hoa lá, phong cảnh, thơ văn, câu đối, và các họa tiết trang trí mang phong cách cổ điển.

Ngoài ra, các nghệ nhận còn ứng dụng pháp lam để sản xuất các đồ gia dụng, đồ tế tự và đồ lưu niệm dùng trong hoàng cung.

Nghệ thuật pháp lam Huế phát triển mạnh vào các triều vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức. Đến thời vua Đồng Khánh thì sa sút dần rồi mất hẳn.

Mãi cho đến những năm đầu thập niên 2000, một số nhóm nghiên cứu đã nỗ lực khôi phục lại kỹ thuật chế tác pháp lam Huế, nhằm phục vụ cho cuộc trùng tu di tích, và hồi sinh một ngành nghệ thuật độc đáo của Huế đã bị thất truyền.

 Những bức tranh có cốt bằng đồng rất đẹp, bền theo thời gian.

Trong số đó, công trình nghiên cứu của thạc sĩ Đỗ Hữu Triết và các cộng sự tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Pháp Lam Huế, đã đạt kết quả rất ấn tượng.

Không chỉ hồi sinh kỹ thuật pháp lam Huế, thạc sĩ Đỗ Hữu Triết và cộng sự còn dựa trên nền tảng của dòng Họa Pháp lam để nâng kỹ thuật pháp lam thành nghệ thuật tạo hình, nhằm sáng tạo nên những tác phẩm mỹ thuật. Và bộ tranh Kiều pháp lam ra mắt tại phòng triển lãm hôm nay chính là một trong những tác phẩm kỳ công của họ.

Bộ tranh này nguyên gốc là tranh minh họa truyện Kiều của họa sĩ Mạnh Hưng vẽ, trong sách “Truyện Thúy Kiều”, do nhà in Ngô Tử Hạ (Hà Nội) ấn hành năm 1925.

 Một bức tranh trong buổi triển lãm.

Từ những bức tranh vẽ theo lối minh họa, in đen trắng, các họa sĩ của Công ty TNHH Pháp lam Huế đã chuyển thể thành tranh màu trên chất liệu pháp lam, và chế tác theo kỹ thuật pháp lam Huế.

Bộ tranh Kiều pháp lam gồm 20 bức, mỗi bức có 1 câu thơ của truyện Kiều. Các họa sĩ pháp lam đã giữ nguyên đường nét và bố cục của tranh gốc, nhưng sáng tạo thêm màu sắc, và là thứ màu sắc rất lạ do kỹ thuật pháp lam mang lại.

Vì vậy, màu sắc của bộ Kiều pháp lam không còn bó hẹp trong khuôn khổ trang trí mà còn đạt đến sự phối màu hòa quyện của hội họa. Đặc biệt, bộ tranh này là tác phẩm độc bản.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn