MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Triển lãm "Cảm xúc 2" của Trịnh Tú: Ghi lại những bình yên đẹp đẽ, và trao lại cho người

MINH THI LDO | 08/08/2017 06:14
Cứ tưởng cuộc đời xê dịch và bất định cùng những nghịch lý sẽ hút cạn dần cảm xúc và cung bậc màu sắc trong bảng màu tâm hồn của họa sĩ, nhưng không. Với Trịnh Tú thì ngược lại. Cái phức tạp biến ảo thành đơn giản; nỗi đau đớn lặn sâu thành bao dung, khoan hòa; con người trút bỏ chiếc áo tuổi tác để trở về tuổi thơ song với cái nhìn thông tuệ... 

“Cảm xúc 2”- phòng tranh của Trịnh Tú tại Gallery Đức Minh (TPHCM) từ 5-12.8 chính là 30 khoảnh khắc tái hiện thế giới nội tâm kiêu hãnh, đẹp và tối giản như thế.

Có thể nói Trịnh Tú có cái duyên lạ đối với hội họa, khi trải qua bao nhiêu năm làm báo, vẽ phẫu thuật, vẽ tranh biếm họa, tranh minh họa, viết phê bình nghệ thuật, đến cái tuổi “xưa nay hiếm”, ông lại quay trở về với giá vẽ. Bỏ qua hết mọi bề bộn cuộc sống, bỏ qua hết mọi sự thật xấu xí của cõi đời này, ông tự thanh lọc mình, lựa chọn những bảng màu bình yên nhất, trung tính mà kết hợp tinh tế hết mức có thể, để “giữ lại cho con mắt của mọi người những cái đẹp nhất của cuộc đời này”.

Cảm hứng đến, đầu tiên, từ cô con gái nhỏ của ông, đang là sinh viên trường mỹ thuật nổi tiếng ở Italia. 18 bức cho triển lãm “Cảm xúc 1” năm 2014 là dành tặng cho con gái năm cô bé 18 tuổi, như một cách tiếp sức cho con và cũng chính là sự đồng điệu về tâm hồn cha và con. Và đến năm 2017, cảm xúc lại tràn đầy, lần này với một dáng vẻ, gương mặt khác.

Một phòng tranh như mơ với bầu không khí yên bình, sự ẩn khuất nhưng luôn hiện diện sống động ngay bên cạnh của phố cổ, của triền đê, con đường mòn, sông Hồng, tĩnh vật ở những góc rìa chênh vênh, những nhân dáng muôn vẻ của cái đẹp... Không chỉ trong tranh phong cảnh, mà cả trong tranh nude của Trịnh Tú cũng có sự trút bỏ chiếc áo bên ngoài của đam mê thân xác, chỉ còn lại ranh giới mờ ảo của tinh thần phân thân: Những vẻ đẹp thoát tục, xa mà gần, ai cũng có thể thấy mà chạm không thể tới. Điều đó làm nên chiều sâu của mỗi bức tranh.

Nếu soi chiếu kỹ, có thể nhìn thấy góc nhìn mà Trịnh Tú chọn cho mình - không phải ai cũng có được. Dường như ở bến Bạc, rồi bãi bồi sông Hồng mà ông từng nhìn ngắm mê man ấy, ở cái nơi tưởng là “tận cùng thế giới” của yên bình ấy, họa sĩ đã trồi lên được cái bến của hạnh phúc. Chính vì thế, tranh của ông mang lại cho người xem cảm giác được tận hưởng sự bình yên của một người từng đi qua nhiều trăn trở, tuyệt vọng, giờ tìm được sự cân bằng, qua bảng màu tiết chế hài hòa, qua tình yêu quá lớn với cuộc đời.

Không che giấu cảm xúc của mình khi đến xem tranh, họa sĩ Hứa Thanh Bình bày tỏ sự kinh ngạc trước công suất làm việc liên tục của Trịnh Tú: “Từ các đề tài liên quan phong cảnh, tĩnh vật, chân dung hay con người, bề mặt của tác phẩm đều có tính tối giản, không cầu kỳ. Chính vì tối giản mà từ màu sắc, bố cục, đến ngôn ngữ hình ảnh đều đơn giản. Điều đó khiến người xem thấy thư giãn, nhẹ nhàng, không phải nhọc công tưởng tượng, ngẫm nghĩ. Nhẹ nhàng, ít sắc độ, nhưng có sự tinh tế rung động bên trong. Chính vì màu sắc, cách đặt vấn đề trong tác phẩm không đại ngôn, không đưa người ta vào các vấn đề nóng của xã hội, mà đặt vào đó tình cảm sâu lắng, sự từng trải hiểu biết, đã tạo nên chiều sâu của tranh. Dù là tranh phong cảnh hay khỏa thân, dù không phải ý tưởng gì cao siêu, người ta vẫn tìm thấy sự chín muồi của cây cọ, nét vẽ, qua nhiều thăng trầm của cuộc đời vẫn có thể tự chắt lọc, trải nghiệm và tìm thấy sự thăng hoa”.

Họa sĩ Trịnh Tú sinh năm 1949, là con của họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc (1912-1997) - sinh viên Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương thời kỳ đầu. Các anh em của ông đều là những tên tuổi lớn: Họa sĩ, dịch giả Trịnh Lữ, nghệ sĩ piano Trịnh Thị Nhàn...

Ngoài nghiệp vẽ mới “trỗi dậy”, Trịnh Tú là cây bút phê bình sắc nét, từng gắn bó 20 năm với báo Lao Động. Vì sự bình yên là của hiếm trong đời sống gấp gáp cực nhọc này, nên hễ ai đã mê tranh của ông, là phải tìm mua cho bằng hết. Song nghĩ cho cùng, mua sự bình yên đâu có dễ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn