MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chuyên gia văn hóa, PGS.TS Phạm Ngọc Trung cho rằng, không nên quá tự kiêu, nếu có lỗi phải xin lỗi.

TS Đoàn Hương phát ngôn vạ miệng: Không nên đề cao mình, nếu có lỗi phải xin lỗi

Nguyễn Hà LDO | 02/12/2017 12:27
Bàn về phát ngôn “đám quần chúng” của TS Đoàn Hương trên sóng truyền hình vừa qua cũng như những phát ngôn của nhiều người trước đó bị dư luận “ném đá”, chuyên gia văn hóa, PGS.TS Phạm Ngọc Trung cho rằng, nếu có lỗi thì phải xin lỗi. 

Chuyên gia văn hóa, PGS.TS Phạm Ngọc Trung đã nêu quan điểm rất rõ ràng trước hàng loạt phát ngôn vạ miệng khiến dư luận xôn xao gần đây.

Theo PGS.TS Phạm Ngọc Trung, trong ngôn ngữ giao tiếp nói chung, đặc biệt là ngôn ngữ giao tiếp ứng xử trên truyền thông, đòi hỏi phải có sự suy nghĩ kỹ càng và sự trình bày ngôn từ chính xác. Nếu trình bày chủ quan, võ đoán hay vội vàng sẽ dẫn đến những hiểu nhầm của công chúng, đây là điều rất đáng tiếc.

PGS.TS Phạm Ngọc Trung cho rằng, khi trình bày một vấn đề hay câu từ nào đó chưa được rõ nghĩa dẫn đến sự hiểu nhầm của công chúng thì phải có sự trình bày lại. Hoặc nếu như thấy đó là sự sơ suất về mặt quan niệm hoặc chuyên môn hay ngôn từ thì nên có lời xin lỗi công chúng để dư luận hiểu mình hơn.

Trong quá trình làm việc không thể tránh khỏi những tai nạn hoặc đôi khi những suy nghĩ dùng từ chưa đúng chỗ. Ở các quốc gia khác như Nga, Mỹ, Anh hay Pháp khi phát ngôn trên trường quốc tế có sự sai sót thì họ đều thanh minh và xin lỗi, đó là việc hết sức bình thường.

“Trong sinh hoạt văn hóa hiện đại ngày nay, chúng ta không nên đề cao mình quá mức, không nên có sự tự kiêu hay nhìn nhận một vấn đề nào đó một cách quá cực đoan, không nên đề cao mình lên trên hết và không coi người khác ra sao, đó là điều hết sức hạn chế và không nên tồn tại trong sinh hoạt hiện đại ngày nay” – PG.TS Phạm Ngọc Trung khẳng định.

Theo PGS.TS Phạm Ngọc Trung, văn hóa xin lỗi ở Việt Nam có lịch sử rất lâu đời, nhưng dưới sự biến đổi của xã hội hiện nay thì lời xin lỗi có nhiều biến tướng và thái cực khác nhau. Có những người biết mình sai và xin lỗi thực sự, thành tâm để sửa chữa, nhưng cũng có trường hợp chỉ xin lỗi qua loa nhằm xoa dịu dư luận, cũng có trường hợp xin lỗi để đánh bóng mình chứ bản thân không hề có ý thức về việc mình có lỗi.

Điều này phụ thuộc vào cách nhìn nhận, cách ứng xử của từng người, nếu nói sai mà nhận thức được việc mình sai là điều rất tốt, rất tiến bộ và điều đó tốt cho mình trong mọi chuyện sau này. Biết lỗi và biết xin lỗi thì mới sửa được lỗi, còn nếu cứ bảo thủ và dấn thân quá sâu vào những hiểu nhầm hay mâu thuẫn với công chúng và truyền thông thì rất không tốt. Nếu có lỗi và xin lỗi để sửa chữa là rất tốt, có như thế xã hội mới phát triển được. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn