MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Trong tủ sách Lao Động: Ngưng đọng dòng chảy thời gian

NGÔ THẢO (Nhà văn) - THẢO NHI (Thể thao Văn hóa) - ĐỖ QUANG HẠNH (Báo Lao Động) - ĐỖ DOÃN HOÀNG (Báo Lao Động) LDO | 14/08/2018 13:24

Hiếm một tòa báo nào mà cho đến bây giờ các phóng viên, biên tập viên vẫn “đều đều” ra sách như Lao Động. Dường như đó là truyền thống và cũng là cách để những người làm báo Lao Động lưu giữ lại cho mình, cho bạn đọc những bài báo hay, những bức hình đẹp.

Thời gian gần đây, tủ sách của Lao Động đã có thêm những cuốn sách quý của Đỗ Quang Hạnh, Nguyễn Huy Minh, Trần Việt Văn, Lê Anh Đạt. Qua lăng kính, góc nhìn của những đồng nghiệp, chúng tôi xin giới thiệu những cuốn sách này.

“Rửa tay cuối chiều” của Đỗ Quang Hạnh

“…Canh tác không đều vụ, trên mảnh sân nho nhỏ của mình, dăm bảy trăm con chữ, những bài viết ngắn, gọi là tạp văn của Đỗ Quang Hạnh đã gom, gói nhiều chuyện của đời sống, những mẩu vụn của nhiều kiếp, nhiều cảnh, nhiều mảnh đời để người đọc ngâm ngợi, nghĩ suy. Chất chuyện trong tạp văn của anh khá phong phú, bởi được kể từ nhiều vị trí, nhiều giọng điệu, nhiều nhân vật, không nhất thiết là chính tác giả. Những triết lý nhân sinh được suy ngẫm nhẹ nhàng làm nên sức cuốn hút khi tập hợp trong tập sách…

Mỗi tạp văn như một viên sỏi nhỏ ném xuống mặt nước phẳng lặng, những quầng sóng nhỏ lăn tăn còn lan xa mãi. Sau tất cả, gom lại hiện ra chân dung một nhà báo chịu khó đi nhiều, giao tiếp rộng, kiến văn vững vàng, biết tự châm biếm, giễu nhại để thấy người, thấy mình, để trong lẽ phải có người có ta”.

 

Huy Minh và Đi trẩy nước non

“…Đi trẩy nước non - tập Phóng sự điều tra - Bút ký ấy vẫn đậm “chất” Huy Minh, khó mà lẫn đi đâu được. Sau những con chữ sắc sảo về tư duy và đẫm tính nhân văn trong từng trang viết là tinh thần lao động không quản ngại khó khăn, sôi nổi, nhiệt thành, kiên trì của tác giả. Hơn thế, trong đó còn là tầng sâu lịch sử, văn hoá, địa chính trị và kiến thức về chính trị, kinh tế, quan hệ quốc tế...

Đọc Đi trẩy nước non của Huy Minh, tôi thấy từng con người, từng số phận và từng cảnh đời cứ như hiện hữu trước mắt, sống động, mênh mang. Đọng lại trong tôi sau mỗi tập Ký và Phóng sự là rất nhiều cảm giác đan xen: Ngạc nhiên, háo hức, đôi khi buồn ghê gớm nhưng lạ lùng là không có cảm giác thất vọng, có lẽ, bởi cái tình người thấm đẫm trong từng câu chuyện của Minh".

            
 

Việt Văn và “Mẹ tôi”

Việt Văn có lẽ không phải là tay máy nhăm nhăm chỉ rình rập, chụp bắt, lại càng không phải là người đi “sáng tác” theo kiểu bầy đàn, dàn hàng ngang chụp ảnh một đối tượng nhân vật, một phong cảnh nào đó như ta vẫn thường gặp. Chính vì thế tôi muốn nói rằng cuốn sách ảnh “Mẹ tôi” làm tôi thêm một lần nữa ngạc nhiên về anh. 

 “Mẹ tôi” hình như là cuốn sách ảnh đầu tiên về người mẹ của một tác giả Việt Nam. Việt Văn có lần kể với tôi về những ngày bà đau nặng, không thể ngồi dậy mà nhà chỉ có mình anh ở bên cạnh. Từ xưa đến nay không phải đứa con nào cũng có hiếu với bậc sinh thành. Vì thế tôi càng quý anh hơn, bởi cũng như nhiều người, cũng như anh, tôi thấy hạnh phúc và may mắn biết bao nếu còn mẹ. Anh đã làm được cho mẹ anh niềm vui lớn cuối đời, trong khi đó tôi không được như thế, khi mẹ tôi mất tôi mới ngoài 20, chưa làm được việc nào cho sự mong ước của mẹ mình…

 

Lê Anh Đạt - Người đi trong bão

Đi trong tâm bão của các phận người đang vật lộn kia, Lê Anh Đạt vẫn tóc bồng, kính cận, chỉn chu như bất cứ ông đồ xứ Nghệ Tĩnh nào. Và rồi anh khúc chiết ngẫm ngợi qua từng trang báo, trang sách. Vì sao bài của Đạt ngắn gọn, có khi chỉ vài ba trăm chữ? Ấy là anh dầm mình trong hiện thực, rồi chỉ tỉa lẩy ra một cái tứ ấn tượng nhất. Lê Anh Đạt có tài đóng đinh nó vào độc giả. Vì sao các bài dài hơn thì tác giả lại trích dẫn lời nhân vật và phỏng vấn dạng “bóc băng” nhiều thế? Tôi thấy đây là điều mang phong cách “Lê Anh Đạt” nhất ở cuốn sách này. Anh đã để nhân vật tự bộc lộ mình, dường như họ đã kết nối gần đến độ trực tiếp với độc giả. Lúc này, sự sắc sảo, tinh ranh của ngòi bút Lê Anh Đạt như là đã rút quân ra để làm công việc đạo diễn một cách ý nhị. Giống như anh để những người đi trong giông bão tự nguyện kể các câu chuyện đời họ với độc giả vậy…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn