MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cổ động viên Việt Nam cổ vũ cho đội tuyển tại vòng loại thứ 2 World Cup 2022 khu vực Châu Á diễn ra ở UAE. Ảnh: Trung Thu

Trước khi xuất ngoại cần trang bị văn hóa bản xứ

Th.s Lý Viết Trường (Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển, ĐHQGHN) LDO | 30/08/2022 10:00

Mỗi dân tộc, quốc gia đều có những đặc trưng văn hóa riêng, thể hiện thông qua cách ứng xử của mỗi cá nhân trong cộng đồng. Vậy nên, trước khi xuất ngoại mỗi người cần trang bị cho mình những kiến thức căn bản về văn hóa của người bản xứ.

Văn hóa là đa dạng

Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, số lượng người Việt ra nước ngoài du lịch, lao động, học tập... ngày càng đông. Rất nhiều người đã góp phần đưa văn hóa Việt Nam quảng bá ra thế giới, góp phần làm đẹp thêm hình ảnh đất nước Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn không ít người do thiếu kiến thức về văn hóa nước sở tại, đã có những hành vi ứng xử thiếu văn hóa, thậm chí vi phạm pháp luật.

Tại Hội nghị quán triệt và triển khai kết luận 12 và nghị quyết 169 về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, tổ chức ngày 29.6, Thượng tướng Lương Tam Quang - Thứ trưởng Bộ Công an cho biết: “Chỉ riêng từ năm 2018 đến nay, Bộ Công an đã phối hợp điều tra, xác minh, xử lý gần 800 vụ việc theo yêu cầu của các nước liên quan đến công dân Việt Nam vi phạm pháp luật ở nước ngoài, xác minh và tiếp nhận hơn 25.000 trường hợp bị nước ngoài trục xuất”.

Văn hóa là sự khác biệt, không phân chia cao thấp. Mỗi tộc người và cộng đồng có cách hiểu riêng về văn hóa, phụ thuộc vào những nhận thức về môi trường sống và thực hành hằng ngày của họ, vì vậy, mỗi nền văn hóa luôn chứa đựng trong nó sự đa dạng. Văn hóa có câu “Nhập gia tùy tục, đáo giang tùy khúc”, với ý răn dạy người ta đến nơi nào phải theo phong tục của nơi đấy.

Trong danh sách những thứ cần chuẩn bị trước khi xuất ngoại, ngoài những điều kiện cần như hộ chiếu, giấy tờ, trang phục, đồ dùng y tế… thì văn hóa bản xứ cần phải được chú trọng. Làm được như vậy, khi ra ngoài chúng ta sẽ tránh được những sự cố bất ngờ ở nơi đất khách quê người.

“Nhập gia tùy tục, đáo giang tùy khúc”

Mỗi đất nước tùy vào điều kiện tự nhiên và hoàn cảnh lịch sử mà họ có những đặc trưng văn hóa riêng, vậy nên tìm hiểu những quy ước văn hóa của đất nước mà ta sắp đặt chân đến để tránh vi phạm là vô cùng quan trọng. Với kinh nghiệm hơn 10 năm sống ở Châu Âu, GS.TS Phạm Hồng Tung - Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển (ĐHQGHN) nhận định: “Đôi khi những sự “hiểu lầm” về văn hóa sẽ đẩy bạn vào tình thế khó xử, hoặc thậm chí bị vu oan giá họa. Sự thiếu hụt văn hóa rất dễ gây nên sự hiểu lầm và mang họa”.

Một trong những khía cạnh văn hóa bạn cần phải lưu ý đó là cách xưng hô, lời chào và ứng xử khi ăn uống. Trong văn hóa phương Tây, khi mời khách uống rượu người mời nên hỏi xem khách có thích uống rượu không, rượu loại gì? Sau đó chọn rượu theo sở thích của nhiều người, nên ưu tiên gọi loại rượu phù hợp với món ăn và bữa tiệc. Chủ tiệc có thể nếm thử rượu trước hoặc nhờ khách nếm thay cho mình. Mời nhau uống rượu thể hiện sự trân trọng, nhưng tuyệt đối không nên ép rượu.

Ở Trung Quốc, trong khi nói chuyện uống trà bạn sẽ được chủ nhà châm trà cho ngay khi chén của bạn vừa cạn và cứ liên tục như vậy. Đây được coi là thể hiện phép lịch sự và sự hiếu khách của họ. Nếu bạn không muốn uống nữa, thì đừng từ chối mà hãy uống thật chậm chén trà của mình.

Văn hóa ứng xử khi sống ở nước ngoài là vô cùng quan trọng, ngoài sự khéo léo bạn còn phải chú ý đến những quy tắc của văn hóa địa phương. Ở Châu Âu khi bạn thấy một phụ nữ xách đồ nặng, nếu bạn không giúp họ thì có thể sẽ bị trách, bị coi thường. Nhưng hãy nhớ trước khi đưa tay xin xách giúp bạn phải xin phép, nếu người đó vui vẻ cảm ơn thì bạn có thể giúp họ, ngược lại nếu họ cảm ơn và từ chối vì không muốn bị coi là già yếu thì thôi.

Người phương Tây rất thích khen ngợi người khác, đồng thời cũng vui vẻ đón nhận sự khen ngợi từ mọi người xung quanh. Tuy nhiên họ không thích bị hỏi những thông tin liên quan đến cá nhân, tuổi tác, cân nặng, tiền bạc, tôn giáo, chính trị… Ngược lại ở một số đất nước Đông Á như Trung Quốc, Nhật Bản người ta thường không thích khen ngợi trong lần gặp đầu tiên.

Ở Châu Âu vấn đề quan hệ tình dục là khía cạnh hết sức nhạy cảm và phức tạp, sự đồng thuận là nguyên tắc tối thượng. Văn hóa ở châu lục này mặc dù rất thoáng, nhưng bạn phải luôn nhớ rằng nếu muốn vào phòng ai, vào chỗ ở của ai, thậm chí bạn chỉ muốn ngồi cạnh ai đó (khi đi tàu xe hoặc ở nhà hàng) thì hãy nhớ xin phép. Trong mọi trường hợp bạn chỉ được vào chỗ ở, ngồi vào bàn khi đối phương đã đồng ý. Nếu không bạn sẽ gặp phiền toái, nhẹ là bị coi thiếu lịch sự, nặng là phạm pháp.

Văn hóa là đa dạng, không phân biệt cao thấp, mỗi đất nước có có một đặc trưng văn hóa riêng. Các cụ ta vẫn dạy “nhập gia tùy tục”, vậy nên trước khi xuất ngoại chúng ta nên tìm hiểu kỹ về văn hóa nước đó để tránh những “tai nạn” bất ngờ nơi đất khách quê người.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn