MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cảnh hoang tàn ở Hãng phim truyện Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Huế

Từ "Chung một dòng sông" đến cảnh hoang tàn ở Hãng phim truyện Việt Nam

DIỆU LINH LDO | 17/03/2023 18:57

Trong cảnh hoang tàn ở Hãng phim truyện Việt Nam, bức ảnh  về bộ phim "Chung một dòng sông" khiến khán giả tiếc nuối về một thời hoàng kim của điện ảnh Việt Nam. 

Ngay sau "tiếng khóc" của NSND Trà Giang tại lễ kỷ niệm 70 năm Điện ảnh cách mạng Việt Nam, những phóng viên đã tìm đến Hãng phim truyện Việt Nam ở số 4 Thụy Khuê, Hà Nội. Những hình ảnh hoang tàn, đổ nát, xập xệ hiện ra như những thước phim đầy bi kịch. 

Trong một căn phòng bám bụi, đồ đạc xếp ngổn ngang, phóng viên có ghi lại hình ảnh một khung tranh treo trên tường với những hình ảnh của bộ phim "Chung một dòng sông".

Đấy là bộ phim truyện nhựa đầu tiên của điện ảnh Cách mạng Việt Nam. Bộ phim đánh dấu sự ra đời và phát triển rực rỡ của phim truyện điện ảnh Cách mạng Việt Nam suốt những năm tháng chiến tranh gian lao, vất vả.

Bộ phim đã đặt ra tiêu chí, định hướng cho dòng phim cách mạng trong chặng đường phát triển về sau. 

Với những giá trị đặc biệt, bộ phim đã nhận giải thưởng Bông Sen Vàng tại LHP Việt Nam lần thứ 2 năm 1973. 

Sau đấy, một loạt những phim điện ảnh kinh điển Việt Nam đã ra đời như: "Vĩ tuyến 17 ngày và đêm", "Làng Vũ Đại ngày ấy", "Bao giờ cho đến tháng 10", "Thương nhớ đồng quê", "Con chim Vành Khuyên", "Vợ chồng A Phủ"... 

Những bộ phim đã đưa điện ảnh Cách mạng Việt Nam bước vào thời kỳ vàng son. Và nhắc lại điều đó để nhìn vào thực tại, cảnh hoang tàn ở Hãng phim truyện Việt Nam khiến không ít nghệ sĩ xót xa. 

Vì thế mà  trong lễ kỷ niệm 70 năm Điện ảnh cách mạng Việt Nam ở Nhà hát Lớn, một ngày vui nhưng NSND Trà Giang đã không khỏi nghẹn ngào với những lời tâm sự trong nước mắt.

Bà nói rằng, khi từ TPHCM ra Hà Nội đã đến thăm lại Hãng phim truyện Việt Nam. Nơi từng có 600 anh chị em cán bộ, công nhân làm hàng chục bộ phim mỗi năm đã trở thành hoang tàn, đổ nát. '

Đấy là chưa kể, vào cuối năm 2022, người trong nghề đã rất lo lắng khi 300 phim nhựa lưu trữ tại Hãng phim truyện Việt Nam đứng trước nguy cơ bị hủy hoại, mất khả năng sử dụng. 

NSND Trà Giang thiết tha mong muốn lãnh đạo Đảng và Nhà nước quan tâm hơn nữa với ngành điện ảnh, nhất là những vụ việc cụ thể, trước mắt là cứu lấy Hãng phim. 

Câu chuyện về cổ phần hóa ở Hãng phim truyện Việt Nam vẫn chưa có hồi kết suốt một thời gian dài. Đấy cũng là vấn đề lớn khiến cho những "bi kịch" vẫn như những thước phim quay chậm, và kéo dài.

Trả lời báo chí, Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành cho biết, hiện Cục Điện ảnh không đủ thẩm quyền để giải quyết. Ông bày tỏ mong muốn Bộ VHTTDL, Chính phủ giải quyết dứt điểm vụ này.

Đây là câu chuyện sẽ chưa rõ đến khi nào  được  giải quyết và giải quyết dứt điểm. Còn trước mắt, những hình ảnh hoang tàn, đổ nát ở Hãng phim truyện Việt Nam đang tràn lan trên các trang báo và mạng xã hội kèm theo lời "kêu cứu". 

Với 70 năm lịch sử nhưng thương hiệu được định giá bằng 0 khi tiến hành cổ phần hóa, những thước phim kinh điển đánh dấu thời quá khứ vàng son, nhưng chỉ là vàng son của quá khứ.


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn