MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Trước khi rời rạp vì Trấn Thành, phim của Lê Hoàng từng lập kỷ lục doanh thu chưa từng có

Bình An LDO | 05/03/2024 11:33

Bộ phim “Trà” của đạo diễn Lê Hoàng tiếp tục tính đường ra rạp trở lại sau khi phải rút lui trên đường đua phim Tết trước sức áp đảo của Trấn Thành.

Phim “Trà” của Lê Hoàng nhanh chóng rời rạp sau khi chỉ đạt doanh thu khoảng hơn 1 tỉ đồng, bị “Mai” của Trấn Thành áp đảo hoàn toàn các suất chiếu.

“Trà” của Lê Hoàng còn bị chê về kịch bản đầy lỗ hổng, phi lý, diễn xuất yếu của dàn diễn viên, trong đó nhân vật Chích (Đoàn Trinh) còn cho thấy sự non kém, thảm họa. Phim được ví là thất bại tiếp theo của Lê Hoàng kể từ “S.O.S Sói trắng” năm 2017.

Sau 7 năm trở lại màn ảnh, Lê Hoàng bị chê về tư duy làm phim cũ kỹ. Kịch bản được xây dựng theo “cá tính” riêng của anh, bất chấp tính logic cần có.

Kỳ tích doanh thu của Lê Hoàng

Trước khi bị Trấn Thành áp đảo về suất chiếu, buộc phải rời rạp, Lê Hoàng từng có quá khứ là đạo diễn công phá phòng vé, lập kỷ lục doanh thu chưa từng có như Trấn Thành. Đặc biệt hơn, tác phẩm giúp Lê Hoàng lập kỳ tích doanh thu lại thuộc dòng "phim nhà nước", do Hãng phim Giải phóng sản xuất.

Những năm đầu thập niên 2000, các hãng phim nhà nước rơi vào khó khăn, khi chỉ trông chờ vào đồng tiền Nhà nước “rót” cho. Số tiền nhà nước đặt hàng phim, sau khi về hãng, được chia thành nhiều khoản, trong đó có cả trả lương cho cán bộ nhân viên, số còn lại sản xuất phim.

Chất lượng phim suy giảm, ra rạp không ai xem. Cơ chế bao cấp không còn phù hợp với tốc độ thị trường, sự thay đổi trong thị hiếu xem phim của khán giả.

Trong sự xoay vần của thời thế, Hãng phim Giải phóng thể hiện sự mạnh tay đầu tư và bước ngoặt thay đổi trong tư duy làm phim khi cho ra rạp “Gái nhảy” – do Lê Hoàng đạo diễn.

Cảnh trong phim “Gái nhảy” của Lê Hoàng. Ảnh: Chụp màn hình

“Gái nhảy” xoay quanh cuộc sống của những cô gái làm công việc đặc thù, nhiều tai tiếng ở vũ trường. Phim có tên ban đầu là “Trường hợp của Hạnh”, với sự tham gia diễn xuất của Minh Thư (vai Hạnh), Mỹ Duyên (vai Hoa)... Phim công phá phòng vé từ Nam ra Bắc, “Gái nhảy” lập kỷ lục doanh thu với gần 13 tỉ đồng thời điểm cách đây hơn 20 năm.

Thành công có được từ “Gái nhảy” đã giúp tên tuổi Lê Hoàng trở nên đắt giá. Lê Hoàng và Hãng phim Giải phóng tiếp tục với “Gái nhảy 2”.

Bản thân Lê Hoàng được nhiều hãng phim tư nhân mời gọi hợp tác với các dự án Nữ tướng cướp, Trai nhảy... Lê Hoàng trở thành một tên tuổi của dòng phim thị trường khi doanh thu trở nên sống còn với các dự án ra rạp.

Những thành công vang dội phòng vé khiến nhiều tác phẩm, kịch bản của Lê Hoàng được nhắc nhớ. Thập niên 1990 khi dòng phim mì ăn liền hưng thịnh, ở vai trò tác giả kịch bản, Lê Hoàng từng giúp “Vị đắng tình yêu” trở thành tác phẩm ăn khách bậc nhất.

Lê Hoàng sinh năm 1956 tại Hà Nội. Thời trẻ, ông nổi tiếng sắc sảo, cá tính, có những góc nhìn riêng biệt không giống ai. Lê Hoàng từng học Đại học Xây dựng Hà Nội, sau đó chuyển sang học Quay phim tại Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội.

Sau khi vào Thành phố Hồ Chí Minh, Lê Hoàng làm việc cho Hãng phim Giải phóng. Giai đoạn đầu sự nghiệp, Lê Hoàng có nhiều tác phẩm gây tiếng vang như: Lưỡi dao, Lương tâm bé bỏng, Ai xuôi vạn lý, Chiếc chìa khóa vàng...

“Gái nhảy” đánh dấu bước ngoặt lớn trong sự nghiệp làm phim và đánh dấu sự chuyển mình trong tư duy, cách tiếp cận đề tài làm phim của Lê Hoàng.

Phim “Trà” bị chê về cách làm phim cũ. Ở thời sung sức của mình, Lê Hoàng từng để lại nhiều dấu ấn với cả dòng phim nghệ thuật như Ai xuôi vạn lý, Lưỡi dao... đến dòng phim thương mại như “Gái nhảy“. Ảnh: Nhà sản xuất

"Phim nhà nước" và câu hỏi để ngỏ suốt 20 năm

Tuy nhiên, ở thời điểm năm 2003, khi “Gái nhảy” công phá màn ảnh, Lê Hoàng và Hãng phim Giải phóng đã phải đứng giữa muôn chiều tranh cãi.

Ý kiến bênh vực cho rằng, phim nhà nước cần thay đổi, cần tiếp cận thị trường.

Nhưng cũng rất đông các đạo diễn thuộc dòng phim Nhà nước cho rằng, “Gái nhảy” đang thương mại hóa phim ảnh, thậm chí còn có nhiều ý kiến nặng nề chỉ trích “Gái nhảy” có đề tài “rẻ”, chỉ hòng kiếm lợi.

Năm 2003, dù đoạt doanh thu khủng, nhưng tại các lễ trao giải về chuyên môn, “Gái nhảy” luôn thua cuộc trước “Lưới trời” – một tác phẩm về góc tối xã hội của đạo diễn Phi Tiến Sơn (người hiện được chú ý với Đào, phở và piano).

Hơn 20 năm sau, khi một tác phẩm khác của đạo diễn Phi Tiến Sơn bất ngờ gây sốt phòng vé, giữa bối cảnh các hãng phim nhà nước điêu đứng vì nợ thuế, thua lỗ, cổ phần hóa... Câu chuyện phim nhà nước đặt hàng cần tìm đề tài, tiếp cận khán giả, cần sinh lời lại được bàn tiếp, nhưng, vẫn chưa có câu trả lời cuối cùng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn